Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, hệ thống điều trị trong cả nước ghi nhận hàng nghìn bệnh nhân Covid-19 đến khám và điều trị, trong đó có 13 bệnh nhân tử vong sau 4 ngày nghỉ lễ. Dự báo sau dịp nghỉ lễ, số người mắc Covid-19 sẽ còn tăng mạnh. Vậy công tác điều trị cùng những biện pháp để hạn chế bệnh nhân chuyển nặng và tử vong đang được triển khai ra sao?
Gần 2 tuần trở lại đây, nước ta đã ghi nhận hàng chục nghìn ca mắc Covid-19 mới, trong đó có hơn 2.000 ca nhập viện điều trị trong 4 ngày nghỉ lễ, 150 bệnh nhân phải thở máy, hàng chục bệnh nhân rơi vào trường hợp nguy kịch dẫn đến tử vong.
Hầu hết các trường hợp này đều là bệnh nhân mắc bệnh nền, chưa tiêm vaccine hoặc tiêm 2 mũi vaccine Covid -19 cơ bản đã lâu. Điển hình bệnh nhân tại Bắc Giang mới đây đã chuyển nặng và tử vong do có bệnh nền đái tháo đường, xơ gan và nhiễm Covid-19. Tỉnh Bình Dương cũng ghi nhận một bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong sau 5 ngày điều trị tích cực. Bệnh nhân này mới tiêm 1 mũi vắc xin phòng Covid 19 và có bệnh nền suy tim, đái tháo đường. Bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại Đồng Nai do tuổi cao, nhiều bệnh nền…
Nhận định về số ca nhập viện điều trị Covid-19 tại Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội thời gian gần đây, BS Lê Văn Thiệu cho biết, hầu hết bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng lâm sàng nhẹ, trong đó ho, nghẹt mũi chiếm đến 90%, thậm chí có những bệnh nhân trẻ không có triệu chứng gì. Với bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, viêm mũi thì chỉ cần uống các loại thuốc điều trị triệu chứng kết hợp một số loại vitamin bổ sung mà không cần sử dụng thuốc kháng virus. Tuy nhiên, với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, người bệnh nền, người đang điều trị bệnh, phụ nữ có thai khi mắc Covid 19 cần lưu ý các triệu chứng trong suốt quá trình mắc bệnh để hạn chế chuyển nặng.
"Người mắc bệnh lý nền, hoặc cảm thấy triệu chứng nặng và rầm rộ cân nhắc uống thuốc kháng virus, hiện tại thuốc uống điều trị tại nhà là Molnupiravir có thể mua được ở nhà thuốc hoặc đến cơ sở y tế khám để được kê đơn, giúp thời gian khỏi bệnh tăng lên và giảm nguy cơ diễn biến nặng. Việc rất quan trọng nữa đối với nhiễm trùng đường hô hấp cần theo dõi chỉ số oxy, trong trường hợp tứ ngực khó thở oxy dưới 96% cần nhập viện, theo dõi điều trị tại viện và có thể bổ sung thuốc kháng virus đường truyền" - bác sỹ Thiệu nói.
Nhận định số ca mắc Covid-19 kéo theo số ca nặng còn tăng cao sau dịp nghỉ lễ, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các Trung tâm y tế các quận, huyện thực hiện phân tầng điều trị ngay tại địa bàn, những bệnh nhân nhẹ hoặc không triệu chứng được cán bộ y tế theo dõi, điều trị tại nhà. Những bệnh nhân có triệu chứng trung bình và nặng được điều trị tại các bệnh viện.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngành Y tế thủ đô đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, thuốc men để tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid -19 nhằm giảm ca nặng và tử vong trên địa bàn: "Với các bệnh viện tôi yêu cầu đảm bảo hóa chất vật tư tiêu hao, cơ số giường được Sở Y tế phân công để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân, đồng thời tổ chức tập huấn giao ban liên tục để có thể hội chẩn được bệnh nhân kịp thời".
Để ngăn ngừa dịch bùng phát kéo theo số ca tử vong tăng cao, hiện các địa phương tiếp tục vận động người dân, nhất là nhóm có yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, người trên 50 tuổi và những ai làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm tiêm bổ sung các mũi vaccine Covid-19 để bảo vệ bản thân và cộng đồng trước dịch bệnh./.
Thúy Ngà/VOV1