Mô hình dự báo mới có thể chỉ ra tác động của lũ lụt, sạt lở đất đối với giao thông

Dự báo dựa trên tác động có thể chỉ ra khả năng xảy ra lũ lụt, sạt lở đất và thiệt hại đối với mạng lưới giao thông và các tòa nhà trên khu vực đó.

 

Sẽ rất hữu ích đối với chính quyền địa phương, các nhà quản lý rủi ro thiên tai, nhất là ở những khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai như bão, lũ, triều cường.
Biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến thiên tai có xu hướng ngày càng gia tăng cả về tần suất và cường độ trên phạm vi cả nước. Đặc biệt diễn biến khó lường và khó đoán định. Để ứng phó đòi hỏi công tác dự báo thiên tai ngày càng phải định lượng, sát với thực tế hơn. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử VOV có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

PV: Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đã đưa ra các định hướng phát triển dự báo thiên tai dựa trên tác động đối với các cơ quan khí tượng trên thế giới? Có sự khác biệt nào trong cách thức dự báo và dự báo dựa trên tác động không, thưa ông?

Ông Hoàng Đức Cường: Dự báo dựa trên tác động là dự báo các tác động tiềm ẩn của các hiện tượng thời tiết, thiên tai đối với con người, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế, thay vì chỉ cung cấp thông tin về điều kiện thời tiết. Dự báo dựa trên tác động lấy tác động tiềm ẩn làm thông tin trung tâm, thay vì lấy thông tin thời tiết làm trung tâm như dự báo truyền thống.

Chẳng hạn, thay vì chỉ dự báo diễn biến, lượng mưa lớn ở một khu vực cụ thể, dự báo dựa trên tác động có thể chỉ ra khả năng xảy ra lũ lụt, sạt lở đất và thiệt hại đối với mạng lưới giao thông và các tòa nhà trên khu vực đó.

Dự báo dựa trên tác động đặc biệt hữu ích đối với chính quyền địa phương, các nhà quản lý rủi ro thiên tai, nhất là ở những khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai như bão, lũ, triều cường. Có thể giúp các cấp lãnh đạo, những người ra quyết định bảo vệ cộng đồng tốt hơn, như: đưa ra các khuyến nghị về sơ tán, đóng cửa trường học và các biện pháp bảo vệ khác để giảm thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng, kinh tế… Đây được xem là một công cụ quan trọng cho các nhà quản lý tình trạng khẩn cấp, các nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan khác tham gia vào việc chuẩn bị, lên kế hoạch, quản lý rủi ro thiên tai và hành động ứng phó khi tình huống thiên tai xảy ra.

Có thể điểm qua một số hệ thống dự báo dựa trên tác động đã và đang được triển khai như: Hệ thống dự báo phục vụ hành động sớm của Vương quốc Anh, dự báo dựa trên tác động của bão, mưa lớn, gió mạnh ở Philippines, dự báo dựa trên tác động cho lũ ở Malaysia, dự báo cảnh báo tác động của nắng nóng và rét hại ở Hàn Quốc,… Về kết quả, hệ thống nhận diện lũ lụt châu Âu (EFAS) có thể cung cấp dự báo lũ lụt trước 10 ngày, cho phép các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp thích hợp để giảm tác động của lũ lụt đối với con người, tài sản và cơ sở hạ tầng…

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

PV: Việt Nam đã có những thay đổi nào để thực hiện định hướng này trong hoạt động dự báo. Cần có những chuẩn bị gì để phát huy hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) bền vững?

Ông Hoàng Đức Cường: Hiện Việt Nam đã áp dụng một số kinh nghiệm tại các nước trong khu vực và trên thế giới về dự báo dựa trên tác động. Tổng cục KTTV đã ban hành các Quyết định về loại, thời hạn và nội dung bản tin cho các đơn vị thuộc Hệ thống dự báo quốc gia, trong đó nhấn mạnh tất cả các loại bản tin phải cung cấp các thông tin về khả năng tác động của các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn và thiên tai đối với môi trường, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng và các hoạt động KT-XH.

Qua đánh giá bước đầu, khi thêm các thông tin về khả năng tác động vào các bản tin dự báo các hiện tượng hoặc thiên tai KTTV ở các thời hạn dự báo khác nhau, từ dự báo mùa tới dự báo tháng, dự báo 10 ngày và dự báo hạn ngắn 1 - 3 ngày đã giúp các cơ quan chỉ đạo phòng tránh thiên tai các cấp chủ động hơn trong công tác lập và xây dựng kế hoạch phòng chống, cũng như triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai.

Thông tin cảnh báo khả năng tác động cũng giúp các cấp chính quyền địa phương khoanh vùng (không gian, đối tượng) có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, rà soát các điểm xung yếu, tập trung nguồn lực vào các khu vực, các đối tượng chịu rủi ro cao, giúp công tác ứng phó hiệu quả hơn.

Trước mắt, về nâng cao năng lực dự báo, cần tăng cường đầu tư phát triển công nghệ, đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học để tăng độ chính xác của dự báo và tạo ra dự báo xác suất, giúp đánh giá rủi ro do thiên tai gây ra một cách đầy đủ, khách quan và chính xác hơn.

Ngoài ra, việc thu thập, chia sẻ các dữ liệu về KT-XH, dân cư, y tế, giao thông vận tải… giữa các bộ, ngành cần được tiến hành đồng bộ và tích hợp trực tuyến thì việc dự báo tác động mới có thể đảm bảo độ tin cậy.

Đồng thời, cần tăng cường hợp tác, tuyên truyền trong việc xây dựng các hướng dẫn sử dụng, tích hợp các thông tin dự báo tác động trong các kế hoạch, hành động ứng phó để quá trình ra quyết định được hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Văn Ngân/VOV.VN (thực hiện)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận