Với khoảng 45 triệu người dùng, TikTok là một trong những mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam. Theo nhận định của ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), trước đây nền tảng này có nội dung thuần túy về giải trí. Nhưng từ năm 2022 trở lại đây, trên TikTok xuất hiện nhiều nội dung chống phá Đảng, Nhà nước. Nền tảng xã hội này còn tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội hay khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống của giới trẻ, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, giảng viên cao cấp tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã trả lời phóng viên VTC News về vấn đề này.
Là một trong những ứng dụng phổ biến nhất ở Việt Nam nhưng thời gian gần đây, TikTok lại được cho là nền tảng phát tán những nội dung xấu, độc hại, không kiểm soát. Ông đánh giá thế nào về mạng xã hội này?
Thực tế chúng ta thấy rõ mạng xã hội TikTok được hình thành từ lâu, phổ biến tại nhiều quốc gia với tốc độ tăng trưởng người dùng chóng mặt. Đối với mỗi quốc gia, mạng xã hội này đều xây dựng với những mục đích chính trị, chiến lược, chủ đề khác nhau.
Mỗi nền tảng mạng xã hội phát triển với những mục đích của nó; thậm chí cụ thể hoá mục tiêu đối với mỗi quốc gia, mỗi vùng địa chính trị. Facebook hay Twitter thì nhằm kết nối và hình thành lực lượng xã hội và thu thập thông tin cá nhân phục vụ đa mục tiêu; đồng thời là hình thành hệ dữ liệu phục vụ kinh doanh trực tiếp hay gián tiếp. Trực tiếp là quảng cáo và các kiểu PR còn gián tiếp là thu thập dữ liệu để bán ra cho các công ty khác; thậm chí phục vụ nghiên cứu chiến lược phát triển khách hàng, thị trường, ...
TikTok ngoài mục đích như các mạng xã hội trên, nó còn có mục đích ẩn chứa đằng sau mà mức độ xấu độc thì phải tuỳ theo từng góc tiếp cận, tuỳ theo tầng nấc văn hoá và tầm nhìn mới nhận thấy được.
Tôi lấy ví dụ, nhóm trẻ thì rất ít người thấy nội dung TikTok là xấu độc bởi họ thấy vui vẻ, nhí nhảnh, sinh động và nhất là được tham gia, được nổi tiếng, được kiếm tiền nên họ không thấy điều gì xấu độc cả; thậm chí có ý kiến cho rằng không nên “nâng cao” vấn đề,…
Còn với những người quản trị quốc gia, những người có sự hiểu biết và tầm nhìn văn hoá - chính trị thì mới thấy được mục đích xấu, độc của mạng xã hội này là nhằm sai khiến giới trẻ vì mục đích chính trị, văn hoá của nó để từng bước xâm lăng văn hoá, xâm lăng chính trị và dễ dẫn đến thao túng không gian mạng quốc gia, ...
Mức độ xấu, độc của TikTok rất khó cảm nhận bởi nó không thể hiện ra ngay mà cần có sự phân tích về các tầng nấc văn hoá, tầng nấc giá trị mới thấy được tác hại của nó về lâu dài. Giống như tác hại của các hoá chất độc hại trong thực phẩm, người dùng không lăn đùng ra chết ngay, mà ngấm dần và phát sinh bệnh tật, dẫn đến huỷ hoại dần nguồn nhân lực quốc gia.
TikTok vào Việt Nam từ lâu nhưng đến nay khi thấy các sai phạm về bản quyền, xuyên tạc chính trị, nội dung xấu, độc tràn lan, chúng ta phải lên tiếng cảnh báo.
- Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đó chỉ là một ứng dụng vui, mọi người đang "nâng cao quan điểm". Ông nói gì về điều này?
Như tôi đã nói, người dùng thấy hay, vui, thấy tiện lợi, thậm chí hướng dẫn mình cùng tham gia, làm quen với công nghệ. Đằng sau những điều đó, tác hại có thể chưa thấy rõ ngay nhưng nó tác động vào lối sống giới trẻ và quan niệm hệ giá trị văn hoá nền tảng, trước hết là lối sống. Đó mới là điều chúng ta đáng lo.
Vấn đề này đòi hỏi tầm nhìn của nhà quản trị, tầm nhìn của nhà quản lý văn hoá - chính trị cần đi trước, nhìn xa để từ đó thiết kế chính sách.
Vì sao TikTok có tác động mạnh mẽ đến hành vi con người như vậy, thưa ông?
Theo tôi, trong cuộc sống cũng như trong công việc hay trong khoa học, con người ta quan niệm thế nào thì sẽ hành xử như vậy. Quan niệm là nhận thức, hành xử là kĩ năng. Nhận thức được hình thành trên nền tảng kiến thức, hiểu biết. Do đó, muốn cập nhật kiến thức, mở mang hiểu biết để có nhận thức đúng, thì cần cập nhật thông tin, kiến thức đa chiều, cập nhật khái niệm
TikTok có thể thực hiện chu trình đi từ kỹ năng, lôi kéo người dùng, làm giới trẻ yêu thích bởi ứng dụng tính năng công nghệ năng động, cập nhật, hiện đại trong thiết kế thông điệp truyền thông; và dùng nội dung, hướng đi của những thông điệp này tác động vào nhận thức giới trẻ và những người yêu thích công nghệ mới.
TikTok nghiên cứu tâm lý xã hội, tâm lý đám đông, tâm lý giới trẻ hành vi con người rất kỹ. Nền tảng này đưa ra những phép thử, đánh giá, khảo sát để thăm dò nhu cầu và thị hiếu thông tin, đo lường sở thích, mức độ… của công chúng, đó đưa ra những thông điệp, hình ảnh với mức độ tăng dần đều và loang ra. Từ đó, dẫn dắt, làm thay đổi nhận thức của người dùng một cách âm thầm, nhẹ nhàng, mượt mà. Người dùng đi theo một cách tự giác, tự nguyện, thậm chí thích thú. Vì nó sinh động, đời thường, …
Có thể nói, đây là một cách thức tác động rất hiệu quả vào nhận thức, lối sống, đạo đức của giới trẻ, thông qua trò chơi công nghệ. Chỉ từ những video clip giải trí thú vị nhưng tác động, hệ luỵ mà nó để lại cho người dùng, đặc biệt là giới trẻ rất sâu xa và nguy hiểm.
- Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông công bố 6 sai phạm của TikTok tại Việt Nam và sẽ tiến hành thanh tra toàn diện nền tảng này. Ông đánh giá thế nào về những sai phạm của TikTok?
Nếu nhìn vào lợi ích quốc gia, nhất là vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, rồi tư tưởng - chính trị cho giới trẻ thì những sai phạm của TikTok là vấn đề không hề nhỏ. TikTok dùng ngay chính không gian mạng của chúng ta, tức là “đất” của chúng ta để thao túng nhận thức của giới trẻ, làm lệch lạc nhận thức giá trị, đặc biệt nhận thức sai lệch về lịch sử, giá trị, giáo dục, văn hoá; từ đó, dần dần thay đổi nhận thức về chủ quyền quốc gia và trách nhiệm công dân, …Hiểu biết sai, dẫn đến nhận thức sai lệch, khiến quan niệm giá trị lệch lạc; từ đó thay đổi hành vi, lối sống theo hướng tiêu cực để phục vụ mục đích của họ.
Nhìn rộng hơn, đặt trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên mạng xã hội, liên quan đến vấn đề an ninh mạng quốc gia, liên quan đến an ninh chính trị, an ninh quốc gia trong công nghệ 4.0, thì đây còn là cuộc chiến tranh phi truyền thống. Nếu không sớm quyết liệt ngăn chặn, chúng ta sẽ mất đi chủ quyền trên không gian mạng và không chỉ trên không gian mạng, chúng ta sẽ dần mất đi hệ giá trị được xây dựng nhiều năm qua, xa rời những giá trị mà chúng ta cần hướng tới. Một khi giới trẻ dần quên đi lịch sử, dần xa truyền thống và mất phương hướng trong hiện tại thì sẽ bị thế lực khác thao túng, dẫn dắt…
Trước thực trạng nhiều nội dung xấu độc xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới, trong đó có TikTok, có ý kiến cho rằng cần biện pháp mạnh tay, như cấm hoạt động tại Việt Nam. Ý kiến của ông về điều này như thế nào?
Tôi nghĩ các biện pháp mạnh tay là rất cần thiết, nếu có thể cấm được ngay thì tốt nhất. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế, muốn cấm TikTok hoạt động tại Việt Nam, chúng ta phải làm từng bước.
Trước mắt, tôi nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị; trước hết là các cơ quan như Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hệ thống nhà trường cùng các cơ quan báo chí - truyền thông.
Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng được nền tảng công nghệ, mạng xã hội của riêng mình. Trong cuộc cách mạng 4.0, chúng ta cần phát triển nền tảng công nghệ của mình, không thể cứ lệ thuộc vào các quốc gia có nền tảng công nghệ phát triển. Không có nền tảng công nghệ, không làm chủ được công nghệ quốc gia thì sẽ dẫn đến nhiều bất cập.
Để nâng cao nhận thức của xã hội, nhất là giới trẻ, cần có góp sức của các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh chiến dịch truyền thông trong toàn cộng đồng, gia đình, nhà trường, phân tích cho giới trẻ hiểu thì chúng mới có khả năng tự bảo vệ mình. Sau đó là các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là Đoàn Thanh niên cùng các doanh nghiệp.
Tất cả phải cùng vào cuộc thì mới có thể đấu tranh và ngăn chặn được cuộc xâm lăng sức mạnh mềm đang diễn ra, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích quốc gia, đến tương lai phát triển.
Một số nước trên thế giới cũng đã có những chính sách rõ ràng để hạn chế TikTok. Ông đánh giá thế nào về cách làm của họ? Việt Nam có thể học theo cách thức đó không?
Thế kỷ XXI là cuộc chơi công nghệ của cách mạng 5G, Big Data. Nhiều nước phương Tây có thế mạnh phát triển công nghệ cao nên họ dễ nhìn thấy rõ và xác định đối thủ từ sớm.
Vậy nên khi TikTok xuất hiện, họ nhận thấy được nguy cơ tiềm ẩn như lôi kéo công chúng, khuyến dụ người dân bằng hình thức thân thiện, từ đó truyền bá văn hoá, thay đổi quan niệm giá trị, tranh thủ “bạn đồng minh” từ cộng đồng...
Mục đích của ứng dụng này không chỉ kinh tế, đằng sau đó không phải chỉ Big Data mà còn thu thập nhiều hệ dữ liệu, từ đấy tác động đến nhận thức tư tưởng và thái độ chính trị của đông đảo công chúng để phục vụ mục đích chiến lược.
Ở nhiều nước, các cơ quan chính phủ, công vụ, công viên chức nhà nước không được sử dụng TikTok. Dần dần từ đội ngũ này làm nòng cốt mới loang dần ra trong cộng đồng; đồng thời dùng các giải pháp công nghệ khác để loại TikTok.
TikTok hay các mạng xã hội là bề mặt của cuộc chiến công nghệ; bên trong là cuộc chiến phức hợp, mà rõ nhất là cuộc chiến hệ giá trị, cuộc chiến chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Vậy nên, mỗi quốc gia đều có quan điểm, chiến lược và phương cách ứng xử của mình; nhưng làm càng sớm càng dễ ngăn chặn và đạt hiệu quả; để muộn thì khó vực lại vì nó liên quan đến cộng đồng.
Lê Chi/VTC.VN