Từ vụ ép con trai 3 tuổi dùng chất nghi ma túy: Giám sát nuôi con sau ly hôn thế nào?

Vụ việc mẹ đẻ và cha dượng có dấu hiệu bạo hành, thậm chí ép con trai 3 tuổi dùng chất nghi là ma túy xảy ra mới đây khiến dư luận hết sức bất bình.

 

Đồng thời, một vấn đề cũng được đặt ra, đó là tăng cường sự giám sát quá trình nuôi con của cha hoặc mẹ sau khi ly hôn hoặc chưa ly hôn nhưng đã sống chung với người khác, để đảm bảo sự an toàn tốt nhất cho trẻ em.

PV/VOV Giao thông đã có cuộc đối thoại với Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư về Quyền Trẻ em về nội dung này.

PV: Thưa luật sư, khoảng một năm trở lại đây chúng ta nhiều lần phải chứng kiến những vụ bạo hành trẻ em mà người ra tay hoặc tiếp tay chính là cha/mẹ ruột của nạn nhân. Nặng thì chết người, nếu không thì cũng rất đau lòng, và sự việc em bé bị ép dùng chất nghi là ma túy mới đây thực sự đã đi quá giới hạn. Quan điểm của bà thế nào về vấn đề này?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Trước tiên đây là hành vi vi phạm Luật trẻ em, trẻ em có quyền được bảo vệ về tính mạng, nguy cơ đến tính mạng và bảo vệ trước chất cấm, ma túy.

Nếu người mẹ có hành vi ép con dùng ma túy thì tòa án có quyền áp dụng biện pháp hạn chế quyền của người mẹ đó với con chưa thành niên.

Còn trong trường hợp người bố phát hiện ra sự việc thì phải báo ngay cho công an để đưa người mẹ kia đi giám định, quản lý chặt chẽ, và người bố cần đề nghị tòa án thay đổi quyền nuôi con.

Ảnh minh họa.PV: Dù yếu tố trách nhiệm của cộng đồng luôn được nhắc tới sau những vụ bạo hành trẻ em, nhưng có lẽ vẫn cần thêm cơ chế giám sát quá trình cha, mẹ nuôi con sau khi ly hôn hoặc mới chỉ ly thân nhưng đã đem con đi sống cùng người khác, luật sư có đồng tình với ý kiến này hay không?

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo: Những vụ việc bố mẹ ly thân, chưa ly hôn thì hiện nay pháp luật chưa có cơ chế điều chỉnh cụ thể, nhưng hiện nay đang có Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng chống bạo lực gia đình, và đang lấy ý kiến rộng rãi. Hy vọng sẽ có thêm điểm mới bảo vệ trẻ em nếu bố hoặc mẹ bạo hành trẻ, người dân mà có ý kiến cũng nên góp ý cho ban soạn thảo.

Chúng ta cũng có những biện pháp phòng ngừa như PL cũng cấm chung sống như vợ chồng với người khác khi chưa ly hôn, thứ 2 nếu người bên kia phát hiện người chăm sóc con không đủ điều kiện thì có thể yêu cầu cơ quan chức năng thay đổi quyền nuôi con.

Hoặc có biện pháp bảo vệ tốt hơn, đặc biệt là trách nhiệm của tổ dân phố, cộng đồng khi phát hiện ra hành vi bạo hành, ép trẻ dùng chất cấm.

PV: Vâng xin cảm ơn luật sư./.

Xuân Tú/VOV Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận