Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như tiến độ cải tạo chung cư cũ, vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận khẩn trương thực hiện di dời hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp D. Đây được xem là động thái quyết liệt của thành phố trong bối cảnh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thời gian qua diễn ra rất chậm chạp.
Là địa phương có nhiều nhà chung cư nguy hiểm cấp độ D nhất TP. Hà Nội (5 nhà), quận Ba Đình đã tập trung di dời các hộ dân để thực hiện cải tạo, xây dựng lại trong đợt 1 theo kế hoạch của UBND thành phố.
Bà Trần Thị Hương, trú tại Khu tập thể Thành Công cho biết, việc cải tạo, xây mới chung cư cũ là điều rất cấp bách, nhưng phải đảm bảo tiến độ, lợi ích thoả đáng cho người dân. Bởi, không ai muốn sống trong những ngôi nhà xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng: "Trải qua quá trình sinh sống ở đây tôi thấy nhà xuống cấp rất nhiều, nhà bong tróc, trơ cả sắt thép. Người dân ở đây rất lo lắng về vấn đề an toàn".
Thống kê cho thấy, trên địa bàn quận có 217 nhà chung cư cũ. Trong đó có 86 chung cư đã có kết quả kiểm định, cần rà soát, đánh giá. 74 chung cư cũ thuộc trách nhiệm tổ chức kiểm định của UBND quận Ba Đình. Quận Ba Đình cũng đã tổ chức triển khai đo đạc, lập xong bản đồ hiện trạng 1/500 các Khu tập thể: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh và hoàn thành di dời các hộ dân khỏi 2 nhà nguy hiểm cấp D là Đơn nguyên 1,3 Tập thể Bộ Tư pháp, Đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh.
Tương tự tại quận Đống Đa, ngành chức năng thực hiện kiểm định 138 nhà chung cư. Theo đó, trong giai đoạn 1 lập quy hoạch chi tiết Khu tập thể Khương Thượng (dự kiến hoàn thành quý III/2023) và quy hoạch tổng thể 3 khu tập thể: Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng trong quý IV/2023. Giai đoạn 2, lập quy hoạch chi tiết 5 khu tập thể: Vĩnh Hồ, Văn Chương, Thủy Lợi, Nam Đồng, Hào Nam (hoàn thành trong quý II/2024). Giai đoạn 3 gồm các khu chung cư: Phương Mai, Nam Thành Công, hoàn thành trong quý III/2025. Giai đoạn 4 gồm các nhà chung cư cũ còn lại, hoàn thành trong quý IV/2025.
Ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết: "Trong nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ theo chỉ đạo chung của thành phố, quận Đống Đa đã và đang tập trung thực hiện rà soát, hoàn thành kiểm định, lập kế hoạch chi tiết 1/500 các khu chung cư cũ đề có cơ sở thực hiện lựa chọn các đơn vị cải tạo chung cư cũ".
Theo kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, 10 khu chung cư cũ được thành phố ưu tiên triển khai trong đợt 1 là 4 khu có nhà nguy hiểm cấp độ D (gồm Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, Bộ Tư pháp) và 6 khu có tính khả thi cao (là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân). Ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ TP. Hà Nội đề nghị UBND các quận khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm cấp độ D, khảo sát hiện trạng, kiểm định, lập quy hoạch, hoàn thành chậm nhất trong quý II/2023; tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án trong quý III/2023.
Ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin: "Hiện nay, Sở Xây dựng đang xây dựng 2 văn bản. Thứ nhất là hệ số K, thứ 2 là tiêu chí quy trình lựa chọn chủ đầu tư tại các khu chung cư cũ này. Và sau khi có văn bản hướng dẫn về lựa chọn chủ đầu tư và hệ số K thì chúng ta sẽ tổ chức lựa chọn chủ đầu tư theo đúng quy định của Chính phủ và quy định hiện hành của thành phố".
Mặc dù, được khởi động từ năm 1999, nhưng sau hơn 20 năm, TP. Hà Nội mới chỉ cải tạo được 32 chung cư trong tổng số 1579 tòa chung cư cũ trên địa bàn. Việc cải tạo, xây dựng mới diễn ra ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp không mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch, nâng chiều cao xây dựng…/.
Huy Nam/VOV1