Sức nóng của vụ “Việt Á ngành đăng kiểm” đã, đang lan ra khắp mọi miền đất nước, đến thời điểm này, hàng trăm trung tâm đăng kiểm ở 23 tỉnh, thành phố đã, bị kiểm tra, bắt giữ và khởi tố. Với việc có thêm nhiều các trung tâm đăng kiểm ở phía Bắc bị “sờ gáy”, nhiều người đặt câu hỏi vì sao sai phạm có tính chất hệ thống như vậy tồn tại lâu nay. và có những để tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm có “đất” sống. Việc nhận diện những bất cập này để hoàn thiện thể chế, “bịt” lỗ hổng pháp lý, tăng cường vai trò quản lý Nhà nước, sớm xóa bỏ những "nghịch lý" để phòng ngừa sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.
Việt Á…ngành đăng kiểm
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố, điều tra vụ án; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, các trung tâm đăng kiểm tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam.
Suốt gần 3 tháng qua, công an tại 23 tỉnh, thành phố trên cả nước đã khám xét trên 50 trung tâm đăng kiểm, khởi tố gần 300 bị can về 5 tội danh: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.
Trong đó gồm có 80 bị can là Giám đốc, Phó giám đốc, nhân viên các TTĐK và các đối tượng môi giới; 3 bị can là cán bộ Phòng Kiểm định xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.
Đặc biệt, với kết quả điều tra và tài liệu thu thập được, xác định đủ căn cứ Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam; ông Trần Kỳ Hình, nguyên cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam về tội “Nhận hối lộ”. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh phê chuẩn để thực hiện.
Việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực thống nhất bổ sung vụ án: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của sự vụ.
Vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm là có hệ thống, có tổ chức trên quy mô lớn để lại nhiều hệ lụy tiêu cực trong hoạt động quản lý kiểm định xe cơ giới và công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, tạo phản ứng bức xúc, tiêu cực đối với nhiều người dân có công việc liên quan.
Việc điều tra, phát hiện các hành vi sai phạm trong đăng kiểm này vừa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ đối với toàn thể cán bộ, công nhân viên trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, vừa góp phần làm rõ những lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước một hoạt động kỹ thuật nhưng có tính xã hội rất cao này.
Tuy nhiên, việc bắt giữ và tạm dừng số lượng lớn trung tâm đăng kiểm, đăng kiểm viên trong một thời gian ngắn dẫn đến thiếu hụt trung tâm đăng kiểm và nhân lực để thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện ô tô trên nhiều địa bàn.
Theo báo cáo của Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), cập nhật tính đến sáng 16/2/2023, cả nước có 233 Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động, 48 Trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động, trong đó có 41 Trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động do liên quan đến sai phạm và đã bị Cơ quan công an điều tra khởi tố và bắt giữ, 7 Trung tâm đăng kiểm bị tạm dừng do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.
Tại Hà Nội chỉ còn 20 trên tổng số 31 trung tâm đang hoạt động (11 trung tâm bị đóng cửa); tại TP. HCM chỉ còn 8 trung tâm và 1 chi nhánh trên tổng số 17 trung tâm và 2 chi nhánh đang hoạt động (9 trung tâm và 1 chi nhánh bị đóng cửa). Có địa phương (như Hòa Bình, Bắc Kạn) không còn bất cứ dây chuyền kiểm định nào hoạt động. Điều đáng nói là, do vụ án đang trong giai đoạn điều tra, nên rất có thể sẽ có thêm trung tâm đăng kiểm phải dừng hoạt động.
Sự thiếu hụt này đã dẫn tới tình trạng ùn tắc nghiêm trọng các phương tiện khi đi kiểm định, ảnh hưởng tới nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp, tới kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong đợt vận chuyển cao điểm Tết Nguyên đán 2023.
Không chỉ gây ách tắc trong hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa, việc chậm kiểm định xe cơ giới còn làm gia tăng nguy cơ gây mất an toàn giao thông do nhiều phương tiện hết hạn kiểm định, nhưng vẫn lưu thông hoặc có thể bị xử phạt oan do chưa được kiểm định đúng hạn…
Nhận diện kẽ hở
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, những tiêu cực trong công tác đăng kiểm xảy ra và tồn tại trong thời gian qua, phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, vì đã làm không nghiêm, không hết trách nhiệm.
“Những tiêu cực xảy ra trong các trung tâm đăng kiểm thời gian qua thì người kiến thức rất bình thường cũng có thể phát hiện ra ngay. Phải đặt ra nghi vấn khi có hiện tượng bất thường xảy ra và ngay lập tức cơ quan chức năng phải vào cuộc. Khi kiểm tra mà không đủ tiêu chuẩn thì phải đóng cửa. Cục ĐKVN mà làm mạnh tay đối với những TTĐK làm ăn gian dối, tiêu cực, thì công tác đăng kiểm sẽ trở lại trật tự. Muốn công tác đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường, đòi hỏi phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Thanh nói.
Là một loại hình dịch vụ sinh lời giống như bao hình thức dịch vụ khác, công tác đăng kiểm ẩn chứa nhiều nguy cơ sai phạm, cần phải có một hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát.
“Phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong vụ việc này. Bởi đăng kiểm là lĩnh vực rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người và an toàn giao thông, có một kẽ hở rất lớn của pháp luật ở đây. Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam cần thẳng thắn nhìn nhận về thiếu sót này trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, từ đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định mới nhằm kịp thời khắc phục, điều chỉnh," ông Thanh nêu quan điểm.
Còn chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, điểm mấu chốt để các trung tâm đăng kiểm dù là tư nhân hay Nhà nước cũng đều phải khắt khe với các lỗi, thiếu sót của phương tiện. Điều khiến cơ sở đăng kiểm lo nhất là xe sau đăng kiểm gây ra tai nạn nghiêm trọng, CSGT sẽ kiểm tra giấy tờ đăng kiểm, lần ngược lại nơi đã cấp đăng kiểm xem có làm đúng hay không.
Cũng lưu ý, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, cần đào tạo được đội ngũ kỹ sư tâm huyết, thực hiện đúng trách nhiệm của mình.
“Ngoài ra, cần rà soát lại việc xã hội hoá các trung tâm đăng kiểm, xã hội hoá là tốt nhưng ở một mức độ cụ thể để có thể kiểm soát chặt chẽ hơn. Dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới bao gồm nhiều vị trí nhân lực, nhưng quan trọng nhất là trưởng dây chuyền - người đặt bút ký xác nhận xe đạt đăng kiểm và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cơ quan chức năng phát hiện ra sai phạm”, ông Thủy nhìn nhận.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Trịnh Duy Hùng-nguyên giảng viên Đại học GTVT cho rằng, có nhiều bất cập trong quy định hiện hành, chẳng hạn việc không quy định tiêu chuẩn về chuyên môn tối thiểu, đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác kiểm định là thiếu chặt chẽ.
“Cần xếp loại các trung tâm, các đăng kiểm viên theo các tiêu chí, để thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, tính trung thực, chính xác đối với hoạt động kiểm định. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về số hóa các dữ liệu về hoạt động kiểm định, công khai trên mạng internet, có cơ chế giám sát theo thời gian thực hoạt động kiểm định của cơ quan Nhà nước”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng kiến nghị, cần bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền được quyết định lựa chọn đăng kiểm lại theo xác suất ngẫu nhiên. Nếu phát hiện chủ xe hoặc TTĐK vi phạm, cần xử phạt nghiêm, để thông qua đó giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này.
“Cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế tiếp nhận ý kiến người dân phản hồi về tiêu cực trong công tác kiểm định, đảm bảo bí mật và lợi ích của người dân, tổ chức phản ánh”, ông Hùng nói./.
Bỏ qua lỗi của hơn 70.000 phương tiện
Cơ quan điều tra xác định nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải...), nhưng vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Theo Công an TP. HCM, để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động, giám đốc các Trung tâm đăng kiểm nêu trên đã chỉ đạo nhân viên trung tâm (gồm phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng...) trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện và do "cò mồi" đưa đến nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính gần 10 tỷ đồng.
|
An Nhi-Phi Long/VOV.VN