Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc Cục cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn khi thiếu nhân sự nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay.
Theo Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm Việt Nam là tổ chức thuộc Bộ GTVT, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, container sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển, máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn lao động đối với các loại phương tiện, thiết bị nêu trên theo quy định của pháp luật.
Cục Đăng kiểm Việt Nam hiện đang áp dụng cơ chế quản lý tài chính theo mô hình Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Quyết định số 67/2013/QĐ-TTg ngày 12/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng cơ chế quản lý tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam và Thông tư số 49/2018/TT-BTC ngày 21/5/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính đối với Cục Đăng kiểm Việt Nam. Các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc.
Hiện nay, cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam gồm có 13 tổ chức tham mưu, giúp việc Cục trưởng, 37 đơn vị trực thuộc (gồm có 20 Chi cục Đăng kiểm, 13 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới và bốn đơn vị sự nghiệp).
Từ tháng 12/2022 đến nay, nhiều lãnh đạo, đăng kiểm viên tại bảy trung tâm và hai chi cục đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam trực tiếp quản lý đã bị khởi tố, bắt tạm giam, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng người làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị trực thuộc Cục.
Do vậy, việc bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ đăng kiểm viên cho Cục Đăng kiểm Việt Nam để đáp ứng nhu cầu đăng kiểm phương tiện cho người dân và doanh nghiệp là rất cần thiết và cấp bách; nếu không sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc, quá tải nghiêm trọng, người dân và doanh nghiệp bức xúc vì không được kiểm định đúng hạn.
Từ trước đến nay, việc tuyển dụng người làm việc tại các tổ chức tham mưu và đơn vị trực thuộc do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện. Tuy nhiên, để tuyển dụng người làm việc tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì phải mất ít nhất 60 ngày, trong khi đó nhu cầu bổ sung nhân sự để các đơn vị duy trì hoạt động là rất cấp bách.
Ngày 30/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP; trong đó tại khoản 1 Điều 9 quy định “…đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (sau đây gọi là đơn vị nhóm 2) ký kết hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm do viên chức đảm nhiệm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị.”
Hiện nay, các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam hạch toán phụ thuộc.
Từ khi thành lập (ngày 25/4/1964) đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam luôn thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính; Cục không được giao biên chế công chức, viên chức và không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Do đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn đề nghị cho Cục được ký hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm tại các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 111/2022/NĐ-CP.
"Do đó, để gấp rút bổ sung nhân sự, đặc biệt là khối đăng kiểm viên nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Nội vụ cho phép Cục Đăng kiểm Việt Nam được ký hợp đồng lao động theo đề nghị của Cục này cho đến khi tuyển dụng đủ viên chức theo quy định, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn hiện nay" - văn bản của Bộ GTVT nêu./.
Phi Long/VOV.VN