Đây là khoản đầu tư rất lớn mà ngành đường sắt khó có thể gồng gánh trong bối cảnh hiện nay.
Đề xuất bỏ quy định niên hạn đối với phương tiện đường sắt đang là vấn đề gây nhiều tranh luận những ngày qua. Với hơn 500 đầu máy, toa xe sẽ hết niên hạn sử dụng trong khoảng 3 năm tới, nếu phải đầu tư đóng mới sẽ tiêu tốn khoảng 8.000 tỷ đồng, đây là khoản đầu tư rất lớn mà ngành đường sắt khó có thể gồng gánh trong bối cảnh hiện nay.
Vậy giải pháp nào để giải quyết bài toán về niên hạn phương tiện đường sắt và đảm bảo an toàn chạy tàu? Phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Thành, nguyên Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, hiện nay Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang kiến nghị bỏ quy định về niên hạn phương tiện đường sắt, ông nhận định thế nào về đề xuất này?
Việc quy định niên hạn đầu máy, toa xe trên thế giới chỉ có một số ít nước làm, phần lớn họ không quy định niên hạn của đầu máy toa xe, người ta chỉ ứng dụng những công nghệ mới, tổng thành mới để thay thế thôi.
Xét về nguyên lý hoạt động thì toa xe không phức tạp như ôtô, nó chỉ là hệ thống giá chuyển và phần thùng sàn, nó chạy trên đường độc đạo và có độ ổn định và tính an toàn riêng. Vì vậy làm thế nào để khi chạy nó không bị trật bánh, khi phanh có hiệu quả thì ta tiến hành kiểm định thường xuyên là ổn.
Ở nhiều nước phát triển điều kiện kinh tế còn hơn Việt Nam nhưng họ cũng không quy định niên hạn đầu máy toa xe, nhưng Việt Nam lại đi quy định niên hạn đầu máy toa xe thì đúng là “nhà nghèo mà lại chơi sang” thì hơi khó.
Nếu Chính phủ không bỏ quy định lại về niên hạn, mà bắt buộc đường sắt phải thay toàn bộ số lượng quá niên hạn bằng số lượng đầu máy toa xe mới thì có thể khẳng định đường sắt sẽ không làm được.
Nếu đề xuất này không được chấp thuận thì việc huy động khoảng 8.000 tỷ đồng để đầu tư, đóng mới và thay thế số phương tiện hết niên hạn này có khả thi hay không?
Huy động được hay không là một chuyện khó, nhưng chưa khó bằng đầu tư một lúc 8.000 tỷ đồng, nó sẽ làm cho tài chính của đường sắt vốn dĩ đang rất yếu rồi sẽ kiệt quệ luôn, đường sắt không thể có đủ tiền để làm được.
Bởi vì toàn bộ tiền đầu tư đầu máy toa xe là do doanh nghiệp đi vay, chứ không có đầu tư gì của nhà nước, nhà nước chỉ đầu tư từ ray trở xuống, còn đầu máy toa xe là do doanh nghiệp đầu tư.
Vậy thì con đường duy nhất là trong số 500 đầu máy toa xe hết niên hạn chỉ đầu tư một phần để cầm cự thôi. Và như vậy năng lực tổ chức vận tải hàng hóa, hành khách của đường sắt đã yếu rồi càng yếu thêm và nếu Tổng công ty đường sắt đi vay để đầu tư ồ ạt sẽ dẫn đến hệ lụy lỗ chồng lỗ, vô cùng khó khăn với đường sắt.
Theo ông, Chính phủ cần làm gì để có thể giải quyết được những khó khăn này?
Theo quan điểm cá nhân tôi, chúng ta nên áp dụng quy định của các nước mang tính phổ biến, chứ đừng lấy cá biệt ra để áp, tức là dỡ bỏ quy định về niên hạn sử dụng đối với đầu máy toa xe.
Đồng thời tăng cường kiểm định về an toàn kỹ thuật để lưu hành đầu máy toa xe khi vận hành, khai thác chứ không quy định niên hạn. Như vậy hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn mà vẫn đảm bảo an toàn cho vận tải đường sắt.
Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV.VN