Nữ sinh lớp 7 (sinh năm 2010) ở Bắc Giang sinh con trong phòng tắm. Cả gia đình và nhà trường đều không hay biết về quá trình mang thai của em cho đến khi “chuyện đã rồi”. Câu chuyện chấn động dư luận suốt tuần qua song trên thực tế đây không phải là chuyện hiếm gặp.
Cách đây ít ngày, BS. Phạm Vũ Thiên - Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và dân số CCIHP cũng tư vấn cho một trường hợp tương tự. Nữ sinh 13 tuổi ở miền núi, có thai ngoài ý muốn hơn 5 tháng, gia đình muốn “giải quyết” hậu quả nhưng các cơ sở y tế công lập không nhận khi thai quá to, còn cơ sở y tế tư nhân thì đòi hỏi chi phí 12 triệu đồng, vượt quá khả năng đáp ứng của gia đình, trong khi phá thai ở tuổi này không chỉ ảnh hưởng tới khả năng sinh sản mà còn đe dọa tới tính mạng của nữ sinh.
Buồn, xót xa khi gặp những ca nổi cộm như vậy, BS. Phạm Vũ Thiên cho rằng, nhiều năm qua, mặc dù chúng ta làm nhiều chương trình hướng đến giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục cho vị thành niên nhưng dường như chưa hiệu quả.
Tương tự, vấn đề giáo dục pháp luật cũng nổi cộm. “Ở miền núi, có nhiều trường hợp các gia đình chấp nhận con cái kết hôn, có đời sống tình dục trước tuổi 18, cố tránh bằng cách không khai báo để làm nhẹ vấn đề. Miền xuôi bây giờ các em cũng không ý thức nhiều về vấn đề quan hệ tình dục dưới 16 tuổi là đã vi phạm pháp luật bị quy vào tội hiếp dâm trẻ em”.
BS.Thiên cho biết, đến giờ thỉnh thoảng ông vẫn nhận được câu hỏi: giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục có đáng đưa vào dạy không và đưa vào thì có phải “vẽ đường cho hươu chạy” không”?
“Trong chương trình, chúng ta cố gắng chia nhỏ và đưa vào những môn học khác nhau. Tuy nhiên, người học không thể tổng hợp những điều mang tính khái quát vào hành vi cụ thể là tôi có nên quan hệ tình dục không, quan hệ tình dục đường nào, hành vi thế nào, khả năng mang thai ra sao, muốn phòng tránh thế nào?”.
Theo BS. Thiên cho rằng, không nên quan niệm trẻ tò mò, bởi đã có quan hệ tình dục là có sự hấp dẫn hành vi tình dục và khoái cảm, đã đi qua giới hạn thì những lần sau sẽ thực hành tình dục. Cần hướng dẫn nếu không tránh được thì phải làm thế nào để an toàn? Vấn đề này phải được trao đổi chứ không nên loanh quanh, né tránh. "Nếu không các em sẽ rơi vào tình huống đau xót khi là 11 - 13 tuổi cũng đã mang thai sinh con”, ông Thiên chia sẻ.
Nói với con về “yêu sớm” - thách thức với cha mẹ?
Sở dĩ cha mẹ gặp khó khăn khi nói chuyện với con về sức khỏe sinh sản, tình dục bởi chính họ cũng chưa được học, chưa có kỹ năng và chưa có kiến thức đầy đủ để cung cấp cho con.
Khả năng nắm bắt, hiểu sâu vấn đề là thách thức cho cha mẹ vì không được học về điều này. “Không biết sinh viên y hiện nay đã được cập nhật chưa nhưng tôi ra trường ĐH Y Hà Nội sắp gần 30 năm và thời điểm chúng tôi thì chỉ học về sinh sản, tiết niệu chứ không được học về nam khoa, tình dục. Chúng tôi hoàn toàn mù mờ về chuyện đó. Nếu không làm về sức khỏe sinh sản và tình dục cho các em thì chính tôi cũng lúng túng không biết nói với con như nào. Vậy các ông bố bà mẹ khác không được học thì làm sao trao đổi với con cho đúng và trúng”.
Môi trường Á Đông, trong thời gian dài đây là vấn đề không được hướng dẫn, trao đổi, chúng ta không biết cách nói, đôi khi dọa dẫm để con sợ và tránh nhưng sự phát triển sinh lý, tâm lý, tình dục là sự phát triển tự nhiên và nếu không nói, con vẫn có nhu cầu. Nếu không được trao đổi thẳng thắn, không có kiến thức thì từ tình yêu sang tình dục là ranh giới rất mong manh.
“Tại sao không nói dùng bao cao su, biện pháp tránh thai như thế nào cho đúng mà để đến khi có thai ngoài ý muốn mới nói tới chuyện xử lý thế nào? Đó là chuyện quá muộn màng”.
Bước sang tuổi dậy thì, ham muốn cảm xúc tình dục, mong muốn đạt được khoái cảm có thể xảy ra. Nếu không có sự chuẩn bị các em sẽ không có sự kiểm soát. BS. Phạm Vũ Thiên cho rằng, tùy từng độ tuổi hoặc sự quan tâm của trẻ mà cha mẹ có cách để trao đổi với con nhưng càng rõ càng, thẳng thắn càng tốt.
Cha mẹ sẽ phải quan sát đứa trẻ nhiều hơn và trao đổi với các em từ trước khi các em có những câu chuyện liên quan đến bạn khác giới, tình yêu hay bắt đầu quan tâm đến tình dục, tất nhiên đây cũng là thách thức với cha mẹ.
Giáo dục giới tính thế nào khi tuổi dậy thì đang đến sớm hơn?
Theo BS. Thiên, trẻ em 3 - 5 tuổi cần được học những vấn đề bảo vệ cơ thể và nguy cơ bị xâm hại. Đến 7 - 8 tuổi tiếp tục được học về những vấn đề này nhưng đi sâu hơn. Các em cần phải được biết về nguy cơ tấn công tình dục (tấn công thô bạo và dụ dỗ). Đến 10-11 tuổi, các em cần biết về khả năng có thai, mang thai không mong muốn.
“Có lẽ từ 10 tuổi, vấn đề tình dục càng phải nói để các em hình dung vì đôi khi ham muốn bị người khác lợi dụng hoặc bước vào hành vi tình dục tự nguyện không có sự chuẩn bị. Chúng ta phải giúp các em nhìn nhận hành vi tình dục là như thế nào, khả năng có thai ra sao? Bạn có muốn bước vào điều đó không? Nếu muốn bước vào điều đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính mình và bạn trai? Điều gì đợi chờ bạn nếu có hành vi tình dục với người dưới 16 tuổi”?
Theo BS. Thiên, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản phải có định hướng rõ ràng. Việc này nằm ở người hoạch định chương trình của cơ quan giáo dục. “Thiết kế chương trình tổng thể đến tuổi nào sẽ phải nói và nói ở môi trường nào, ai là người có thể tiến hành”.
Ngoài ra, chương trình đó phải được xem xét lại trong 3-5 năm để thay đổi, cập nhật vì tuổi dậy thì đang giảm đi. Hiện nay, nói tuổi dậy thì 13-16 là quá cũ. Tuổi dậy thì có thể từ 9 - 10 tuổi, bạn gái dưới 7 tuổi mới gọi là dậy thì sớm.
Bác sĩ Phạm Vũ Thiên cũng cho rằng, bộ GD-ĐT phải đứng ra làm chương trình (chính khóa, ngoại khóa hay lồng ghép), làm thế nào cho đầy đủ. Nếu chỉ gắn vào nội dung chủ đề môn học chính, nói qua thì không hiệu quả, thầy cô tránh, học trò không muốn nghe.
Giáo dục giới tính sẽ phải thực hiện ở trong môi trường khá riêng biệt, phù hợp với từng đặc điểm của nhóm dối tượng theo độ tuổi, giới tính, nhóm dân tộc. “Chắc chắn không nên làm những cuộc giáo dục giới tính theo kiểu một lớp học trộn lẫn cả bạn trai, bạn gái để bàn những vấn đề sâu về hành vi tình dục, khả năng thụ thai, giao hợp. Nếu đưa chương trình cho các em ở không gian riêng theo mô hình CLB, ngoại khóa cho những nhóm riêng, nam - nữ riêng sẽ hiệu quả hơn”.
Có lẽ các thầy cô giáo có thể tiến hành giáo dục sức khỏe sinh sản, tình dục nhưng chúng tôi hướng tới hoạt động giáo dục đồng đẳng nhiều hơn, chính các em sẽ là những người điều hành hướng dẫn, tổ chức những buổi sinh hoạt trong cộng đồng vì các em biết được vấn đề của mình, nhu cầu của các bạn đồng lứa và thực tế trong từng cộng đồng, nhóm dân tộc”, BS. Phạm Vũ Thiên chia sẻ.
Nói đến tình huống pháp lý trong vụ nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang (13 tuổi) mang thai, Luật sư Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Themis cho biết, theo quy định pháp luật, trường hợp giao cấu và quan hệ với trẻ dưới 13 tuổi kể cả được thuận tình vẫn cấu thành tội hiếp dâm trẻ em.
Tội hiếp dâm trẻ em, làm nạn nhân có thai rơi vào khung hình phạt từ 12 - 20 năm tù giam. Tuy nhiên, bạn trai của nữ sinh này tại thời điểm quan hệ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi. Theo quy định pháp luật Việt Nam chưa thành niên, khung hình phạt sẽ là 2/3 mức hình phạt với người trưởng thành. Vì vậy, tòa sẽ quyết định mức hình phạt tối đa 2/3 khung hình phạt của 20 năm.
Quá trình làm nghề, luật sư Hoàng Tuấn Anh từng gặp những trường hợp trẻ quan hệ khi chưa đủ tuổi vị thành niên và mang thai.
“Dù xuất phát từ tình cảm thật nhưng pháp luật luôn bảo vệ người chưa đủ tuổi thành niên. Có những trường hợp 2 bạn trẻ quan hệ với nhau để lại hậu quả có bầu, cả 2 gia đình đều muốn giải quyết êm thấm, chờ đến tuổi kết hôn không có kiện tụng, khiếu nại. Tuy nhiên, khi cơ quan công an phát hiện vẫn khởi tố, bạn trai vẫn chịu trách nhiệm hình sự. Rất nhiều trường hợp đau lòng, bạn nữ sinh con ra nhưng bố đứa trẻ đi tù, đến khi đứa bé trưởng thành bố mới mãn hạn tù”, Luật sư Hoàng Tuấn Anh chia sẻ./.
|
Theo VOV.VN