“Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07 đã tháo gỡ cho các BV rất nhiều. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi mong Chính phủ và Bộ Y tế có giải pháp căn cơ và dài hơi hơn, làm thế nào để người bệnh được hưởng lợi nhất”, PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị nhấn mạnh điều này khi trao đổi với PV Báo Tiếng nói Việt Nam.
Thưa PGS.TS Nguyễn Thanh Hà, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 và Nghị định 07, những vướng mắc nào của ngành y sẽ được giải quyết ngay tức khắc?
Nghị quyết 30 giải quyết những khó khăn cho các BV. Thứ nhất, cho phép tiếp tục thanh toán các máy mượn máy đặt được thực hiện các kỹ thuật cao và vật tư y tế sử dụng máy mượn, máy đặt. Và các kỹ thuật này được thanh toán cùng vật tư y tế. Đây là nút thắt cực kỳ khó khăn kéo dài từ lâu vì các BV không thể tự giải quyết được việc này với lý do máy mượn máy đặt không phải là tài sản công nên không được thanh toán với giá BHYT quy định. Thực tế, gần chục năm nay các BV đều đặt máy, mượn máy khi các đơn vị, công ty cho mượn họ không đòi hỏi gì, đặc biệt khi các BV không đủ kinh phí mua sắm thiết bị đồng bộ, và ngân sách cũng không thể cấp đủ. Nghị định 30 cho phép tiếp tục sử dụng các xét nghiệm trên các máy mượn máy đặt mà được thanh toán BHYT là nút thắt được tháo gỡ cực kỳ quan trong tại các cơ sở y tế.
Lùi lại mốc ngày 5/11/2022, CP ban hành NQ số 144 tháo gỡ khá nhiều cho các cơ sở khám chữa bệnh, tuy nhiên nó cũng là ngắn hạn. Từ đó đến nay bộc lộ những khó khăn, bởi có một số hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022 thì nhiều BV đã gặp khó khăn rồi. Bệnh viện Hữu Nghị rất may không gặp khó khăn này như một số BV khác vì hết tháng 4 năm nay mới hết hạn hợp đồng.
Thứ hai, nghị định cho phép các cơ sở y tế dùng các máy tài trợ, trao tặng ngay từ khi nhận được trong khi chờ đợi xác lập tài sản công được sử dụng và được BHYT thanh toán. Đây là điểm rất khác, bởi ngày trước phải mất 1-2 năm chờ xác lập tài sản công mới được sử dụng, thanh toán bảo hiểm. Việc “đắp chiếu” các thiết bị này rất lãng phí, và người bệnh thiệt thòi đầu tiên.
Thứ ba, Nghị quyết 30 cho phép các BV thí điểm triển khai các gói thầu, mà giá trị các gói thầu được xác định trên tính năng kỹ thuật và nhu cầu sử dụng của chính cơ sở đó và khả năng tài chính. BN của BV Hữu nghị là cán bộ cao cấp nên khi mua sắm chúng tôi nhắm đến trang thiết bị công nghệ cao chứ không thể mua sắm thiết bị giống như các BV tuyến huyện, tuyến tỉnh. Do vậy, giá thành sẽ phải cao. Nếu như chúng ta cứ so sánh cùng một thiết chụp chụp CT, mà mỗi BV lại mua sắm với giá khác nhau là khập khiễng và rất vô lý, nó khiến các BV luôn luôn lo sợ vì bị quy kết vi phạm, thông thầu, thất thoát. Điều này rất nguy hiểm, khiến các BV không dám mua sắm trang thiết bị.
Theo ông, Nghị quyết 30 và Nghị định 07 có phải là giải pháp lâu dài hay chỉ là giải pháp trước mắt để gỡ khó vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao… của các bệnh viện?
Ngoài những ưu điểm kể trên, Nghị quyết vẫn còn điều khó hiểu, tức là cho phép sử dụng, thanh toán trên máy mượn máy đặt nhưng đến khi nào và sau đó ra sao thì điểm này không ghi rõ. Ở điểm a của điều 1, khi hợp đồng ký trước ngày 5/11/2022 thì thực hiện theo thời hạn hợp đồng. Nhưng nếu sau 1 năm hết hạn thì sẽ như thế nào?
Tại điểm b, hợp đồng ký từ ngày 5/11/2022 thực hiện đến khi có văn bản mới là điều khó hiểu, nguy cơ hiện hữu đó là nếu BHYT vin vào điều này, không thanh toán nữa thì sẽ như thế nào? Do vậy, điều 1 Nghị quyết 30 chưa được rõ lắm.
Nghị định 07 sửa đổi tháo gỡ cho chúng tôi ngay lập tức vấn đề kê khai giá trang thiết bị. Bởi vấn đề này làm khó cho chúng tôi, bởi công ty kê khai thiết bị với giá cao thì ai là người kiểm soát giá đấy? mua dưới giá công ty kê khai cũng chưa đảm bảo an toàn. Đây là điểm chưa rõ.
Việc cấp phép nhập khẩu thì rất nhiều hóa chất, vật tư y tế hết hạn nhập khẩu nay được gia hạn đến 31/12/2024. Quy định này tháo gỡ ngay lập tức cho các công ty nhập khẩu hóa chất vật tư y tế đang tồn đọng tại hải quan chưa thể thông quan được. Việc giấy phép lưu hành cũng thế, hiện nay được gia hạn đến 31/12/2024 và có một số có giá trị không thời hạn. Thực tế có nhiều vật tư y tế đã hết hạn lưu hành, khi được gia hạn là nút thắt được tháo gỡ.
Thực ra NQ30 và NĐ 07 là giải pháp tình thế. Ví dụ việc gia hạn giấy phép lưu hành đến hết năm 2024 thì sau đó ra sao, Chính phủ, Bộ Y tế không cấp phép mới gia hạn thì nhiều mặt hàng, nhiều vật tư y tế và hóa chất sẽ hết hạn. Theo tôi, sau năm 2024 sẽ phải thường xuyên cập nhật, và cấp phép chứ đừng để dồn toa vào thời điểm nào đó sẽ không ổn. Mà việc làm ẩu, qua loa sẽ dễ sai sót.
Những hợp đồng ký trước 5/11/2022 thì hết hợp đồng thanh toán bảo hiểm và hợp đồng máy thì việc ký đến khi có văn bản mới thì là đến bao lâu, sau đó sẽ như thế nào cũng cần có hướng rõ ràng, có cho mãi mãi hay BV phải làm đề án, Bộ Y tế phê duyệt; hoặc nếu không cho phép mượn thì phải cấp kinh phí mua sắm.
Dù sao, chúng tôi thấy việc Chính phủ ban hành NQ30 và NĐ 07 cũng tháo gỡ cho các BV rất nhiều, nó giúp chúng tôi đỡ ngột ngạt và dễ thở hơn. Tuy nhiên về lâu dài, chúng tôi mong Chính phủ và Bộ Y tế có giải pháp căn cơ và dài hơi hơn, đừng để các BV kêu cứu mới đưa ra các giải pháp. Điều này rất căng thẳng cho các BV, mà người thiệt thòi đầu tiên ở đây chính là người bệnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Lưu Hường thực hiện