Sau Nghị quyết 30 và Nghị định 07 của Chính phủ: Các bệnh viện đã 'dễ thở' hơn

Nghị định 07 và nghị quyết 30 với nhiều điểm mới quan trọng đã đem lại niềm vui cho người bệnh và các bệnh viện...

 

Trước thực tế muôn vàn khó khăn, bất cập của các bệnh viện trên cả nước về thuốc men và trang thiết bị y tế, trong 2 ngày liên tiếp (3 - 4/3), Chính phủ đã ban hành Nghị định 07 và Nghị quyết 30, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, khó khăn tại các bệnh viện, giúp các cơ sở y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Gỡ khó cho các bệnh viện và người bệnh

Nghị định 07 và nghị quyết 30 với nhiều điểm mới quan trọng đã đem lại niềm vui cho người bệnh và các bệnh viện  (BV) với những kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn về trang thiết bị y tế và thuốc men.

Ngày đầu tiên đi làm sau khi Nghị quyết 30 ban hành, theo “lệnh” của Ban Giám đốc, nhân viên y tế BV Bạch Mai đã xuống phòng máy chụp vi tính cắt lớp 256 dãy để kiểm tra lại hệ thống máy này. Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, trước đây, những thiết bị này đều phục vụ hàng trăm người đến khám chữa bệnh mỗi ngày, nhưng vì quy định của Bộ Tài chính về việc dừng thanh toán các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy đặt, máy mượn từ đối tác liên doanh, liên kết, nhiều máy móc đã phải “đắp chiếu” thời gian dài. Nhờ các quy định mới của Nghị quyết 30, ngay sau khi rà soát, BV sẽ đưa các máy đặt, máy mượn trở lại hoạt động phục vụ người bệnh. "10 năm qua hầu hết các thiết bị chẩn đoán của BV Bạch Mai đều là liên doanh liên kết, còn rất nhiều thiết bị mà sau khi có Nghị quyết 30, chúng tôi rà soát thủ tục hành chính, xem chất lượng máy đã dừng hoạt động bao lâu nay ra sao, đặc biệt là việc sửa chữa các thiết bị, mua linh kiện đặc chủng của thiết bị đấy. Đây là tháo gỡ hết sức thuận lợi mà từ trước đến nay các cơ sở y tế đang vướng".

Tình trạng người bệnh xếp hàng chờ khám chữa bệnh tại BV Việt Đức những ngày chưa ban hành NQ30 và NDD07.Với đặc thù của một BV chuyên khoa điều trị ung bướu, thời gian qua, dù tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị không quá nghiêm trọng, song Bệnh viện K Hà Nội vẫn gặp những khó khăn nhất định về công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất. Ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải tỏa rất nhiều khó khăn cho các cơ sở y tế, đặc biệt là quy định cần bộ 3 báo giá đã được gỡ bỏ để tạo thuận lợi cho công tác đấu thầu. "Thứ nhất, mình được phép lấy báo giá các nhà cung cấp, thứ hai là không cần 3 báo giá, hình thức lấy báo giá rất linh động để mua sắm các trang thiết bị y tế, sửa chữa máy móc phục vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân", ông Lê Văn Quảng cho hay.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc về quản lý trang thiết bị y tế hiện nay, ngày 3/3 vừa qua, Chính phủ đã ký và ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề cấp bách trong thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, kịp thời đáp ứng nguồn cung, giải quyết ách tắc do tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu tại các cửa khẩu. Đây còn là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, cung ứng trang thiết bị y tế và các nhà quản lý các cấp, lãnh đạo các BV, cơ sở y tế xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ nhằm góp phần cung cấp cho ngành y tế các trang thiết bị có chất lượng, đúng giá trị và sử dụng hiệu quả nhằm phục vụ công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Ông Trần Bình Giang, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức nhấn mạnh, ngay sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành, BV đã tổ chức xem xét, thực hiện các quy định này. Dự kiến trong 1 tuần nữa, mọi hoạt động khám chữa bệnh, phẫu thuật tại BV sẽ được khôi phục hoàn toàn. "Khi có Nghị quyết 30 và Nghị định 07, chúng tôi lập tức liên hệ với các nhà cung cấp, đặc biệt các máy móc, các vật tư kỹ thuật liên quan đến các giấy phép lưu hành, nhập khẩu đã được “cởi trói” bởi Nghị định 07, trong vòng 1 tuần nữa các nhà cung cấp hứa sẽ cung cấp đủ cho BV. Với Nghị quyết 30, việc mua hóa chất, xét nghiệm đã được cởi trói. Bệnh viện Việt Đức sẽ hoạt động bình thường, người bệnh cũng như bà con yên tâm đến khám chữa bệnh với đầy đủ phương tiện", ông Trần Bình Giang khẳng định.

Nghị quyết 30 của Chính phủ gỡ được nút thắt cho ngành y tế.BSCKII Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, Nghị quyết 30 của Chính phủ sửa đổi khoản 4 Nghị quyết số 144, kéo dài thời gian và thí điểm máy đặt, máy mượn khi các cơ sở y tế trúng thầu hóa chất vật tư để phục vụ cấp cứu, điều trị người bệnh. Đây là những tháo gỡ hết sức cần thiết và kịp thời, vì tại BV, hơn 80% máy móc trang thiết bị về xét nghiệm là theo hình thức mượn, đặt. Bên cạnh đó, việc đưa các thiết bị cho, tặng nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân vào để khám, chữa bệnh cũng tạo nhiều thuận lợi cho các bệnh viện. “Qua thời gian chống dịch Covid-19, có nhiều máy móc thiết bị y tế được tài trợ. Nghị định đã hướng dẫn để làm các thủ tục để sử dụng cho hiệu quả. BHYT cũng thanh toán đối với các thiết bị này, rất thuận lợi cho các đơn vị y tế”, BSCKII Trần Văn Khanh cho hay.

Ngày 4/3, Chính phủ đã ký và ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế từng bước hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nghị quyết cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.

Mới là giải pháp tạm thời

PGS.TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành là một cơ sở pháp lý, và ngành y tế TP hạ quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư trong công tác chăm sóc, điều trị cho BN. Tuy vậy, ông Thượng lo ngại, các chính sách đưa ra biện pháp giải quyết những khó khăn trước mắt, vì vậy mỗi cơ sở y tế sẽ có cách hiểu và vận dụng quy định khác nhau. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức trao đổi, thống nhất một số hướng giải quyết để các BV triển khai thực hiện 2 văn bản trên.

Trong quá trình thực hiện, Sở Y tế TP.HCM sẽ tổ chức tập huấn để thống nhất cách làm, lắng nghe những vướng mắc của các BV. Đồng thời, tổ công tác của Sở Y tế cũng sẽ khảo sát, ghi nhận khó khăn khi triển khai trên thực tế. “Hằng tuần, BGĐ Sở Y tế sẽ họp trực tuyến để nghe các BV báo cáo tình hình mua sắm trang thiết bị y tế theo tinh thần Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Dự kiến sau 1 tháng, ngành y tế thành phố sẽ đánh giá lại và tiếp tục kiến nghị nếu có vướng mắc phát sinh cho Bộ Y tế và lãnh đạo TP biết để có những giải pháp tiếp theo”, ông Thượng nói.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ chỉ mang tính tạm thời, "chữa cháy". Các bộ, ngành không riêng ngành y tế phải sửa các luật theo hướng thoáng hơn, cụ thể là Luật Đấu thầu, các nghị định, thông tư về mua sắm... Để giải quyết tận gốc vấn đề, cần sự tham gia trách nhiệm hơn nữa của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư, do đây là vấn đề kinh tế y tế chứ không chỉ là chuyên môn y tế. Trong sửa đổi Luật Đấu thầu sắp tới, nên có một quy định riêng cho thuốc và trang thiết bị y tế./.

Nhóm phóng viên

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận