Sống chậm ở Cát Tiên

Đặt chân tới Vườn Quốc gia Cát Tiên, chúng tôi được hòa vào thiên nhiên. Những tổn thương tâm hồn bỗng nhiên tan biến.

 

Tìm về Cát Tiên - tìm về với thiên nhiên

Không phải đến khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng ta mới cảm nhận sự cần thiết của việc sống chậm - sống thưởng lãm hòa mình với thiên nhiên. Cách sống này vốn nằm trong tiềm thức của mỗi chúng ta và từ lâu đã là một triết lý nhân văn giúp con người cảm nhận ý nghĩa thực sự của hạnh phúc. Nhưng thật không dễ dàng thực hiện được mong muốn này, nhất là khi chúng ta đang phải sống, làm việc trong một đại đô thị tới 10 - 12 triệu người như TP.HCM, Hà Nội. Bởi vậy, gần đây, ngày càng nhiều du khách có xu hướng đi du lịch sinh thái đến những nơi có rừng để cảm nhận đầy đủ mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên.

Bến đỗ bình yên của kiến trúc, hội họa, âm nhạc

Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới, là một kiệt tác của thiên nhiên. Theo truyền thuyết của người Mạ, tên gọi Cát Tiên bắt nguồn từ sự hiện diện của những nàng tiên trên bãi cát vàng tại Thác Trời (cách trụ sở vườn 1km theo đường chim bay). Cát Tiên không chỉ đẹp trong truyền thuyết, mà là một kiệt tác hiện hữu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta, được kiến tạo để trở thành một bến đỗ của kiến trúc, hội họa và âm nhạc.

Đạp xe đón bình minh trên đường rừng.

Vượt 10km đường rừng, đoàn chúng tôi không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên khi tận mắt chiêm ngưỡng nhiều cây đại thụ cao to quý hiếm, hình dáng đồ sộ, vững chãi và có những đường nét khiến người ta liên tưởng tới lối kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ điển. Đó là “tòa tháp cổ” cây Tung (tên khoa học Tetrameles nudiflora) hơn 400 năm tuổi, có gốc to hàng chục người ôm, cây căm xe 300 năm tuổi, cây bằng lăng có đến 5 ngọn. Cây Gõ đỏ (loài quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam) có đường kính hơn 2m, cao khoảng 40m, ước tính trên 700 năm tuổi. Càng tiến sâu vào rừng, chúng tôi càng thu vào tâm mắt hình ảnh của đại ngàn hoang sơ. Dệt thêm cho bức tranh rừng là vũ điệu của ngàn vạn dây leo vươn tròn như cầu vồng, khi buông thõng như những chiếc xích đu và có khi quấn quít bên nhau không rời.

Hội họa đã “cất tiếng nói” để kể những câu chuyện về vẻ đẹp của rừng  Cát Tiên khi trời về chiều, ánh tà dương dần buông phủ trên "Bàu Sấu", vẽ lên một bức tranh kỳ ảo với màu đỏ của hoàng hôn, màu vàng của thảm thực vật đa dạng và màu xanh của rừng già. Không chỉ là thắng cảnh đẹp tập trung nhiều loài chim nước đặc hữu, Bàu Sấu còn là mái nhà của nhiều loài cá nước ngọt có tên trong Sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới như cá lóc bông, các loài cá lăng (lăng bì, lăng nha, lăng nhám, lăng chì...) và là nơi sinh sống của cá sấu xiêm quý hiếm.

Du khách chụp hình lưu niệm tại cây Kơ-nia sum suê trước Trạm Kiểm lâm Núi Tượng.

Ban thư ký Công ước RAMSAR đã công nhận Bàu Sấu là vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới, là trung tâm nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế, được mệnh danh “Hồ Sách đỏ”. Chèo xuồng chầm chậm trên mặt hồ, chốc chốc từng đàn cò chao nghiêng đáp xuống đám cây soi mình trên mặt nước - hoàng hôn trên Bầu Sấu là một cảnh thần tiên, bí hiểm và mê hoặc.

