Thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023

Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2023, thị trường lao động sẽ có những biến động nhất định.

 

Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2023, thị trường lao động sẽ có những biến động nhất định, do đó, các bộ, ngành liên quan cần hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện việc làm cho người lao động và ổn định thị trường lao động trong nước.

Báo cáo mới nhất về tình hình lao động, việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh ở một số ngành nghề sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn như dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp, chế biến gỗ, những khó khăn này có thể kéo dài đến hết quý 1/2023. Điều này cũng khiến việc bảo đảm việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

Tính đến ngày 24/1 vừa qua, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tập trung ở các ngành nghề dệt may, da giày, cơ khí công nghiệp phụ trợ, chế biến gỗ… Có 637.491 lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là bị giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Dự báo, trong 3 tháng tới, thị trường sẽ giảm khoảng 75.000 lao động.

Theo số liệu của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), số giờ làm việc bình thường giảm từ 8 giờ/ngày xuống còn 7,25 giờ/ngày. Nguyên nhân do sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt… đã khiến cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị cắt giảm việc làm.

Thị trường lao động Việt Nam được nhận định, tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2023. (Ảnh minh họa)

Trước thực trạng này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo, sẽ có thêm khoảng 287.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, bao gồm cả mất việc làm, giảm giờ làm, tạm ngừng việc, hoãn hợp đồng lao động…

Tương tự, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra nhận định, một số doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của thị trường thế giới, quý 1, quý 2 sẽ có hiện tượng thiếu lao động cục bộ ở khu vực phía Nam và miền Trung.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính phân tích, từ tháng 10/2012, các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu bị thiếu đơn hàng, các thị trường châu Âu và Mỹ đã và đang cắt giảm chi tiêu do ảnh hưởng của lạm phát, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước cũng phải cắt giảm đơn hàng, cắt giảm lao động.

Theo ông Thịnh, việc cắt giảm đơn hàng đã khiến hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường để xuất khẩu hàng hóa, do đó sản xuất phải giảm đi. Nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, nhiều doanh nghiệp khác đã cho lao động nghỉ việc, do vậy, số lao động mất việc làm tăng cao vào những tháng cuối năm.

“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế lấy xuất nhập khẩu làm động lực tăng trưởng và phát triển. Để giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động thì việc đầu tiên là phải tìm kiếm được đơn hàng. Để làm được việc này, các doanh nghiệp phải cùng với Hiệp hội ngành nghề, tham tán, Đại sứ quán của các quốc gia nắn lại thị trường truyền thống của mình, xem có gì thay đổi, thay đổi như thế nào, thay đổi ra sao để từ đó sản xuất hàng hóa theo thị hiếu của người tiêu dùng. Có như vậy mới có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới và phục hồi được thị trường lao động”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng, với sự vào cuộc của Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động cũng như các doanh nghiệp, ngay trong quý 1 này, lượng đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng lên. Cùng với đó, việc nắm bắt thị trường trong nước được các doanh nghiệp chú trọng nhiều hơn, các đơn hàng cả trong nước và quốc tế sẽ tạo ra sức hút để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, qua đây sẽ thu hút một lực lượng lớn lao động.

“Khi lạm phát cũng như các yếu tố cân đối vĩ mô ổn định thì hy vọng rằng, trong năm 2023, kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở cửa một cách toàn diện với Việt Nam, kinh tế thế giới phát triển mạnh hơn thì tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức cao khoảng 6,8 - 7,5%. Như vậy, chỉ hết quý 1, thị trường lao động có thể thu hút được một lực lượng lao động tương đối lớn”, ông Đinh Trọng Thịnh nói.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, từ nửa cuối năm 2022 đến nay, tình trạng thiếu đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam đã diễn ra nghiêm trọng. Nguyên nhân khách quan là do thế giới đang suy giảm về kinh tế, thu nhập của người dân giảm nên thị trường tiêu thụ cũng bị thu hẹp. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường lao động của Việt Nam.

Giải pháp cơ bản nhất để cải thiện thị trường lao động là tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Trong bối cảnh thị trường trên thế giới bị thu hẹp, nhất là các nước EU, Mỹ, việc tìm kiếm thị trường ở khu vực khác, kể cả trong nước là giải pháp hàng đầu để doanh nghiệp ổn định sản xuất, ổn định thị trường lao động.

“Hy vọng sẽ gia tăng lao động xuất ngoại tại các thị trường mà Việt Nam có cam kết, kể cả những thị trường trong khu vực cũng như ở các nước khác. Tuy nhiên, sự đột biến về thị trường lao động trong năm nay theo hướng tích cực sẽ không rõ ràng, không khả quan lắm, cho nên, việc tìm kiếm việc làm trong nước trên cơ sở tái cơ cấu thị trường lao động cũng như kinh tế để có được đà phát triển phù hợp, là một trong những giải pháp khả quan cho doanh nghiệp thậm chí cả người lao động”, ông Nguyễn Minh Phong cho biết.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương trên cả nước sẽ kéo sang đến hết quý 1, thậm chí quý 2/2023. Từ thực trạng khó khăn trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cấp bách để doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, giữ chân người lao động.

Bên cạnh đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để khuyến khích người lao động làm việc, cống hiến./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận