Đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

Hàng chục ngàn lượt lao động ở vùng khó khăn đi làm việc ở nước ngoài đã đổi đời sau khi về nước.

 

ơ hội thay đổi môi trường làm việc

Trong những năm qua, Nghị quyết 30a năm 2008 của Chính phủ, Quyết định 71 năm 2009, Nghị định 61 năm 2015 và Quyết định 1722 năm 2016… đi vào cuộc sống đã tháo gỡ phần nào những khó khăn mà người nghèo vấp phải trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Không chỉ góp phần làm thay đổi dần nhận thức và suy nghĩ trong việc học nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng, tác phong lao động công nghiệp của một bộ phận người dân vùng khó khăn mà các chính sách này còn tạo cơ hội để bà con có thể ra nước ngoài làm việc trong môi trường mới, thoát ly phương thức sản xuất nhỏ lẻ bấy lâu nơi bản làng.

Câu chuyện của chàng trai người Mông Giàng A Tắc ở xã Sín Chén, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai đã cho thấy điều đó. Nhà có 10 anh chị em, giấc mơ đi xuất khẩu lao động, cải thiện cuộc sống gia đình tưởng như không bao giờ được thực hiện nếu như anh Giàng A Tắc không biết đến chính sách ưu đãi từ Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ.

Giàng A Tắc chia sẻ: “Năm 2010, tôi đi bộ đội về không có việc làm, tôi  đăng ký đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Được Nhà nước hỗ trợ, tôi không phải vay vốn ngân hàng. Sang Nhật, tôi làm trong ngành xây dựng nhà cửa, thu nhập khoảng 25 - 30 triệu đồng/tháng. Sau mấy năm tôi dành dụm được khoảng 500-600 triệu đồng, khi về quê tôi lấy tiền đó làm nhà và mua xe tải chạy hàng kiếm sống”.

Xây được nhà, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn, nhiều lao động hộ nghèo, lao động dân tộc thiểu số sau khi làm việc ở nước ngoài trở về đã thay đổi nhận thức và tư duy, từ đó thay đổi cách thức tổ chức cuộc sống. Thay vì chỉ làm nông tại các bản làng, sau khi trở về, nhiều lao động có kỹ năng nghề, có vốn đã mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh tại quê hương hoặc tìm được việc làm với thu nhập ổn định trong các công ty nước ngoài ở Việt Nam.

Với gia đình chị Trần Thị Huyền và anh Trần Xuân Dương, ở xã Khang Ninh, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, xuất khẩu lao động không chỉ giúp gia đình anh chị thoát nghèo và còn mở ra cơ hội làm giàu nhờ số tiền anh chị tích cóp được sau 4 năm đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc).

Cửa hàng tạp hóa của chị Trần Thị Huyền.

Sang Đài Loan, chồng chị được học nghề hàn, về nhà tự mở cửa hàng. Còn chị, sau khi từ Đài Loan trở về có vốn khoảng 500 - 600 triệu đồng đã mở cửa hàng tạp hóa, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Chị Huyền chia sẻ: “Đi làm việc ở nước ngoài dù vất vả nhưng học hỏi được nhiều thứ như cách cư xử, cách tư duy hay cách làm ăn của họ, sau khi trở về có chút vốn có thể áp dụng vào cuộc sống tăng thu nhập cho gia đình”.

Thị trường lao động mở rộng

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, đến nay đã có hàng chục ngàn lượt lao động hộ nghèo, lao động dân tộc thiểu số xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tập trung ở các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Ả rập Xê Út và Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)…

Người lao động các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu làm việc trong ngành: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và giúp việc gia đình… với thu nhập ổn định. Cụ thể, người lao động đi làm việc tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ả Rập Xê Út có thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. Lao động làm việc tại thị trường Malaysia thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng. Đối với lao động đi làm việc ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) có thu nhập trung bình từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Ngôi nhà đang được xây mới của một hộ nghèo ở Bắc Kạn nhờ số tiền sau khi đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB &XH) cho biết: Trong những năm gần đây, thị trường lao động được mở rộng cho người lao động thuộc các huyện huyện nghèo, đối tượng chính sách.

Trước đây, người lao động ở các vùng khó khăn chủ yếu đi làm việc tại thị trường Trung Đông và Malaysia, nhưng gần đây thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đã tiếp nhận nhiều lao động ở huyện nghèo của Việt Nam. Thời hạn đi không chỉ là hợp đồng 3 năm hay 5 năm mà người lao động có thể đi ngắn hạn, với thu nhập tốt.

Nhìn lại công tác xuất khẩu lao động, đưa người lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trong những năm qua cho thấy, mặc dù vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nhưng kết quả đạt được là nhiều ngôi nhà khang trang đã được dựng lên tại các bản làng, thôn xóm nghèo. Nhiều gia đình đã có điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều người tìm được việc làm ổn định, thoát nghèo bền vững nhờ kiến thức và trình độ tay nghề có được sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.

Với sự hỗ trợ về chi phí của Nhà nước, người lao động thuộc các đối tượng chính sách đi làm việc ở nước ngoài hầu như không phải trả chi phí làm thủ tục đào tạo trước khi đi, chỉ phải trả phần tiền phí dịch vụ đối với từng thị trường. Sau khi hoàn thành hợp đồng về nước (thời hạn 3 năm), người lao động có thể tiết kiệm được ít nhất trên 100 triệu đồng. Nhờ vậy, khoảng 60 - 70% số hộ có người đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận