Ngày 6/4, Ban Chỉ đạo 197 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội ra quân chấn chỉnh, nhắc nhở, xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè, ô tô dừng đỗ dưới lòng đường, gây cản trở giao thông…
Đáng chú ý, dù tình trạng xe dừng đỗ dưới lòng đường diễn ra tràn lan, gây bức xúc dư luận, song lực lượng chức năng không thể xử phạt vì đường hạ tầng dự án chưa bàn giao cho Thành phố, chưa cắm biển cấm dừng đỗ, không đủ căn cứ để xử phạt.9h20 sáng 6/4, theo chân đoàn công tác Ban Chỉ đạo 197, phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), tại khu vực phía sau tòa nhà 17T1, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, dù mật độ phương tiện đi lại khá đông đúc, song hàng loạt ô tô dừng đỗ 2 bên vỉa hè, cả xuống lòng đường.
Tại ngã 3 trước khu nhà vườn A5, trước cửa một Trung tâm dạy tiếng Anh, 2 chiếc xe đỗ song song 2 bên đường, nối tiếp là 2 chiếc xe máy dựng dưới lòng đường “xí chỗ”.
Dù lực lượng chức năng giải thích cặn kẽ, song một giáo viên tại đây liên tục phản đối: "Em bắt buộc đỗ xe ở đây để xe ô tô không vào được đây, ở đây có một khoảng để phụ huynh vào đây đón bé, chứ còn không là không có chỗ, họ đỗ kín hết luôn. Đây bọn em để cả biển để chỗ học sinh đi nhưng cũng không ăn thua. Nên bắt buộc phải để xe máy ngang. Nhiều người bảo đây tôi đỗ không ảnh hưởng, và cứ cố tình đỗ, bọn em cũng chịu".
Tại khu vực phía sau tòa nhà 34T, khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính, tình trạng cũng diễn ra tương tự. Ông Trần Minh Đức, một người dân sinh sống tại tòa nhà cho biết: "Xe đỗ khiến khi lên xuống tầng hầm của chung cư chúng tôi ở đây rất phức tạp, nguy hiểm xe xe họ đỗ ở ngoài, nhắc nhiều người lái xe họ rất vô ý thức và rất cùn, quay đầu xe ngay tại cửa hầm lên xuống, nhắc cũng không được. Mà đường đã chật hẹp, ở đây cạnh là trường học, cư dân lên xuống tầng hầm rất phức tạp vì xe đỗ ngay bên đường này".
Một số người tham gia giao thông qua khu vực này cũng rất bât bình trước tình trạng ô tô dừng đỗ vô tội vạ:
"Rất chi là nhiều, toàn lấn vỉa hè chỗ của người đi bộ thôi. Các khu vực dọc này, kể cả gần cơ quan nhà nước ở đây nhiều mà, nhất là chỗ Kiểm toán kia kìa".
"Quá nhiều luôn, đỗ cả vào góc cua, đỗ ngang, các ông đi ôn tô đỗ hết rồi, đi lại hơi nguy hiểm".
Đại úy Phạm Thế Hiển, Đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự, Công an phường Trung Hòa thừa nhận, tình trạng ô tô dừng đỗ tràn lan diễn ra đã lâu, gây bức xúc cho người dân. Tình trạng này càng gia tăng trong thời gian gần đây, khi Thành phố triển khai việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đòng, cắm biển cấm dừng, cấm đỗ.
"Lái xe đưa xe vào khu đô thị này nhiều để tránh biển. Bản thân trong khu đô thị này chưa được bàn giao cho chính quyền địa phương. Bây giờ khó khăn là không có chức năng thẩm quyền xử lý trong khu đô thị, không có biển cấm đỗ dừng nên người dân thấy không có chế tài xử lý nên người dân vẫn cố tình vi phạm", Đại úy Phạm Thế Hiển nói.
Ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Khu An ninh, quản lý khu Trung Hòa- Nhân Chính thừa nhận, tình trạng đỗ xe bừa bãi trên vỉa hè, dưới lòng đường tại khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính diễn ra rất nhức nhối. Vì khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính đã thiết kế cách đây hơn 20 năm, tầng hầm để xe không nhiều, tình trạng để xe của bà con cư dân và người sinh sống của Khu đô thị để tràn lan lên lối đi, vỉa hè, thậm chí là những vị trí đặt biển báo người ta vẫn đỗ:
"Thực tế nếu nhiệm vụ bàn giao thì đối với chúng tôi là cơ sở quản lý vận hành và trông giữ phương tiện thì những việc đó chúng tôi không được biết sâu vì liên quan đến thủ tục của nhà nước hoặc liên quan đến cấp trên. Anh em ở cơ sở nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự và chú trọng công tác PCCC cho bà con khu cư dân Khu đô thị, nhưng vì lượng xe quá tải nên nhiều lúc cư dân hoặc khách hàng làm liều, để bừa", ông Tuấn cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc một số khu đô thị bàn giao cho chính quyền khiến địa phương rất khó xử lý các trường hợp vi phạm: "Như khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính đã đưa vào sử dụng 20 năm rồi nhưng hiện nay hạ tầng đô thị vẫn chưa bàn giao cho chính quyền địa phương. Do vậy, việc thực hiện quy hoạch, tổ chức giao thông hay cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị rất hạn chế. Chúng tôi muốn làm bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hạ tầng đô thị vẫn phải có thống nhất của chủ đầu tư, các cấp có thẩm quyền mới được làm".
Lãnh đạo UBND phường Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng thừa nhận, với 72 tòa chung cư cao tầng, dân số lên đến hơn 56 nghìn người, lượng phương tiện tham gia giao thông khá đông, nên tình trạng vi phạm trật tự đô thị vẫn diễn ra.
Mặc dù chính quyền phường thường xuyên có báo cáo, đề xuất với UBND quận Cầu Giấy sớm thống nhất với Ban quản lý dự án bàn giao hạ tầng cho địa phương quản lý, để từ đó địa phương tăng cường biện pháp quản lý hạ tầng đô thị, song vẫn chưa thực hiện được, khiến vi phạm tồn tại dai dẳng./.
Quách Đồng-Phúc Tài/VOV Giao thông