Thảnh thơi dạo chơi trên thảm cỏ, hòa mình với hoạt động cộng đồng thiên nhiên náo nhiệt, thật không quá lời khi nói chúng tôi có thể nhảy dance sport vì đôi tai bị kích thích bởi âm hưởng của rừng già. Đó là bản hòa ca sống động lạ thường của hàng ngàn loại côn trùng, đôi lúc bật cười vì tiếng hú dài của chú vượn xám hay giật mình bởi tiếng rúc lạ tai của một con chim lạ. Đôi khi cả khu rừng như lặng đi, chỉ còn nghe thấy bước chân và hơi thở của chính mình. Khó có thể kể hết được những cảm xúc đan xen trong ba ngày, hai đêm mà chúng tôi có dịp trải nghiệm ở Cát Tiên.

Hoàng hôn trên Bàu Sấu.

Trở về rừng để sống và hạnh phúc

Sống phải “chạy deadline”, con người hiếm hoi thời gian để tận hưởng, bởi vậy về Cát Tiên, đặc biệt ngủ lại một đêm trong Bàu Sấu, khi không có sóng điện thoại, không có điện, lại thấy mình thực sự “all in one”. Tất cả chúng tôi buông điện thoại, để cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi mến yêu qua từng câu chuyện kể, từng tiếng cười hồn nhiên, từng khúc  hát không cần loa đài, nghe rõ giai điệu yêu thương cất lên từ con tim...

Những vòng xoay liên tục của cuộc sống bận rộn và áp lực công việc khiến chúng ta không tránh khỏi những căng thẳng, âu lo. Ngày qua ngày, những bất ổn nho nhỏ dần tích tụ và dẫn đến tình trạng mất kiên nhẫn, dễ nóng giận, vô tình gây thêm tổn thương cho những người xung quanh mình.

Con đường nhỏ xuyên rừng luôn rợp bóng cây và râm ran tiếng ve.

Ta hãy cho mình cơ hội về lại Cát Tiên và soi bóng hồ nước trong xanh, soi lại bản thân. Chính thiên nhiên sẽ giúp ta xoa dịu những thương tổn và vất vả thường nhật, để tâm trí không bị nhiễu loạn từ tiếng còi xe, cảm xúc không bị tù túng giữa rừng bê-tông cốt thép, hay bầu không khí nặng khói bụi.

Đặt chân về Cát Tiên là chính là lúc ta đang tự chữa lành những tổn thương bên trong. Chỉ khi lấy lại tinh thần lạc quan nội tại, ta mới mang đến sức sống tươi mới cho những người thân yêu. Ai đó nói thật đúng, chuẩn mực đo đếm sự giàu có của loài người không khéo cũng đang dẫn chúng ta đến chỗ tự hủy diệt. Để vượt qua sự tự hủy diệt, chúng ta cần một hệ chuẩn mới về giá trị. Trong hệ chuẩn này, sống hài hòa với thiên nhiên phải được coi là giá trị văn hóa cao cả nhất.

Ngắm hoàng hôn trên Bàu Sấu.

Nếu ví rừng Cát Tiên như một thực thể sống thì hàng nghìn loài động vật, thực vật chính là “trái tim” của rừng. Và những người giữ rừng, lực lượng kiểm lâm của Cát Tiên, những gương mặt thân yêu mà chúng tôi đã được gặp, anh Thịnh, anh Tuấn, em Bình, em Linh, em Việt, với tất cả tình yêu rừng và trách nhiệm, đang mỗi ngày giữ cho trái tim ấy nhịp đập mạnh mẽ, khỏe khoắn để rừng ngày thêm xanh.

Giàu có là bạn được sống trong một môi trường trong lành, là mỗi ngày bạn lại được tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước mình. Chúng tôi thật may mắn và giàu có khi được “sống” ba ngày hai đêm ở Vườn Quốc gia Cát Tiên!

Hài hòa với thiên nhiên nghĩa là dựa vào thiên nhiên để sống, chứ không phải là bóc lột thiên nhiên. Nhưng thật tiếc khi mọi thứ ở đời đều có giới hạn, chỉ lòng tham là không có tận cùng. Do tham lam, vẫn còn những con người đang thật sự hủy hoại môi trường sống của mình.

TP.HCM ngày 10/4/2023./.

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận