Dù hơn 95% phương tiện ô tô đã dán thẻ thu phí không dừng, nhưng hiện công nghệ thu phí không dừng vẫn chưa thể chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3 - cho phép chủ xe trả sau và bỏ barie.
Ông Tô Nam Toàn, Trưởng Phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, để cho phép trả sau, phải đàm phán lại với các nhà đầu tư BOT, trong khi vướng mắc lớn nhất chính là chưa có hành lang pháp lý để truy thu các trường hợp chủ phương tiện trả sau nhưng cố tình chây ì trong việc thanh toán.
“Về mặt kỹ thuật thì không có vấn đề gì, số lượng người dùng cũng đã được rồi, nhưng bây giờ phải xây dựng hành lang pháp lý, chế tài ông không trả thì làm thế nào? Xác định có rủi ro thì ông nào chịu, trong khi có 4-5 người tham gia? Ví dụ nhà cung cấp dịch vụ thì bảo, tôi chả chịu, vì tôi chả được cái gì cả; ông BOT bảo bắt tôi dùng lại bắt tôi phải chịu à, ông ấy cũng chả chịu. Ông ngân hàng thì bảo tôi cho vay, ông BOT phải trả tiền cho tôi. Thế thì cuối cùng ai chịu? Cái này liên quan đến nhiều Bộ, ngành lắm”, ông Toàn cho biết thêm.
Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, thu phí không dừng có 4 giai đoạn: trong đó khi số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt trên 90% có thể chuyển sang giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 là vẫn còn barie nhưng khách hàng có thể trả tiền phí sau khi đi qua trạm. Giai đoạn 3 là bỏ barie và giai đoạn 4 là bỏ barie và bỏ trạm thu phí, chỉ có các thiết bị ETC treo trên giá long môn để xe qua tự do.
Các chuyên gia cho rằng, trong 4 giai đoạn trên, việc chuyển từ giai đoạn 1 sang giai đoạn 2 là khó khăn nhất, cần có hành lang pháp lý chuẩn. Do vậy, quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về ETC cần được nâng lên thành nghị định để có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8/2022, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Ðây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông, chủ phương tiện đi qua trạm không cần dừng lại trả tiền.
Việc áp dụng ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Công nghệ này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ, tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường, nâng cao hiệu quả thanh toán không dùng tiền mặt.
Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông, từ đó thực hiện được nhiều chính sách quản lý phương tiện hiện đại một cách dễ dàng./.
Theo VOV.VN