'Lực sĩ văn xuôi' vội vã đi rồi

  • 08/03/2023 05:00:00
  • Trọng Huân
  • Xã hội
  • 0

Đột ngột nghe tin nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch, nhà phê bình Nguyễn Hiếu giã từ cõi tạm.

 

Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN), Hội Nhà Văn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, làng Chèm, gia đình họ mạc của anh mất đi một cây viết, một người con yêu quê hương nồng cháy, giản đơn, hài hước mà thâm thúy, ngồn ngộn chữ nghĩa.

Nhìn khối tác phẩm đồ sộ của Nguyễn Hiếu, khó mà hình dung con người ấy viết lách bằng cách nào, thời gian nào, sức lực lấy ở đâu? 26 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn, hơn 60 kịch bản sân khấu, gần 20 kịch bản phim, 400 bài thơ, nhiều phê bình sắc sảo, rất xứng đáng với những giải thưởng văn học nghệ thuật danh giá anh được trao tặng.

Sinh ngày 15/10/1948, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, con người ấy yêu quê hương đất nước như yêu Hà Nội, yêu ngôi làng Chèm cổ kính đến mê miết, nên anh mới tạo ra những tác phẩm vì quê hương như vậy. Hãy xem Nguyễn Hiếu viết về Thăng Long: “Hà Nội, vẫn Hà Nội thơm thảo thơ/Đòn gánh cong gạt sợi heo may/Dâm Đàm trâu vàng quầng chân chạy/Bách Thảo mơ vàng mùi xoa kẽ tay…".

Chính ngôi làng quê anh, làng Chèm bên dòng sông Hồng, nơi ngôi đền cổ xưa nổi tiếng thờ Lý ông Trọng, mảnh đất quê nuôi dưỡng anh suốt cả tuổi thơ, gieo trồng, vun đắp, dung dưỡng lên cây bút Nguyễn Hiếu từ khi là học sinh giỏi văn Hà Nội rồi vào Khoa Ngữ văn, đại học Tổng hợp Hà Nội, khoá 11 (1966 - 1970). Bước chân vào cửa trường đại học cũng là thời điểm bước vào cuộc đối đầu chiến đấu với không quân Mỹ ném bom ra miền Bắc, trường lớp sơ tán tận Tràng Dương (Đại Từ - Thái Nguyên), khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề.

Ra trường, thật vinh dự và may mắn, Nguyễn Hiếu về làm việc tại Đài TNVN, góp phần vào đội ngũ những tay viết tên tuổi thời đổi mới cùng với Trần Thiên Nhiên, Trần Sơn Ngọc, Trương Hữu Lợi, Hồ Khánh Thiện... Hồi ấy Ban Kinh tế - Khoa học & Công nghệ có 7 phòng nội dung, anh và tôi mỗi người làm trưởng một phòng. Tôi hay chòng ghẹo ông anh, còn anh coi tôi như thằng em nghịch ngợm, nên hay cười cười đáp: “Chú mày!”

Đàm đạo chuyện đời và nghề với nhà văn Nguyễn Hiếu.

Anh và tôi có nhiều kỷ niệm lắm, từ hồi phòng làm việc áp nhau, rồi khi chuyển về phòng lớn thì 2 phòng bàn ghế cũng áp nhau, không ngăn tường, che kính. Nhớ lần một chiều muộn, tôi ngó sang chỗ anh: “Hiếu ơi!” - tôi hay đùa gọi vậy, anh chả chấp. “Ơi, gì đấy chú mày?”. “Sang đây, em cho xem cái này”. Tôi có ý để ông anh quan tâm tới vi tính, mạng, thứ rất hữu ích với dân viết lách. Tầm tuổi các anh thường ngại ngùng, lười học và dùng vi tính vào mạng. Khi ông anh lò dò bước sang, tôi vào google đánh dòng chữ, rồi "sớt", ông anh trố mắt ngạc nhiên và thấy mạng quá thú vị. Và rồi tôi gạch dăm đầu dòng cách thức mở, tắt, lưu văn bản, tra tìm... Chỉ độ hai, ba tuần, ông anh đã sử dụng máy nhoay nhoáy.

Anh giúp tôi ra tập truyện ngắn đầu tay - Người con gái năm Ất Dậu (NXB Lao động, 1998). Anh em hay bỡn cợt, bông đùa, ít khi đàm đạo đả động đến văn chương. Bỗng một hôm anh bảo: “Chú mày tập hợp, ra sách đi, tao giúp!”. Hoá ra lâu nay anh có đọc truyện ngắn của tôi đăng ở đâu đó. Còn về tác phẩm của mình, chính anh cũng không nhớ và còn lưu giữ được bao nhiêu nữa. Vợ tôi có thời kỳ làm ở thư viện Viện Văn học, anh nhờ tra tìm giúp. May quá, thư viện còn lưu kha khá truyện ngắn dài, tiểu thuyết của anh. Cầm lại sách của mình, anh như vớ được của, cười khà khà rất chất HIẾU. “Hiếu ơi! Em xin lỗi nhé, vẫn quen gọi bậc đàn anh như thế. Sao đã đi rồi, anh Hiếu ơi!”.

Anh nuông chiều thằng em và thằng em cũng "rứa", rất mực chiều chuộng cung phụng bậc đàn anh. Anh chả uống mấy đâu, chỉ thích ly vang nhâm nhi, nhìn thằng em cười cợt, buông câu: “Chú mày!”. Biết ông anh thích vang, đôi khi hẹn anh ra quán áp Cung Hữu nghị, thức nhắm anh chả quan tâm mấy, còn thằng em thường mua chai vang, lúc vang Pháp, khi vang Ý để mời ông anh, còn thằng em ưa rượu nặng, vốt ca hay cuốc lủi nồng nàn quê.

Quả thật chiều ông anh, nhưng đôi khi anh cũng nịnh, trả khéo thằng em câu khen hay bình, nhận xét tập truyện thằng em vừa ra mắt.

Nhớ lần tặng anh cuốn tiểu thuyết "Con người máy" được dăm hôm, nghe điện thoại của anh: “Chú mày ơi, uống đê. Con người máy được đó! Anh mày đọc một mạch nhá!”. Thằng tôi sướng rơn vì được bậc đàn anh khen ngợi.

Khi gửi bản thảo tập văn xuôi thứ 17: “Lặng lẽ bến tầu”, lần đầu tiên sách của tôi có lời giới thiệu và chính là lời giới thiệu của anh: "Lát cắt cuộc đời...".

Anh Hiếu ơi, tại hội thảo ứng xử của nghệ sĩ với công chúng ngày 27/2 vừa rồi anh còn đọc tham luận, thế mà sao "lực sĩ văn xuôi" vội vã ra đi thế, anh?

"Con ngố"; "Dương gian trong sạch"; "Những mảnh trần gian";... anh ra đi, chúng sẽ buồn, nhưng sẽ ở lại vĩnh viễn trên trần gian này, sống với bạn đọc, khắc khoải với những gì anh chắt, vắt, lọc, những gì của anh nặn, đắp, viết đó!

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận