Tuy nhiên thực tế, không ít nhà trường hiện nay dù đã triển khai phòng tư vấn tâm lý học đường song lại gặp khó khăn về vấn đề nhân sự.
Nhiều trường học chưa có cán bộ tâm lý học đường chuyên trách, mà chủ yếu sử dụng giáo viên kiêm nhiệm công việc này, công tác tư vấn cũng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Nhằm làm rõ hơn vấn đề này, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, Viện nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam.
PV: Thưa Thạc sĩ tâm lý Vũ Thu Hà, bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho trẻ em tại các nhà trường hiện nay?
ThS. Vũ Thu Hà: Hiện nay, các trường đã bắt đầu phát triển chiến lược phòng tâm lý học đường. Về cơ sở vật chất thì các trường đã làm rất tốt, đa số đều có một phòng tâm lý học đường.
Tuy nhiên, vị trí của nhân viên phòng tâm lý học đường hiện nay vẫn chưa phổ cập nên chúng ta thường xã hội hóa để tìm người làm ở văn phòng tư vấn học đường. Vì vậy nên hoạt động chưa thực sự chuyên nghiệp. Đôi khi giáo viên lại làm tư vấn, hoặc người làm công việc khác lại đảm nhiệm tư vấn.
Thế nhưng cũng chỉ giới hạn vì ngành tư vấn học đường, tư vấn tâm lý rất khó. Có học tới 7 năm chuyên nghiệp mà ra trường, đi làm còn khó. Bởi vì liên quan tới nội tâm, kỹ năng, tâm hồn của con người. Vì vậy không phải dễ dàng mà làm được việc thì phải hiểu được vấn đề của học sinh. Nhất là lứa tuổi vị thành niên có rất nhiều sự trưởng thành phát triển trong bản thân các con và mối quan hệ của các con. Rồi các con xác định bản thân năng lực để mình bước vào đời.
Trong khi đó, các chuyên gia tư vấn tâm lý học đường cần được đào tạo bài bản và có môi trường làm việc. Môi trường làm việc này không thể đánh giá giống như giáo viên, kể cả chi phí hay vấn đề hỗ trợ phụ cấp. Chúng ta đang đánh giá một nhà tư vấn học đường giống như một giáo viên trong khi hoàn toàn là công việc khác nhau. Một giáo viên hay một người làm công tác trong nhà trường làm tham vấn hoặc học về tham vấn một vài khóa đào tạo để làm thì hoàn toàn không hiệu quả.
Bởi người làm tâm lý phải có tố chất, phải đam mê tìm hiểu làm việc thì mới có những kỹ năng với vị thành niên hoặc trẻ em. Nếu không có một trải nghiệm theo hướng như vậy mà làm về tâm lý thì vừa khó cho người làm tâm lý trong trường, vừa khó cho học sinh.
PV: Bên cạnh việc đảm bảo cơ sở vật chất cho phòng tư vấn tâm lý, phải chăng ngành Giáo dục đào tạo cần chuẩn hóa đội ngũ tư vấn tâm lý học đường?
ThS. Vũ Thu Hà: Ngoài việc có một phòng ốc, có tâm thế chuẩn bị làm tâm lý thì vai trò của người làm tâm lý học đường vô cùng quan trọng. Họ cần được tuyển lựa, có đúng chuyên môn, phẩm chất và thực hiện được các yêu cầu thì những người đó mới có thể làm được công việc này và hỗ trợ các con một cách hiệu quả.
Mức độ chi trả thì hướng tới việc chi trả giống giáo viên, nhưng với người làm tâm lý thì sẽ khó để giữ chân họ lại. Họ phải có một công việc được công nhận là công việc hỗ trợ về học đường. Thứ 2 là hỗ trợ tương xứng với công việc họ bỏ ra. T3 là có những phúc lợi, hỗ trợ để giữ chân họ.
PV: Xin cảm ơn bà!
Sở Nguyên/VOV-Giao thông