Tuy nhiên, để hệ thống cao tốc được vận hành một cách hiệu quả, vấn đề tổ chức giao thông trên cao tốc cần sớm được chuẩn hoá.
Ngay từ những ngày đầu năm, qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể thấy sự quan tâm rất lớn của người đứng đầu Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ trong việc phát triển, xây dựng hệ thống các đường cao tốc ở nước ta.
Điều này cũng không lạ, bởi ngay từ năm ngoái, chúng ta cũng thấy sự thúc giục từ những người đứng đầu trong hệ thống chính trị, thấy sự quyết tâm của Chính phủ là rất lớn, trong việc xây dựng mạng lưới đường cao tốc của nước ta.
Trong tương lai, mạng lưới cao tốc sẽ được xây dựng rất lớn và được quan tâm đầu tư ở tất cả các vùng miền khác nhau.
Tôi cũng có cơ hội để đi qua rất nhiều các tuyến cao tốc và đặc biệt là những con đường mới được xây dựng. Nhưng có thể thấy rõ một điều, cách chúng ta đang tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc là có vấn đề.
Ví dụ, nếu bạn đang lái chiếc xe mà có hệ thống cảnh báo an toàn mới (cảnh báo an toàn sớm, khi bộ phận cảm biến, AI – trí thông minh nhân tạo nhận ra việc lái xe của bạn không an toàn, hệ thống sẽ đề nghị bạn phải dừng lại), mà bạn lái chiếc xe có tính năng đó trên những con đường cao tốc của Việt Nam thì có khi bạn sẽ liên tục nhận được cảnh báo như vậy.
Cảnh báo đó dựa trên việc AI đánh giá cách lái, thói quen của những người đang đi lại trên đường. Trong đó, có một phần rất lớn dẫn đến những hành vi như vậy, đó là cách mà chúng ta đang tổ chức vận hành giao thông trên các tuyến cao tốc, nó gần như không giống bất kỳ một đường cao tốc nào trên thế giới.
Thêm nữa, đâu đó có một sự thiếu khoa học, như chúng tôi vẫn nói với nhau đó là “con đường thì là đường cao tốc, nhưng tư duy của việc tổ chức giao thông trên cin đường đó thì còn xa mới so sánh được với tốc độ cho phép của những tuyến cao tốc đó.
Một ví dụ khác là được ở các lối ra của các tuyến cao tốc của chúng ta luôn bị tắc nghẽn. Ở các cao tốc khác trên thế giới, sẽ được tách riêng một làn cho xe chuyển hường. Còn ở Việt Nam, nếu một con đường có 2 làn, thì làn trong cùng lúc nào cũng có thể có những xe đi chậm lại để chờ rẽ. Hầu hết các nước khác, làn chờ rẽ luôn được tách riêng, gần lối ra, người ta cũng sử dụng làn xe khẩn cấp làm chỗ cho các xe muốn rẽ đi vào đó.
Tương tự như vậy, với việc tổ chức những tiện ích khác trên cao tốc, từ trạm dừng nghỉ, đến hệ thống biển báo, luôn có sự thiếu đồng nhất trong việc vận hành các đường cao tốc, khiến cho mọi người không hiểu, trong khi rõ ràng là chúng ta đang đi trên những con đường có tiêu chuẩn giống nhau và được xây dựng theo các quy chuẩn về kỹ thuật giống nhau trên cùng một quốc gia, thậm chí trên cùng một thành phố.
Ví dụ như từ Thủ đô Hà Nội đi ra Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai hay đi về phía Nam, các con đường đó đều được xây dựng cùng với một tiêu chuẩn, nhưng đang được vận hành với những tốc độ khác nhau, thậm chí ở hai con đường tiếp nối nhau, đoạn này của nhà thầu này thì được vận hành với tốc độ này, đoạn sau lại được vận hành với tốc độ khác.
Tôi nghĩ, với việc ra đời của Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc thì một trong những việc mà các cơ quan chức năng nên làm, đó là nên nghiên cứu, sắp xếp và nên có một bộ phận chuyên trách về việc tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc, để việc tổ chức giao thông và tư duy tổ chức giao thông tương xứng với tốc độ của những tuyến cao tốc./.
Phạm Quang Vinh/VOV-Giao thông