Đây là thông điệp được đưa ra tại cuộc họp liên ngành bàn về triển khai giải pháp này, do Bộ Tài chính tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế về kết quả triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong hơn 1 tháng kể từ thời điểm chính thức vận hành, thì trong số 63 Cục thuế địa phương, chỉ còn Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn chưa lập được danh sách người nộp thuế sẽ triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023) với lý do còn có khó khăn trong việc thuyết phục người nộp thuế chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử, do đây không phải là quy định bắt buộc.
Trong số 62 Cục Thuế đã đăng ký triển khai giai đoạn 1 thì đã có 25 Cục Thuế chính thức phát sinh tiếp nhận đăng ký sử dụng Hóa đơn điện tử từ máy tính tiền.
Cũng đáng chú ý là trong số gần 4.000 cơ sở kinh doanh đã đưa vào kế hoạch triển khai giai đoạn 1, thì đã có 805 cơ sở kinh doanh đã chính thức đăng ký và được chấp nhận đăng ký sử dụng Hóa đơn điện tử từ máy tính tiền trên hệ thống của cơ quan thuế, nhưng việc xuất hóa đơn điện tử chưa nhiều, do các đơn vị này vẫn đồng thời sử dụng các hình thức hóa đơn điện tử khác.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận: "Vấn đề rất quan trọng là tính pháp lý. Bây giờ pháp lý chưa quy định phải lắp máy tính tiền để kết nối, chưa quy định là xuất hóa đơn điện tử hay xuất hóa đơn giấy, thì bây giờ cũng phải có quy định.
Tổng cục Thuế và các Cục vụ của Bộ sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến của các Bộ, ngành để chúng ta sẽ triển khai việc lắp máy tính tiền có kết nối với dữ liệu của cơ quan thuế để in hóa đơn điện tử là bắt buộc và gắn với vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đề án thanh toán không dùng tiền mặt thì chúng tôi sẽ rà soát lại về pháp lý để trình".
Đồng thuận với ý kiến này của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Duy Ngọc cũng nhìn nhận, đã đến lúc không thể ban lùi, không thể chậm trễ ở mức khuyến khích tham gia như trước đây.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc: "Đây là xu thế thế giới và trong Luật thuế Việt Nam cũng đã quy định,… tinh thần là hạn chế tối đa thất thu thuế, trong yêu cầu đặt ra phải đảm bảo tính pháp lý từ thông tư, nghị định đến luật, để đảm bảo phải chấp hành theo luật thuế chung".
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế: Đến hết ngày 30/6/2022, 100% doanh nghiệp, tổ chức (851.372 đơn vị) và 100% hộ, cá nhân kinh doanh (65.576 hộ, cá nhân kinh doanh) theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tính đến ngày 31/01/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là 2,838 tỷ hóa đơn điện tử (trong đó 753,46 triệu hóa đơn điện tử có mã và 2,085 tỷ hóa đơn điện tử không mã.
Riêng kết quả triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trong hơn 1 tháng kể từ thời điểm chính thức vận hành (từ ngày 15/12/2022) như sau:
-Đã có 62/63 Cục Thuế báo cáo kế hoạch triển khai giai đoạn 1 (đến hết tháng 3/2023), với tổng số người nộp thuế sẽ triển khai Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 3.943 cơ sở kinh doanh (trong đó: Doanh nghiệp là 1.850, hộ kinh doanh là 2.093). Chỉ còn Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn chưa lập được danh sách người nộp thuế sẽ triển khai giai đoạn 1 với lý do còn có khó khăn trong việc thuyết phục người nộp thuế chuyển đổi hình thức hóa đơn điện tử, do đây không phải là quy định bắt buộc.
-Trong số 62 Cục Thuế đã đăng ký triển khai giai đoạn 1 thì đã có 25 Cục Thuế chính thức phát sinh tiếp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền.
Trong số 3.943 cơ sở kinh doanh đã đưa vào kế hoạch triển khai giai đoạn 1 thì đã có 805 cơ sở kinh doanh đã chính thức đăng ký và được chấp nhận đăng ký sử dụng HĐĐT từ máy tính tiền trên hệ thống của CQT. Tổng số hóa đơn điện tử đang sử dụng của 3.943 cơ sở kinh doanh là 85.387.372 hóa đơn điện tử, trong đó có 544 HĐĐT là từ máy tính tiền đã được gửi đến hệ thống của CQT. 805 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền nhưng vẫn đồng thời sử dụng các hình thức hóa đơn điện tử khác nên việc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền còn chưa nhiều./.
Trung Hiếu/VOV1