Những chính sách có hiệu lực trong tháng 2/2023

Một số chính sách nội bật thu hút sự quan tâm của người dân có hiệu lực trong tháng 2 này.

 

Làm phim xuyên tạc lịch sử, tiết lộ bí mật đời tư bị phạt đến 50 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 128 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38, trong đó sửa quy định mức phạt hành vi vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Cụ thể, phạt tiền 40-50 triệu đồng đối với đối với hoạt động điện ảnh có hành vi sau: Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng; Xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; Thể hiện không đúng, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về an ninh mạng.

Kích động bạo lực, hành vi tội ác bằng việc thể hiện chi tiết cách thức thực hiện, hình ảnh, âm thanh, lời thoại, cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, tàn bạo và những hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm con người, trừ trường hợp thể hiện các nội dung đó để phê phán, tố cáo, lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, tôn vinh giá trị truyền thống, văn hóa; Gây tổn hại đến các giá trị văn hóa, lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; Truyền bá tệ nạn xã hội; Phá hoại văn hóa, đạo đức xã hội; Thể hiện chi tiết hình ảnh, âm thanh, lời thoại dâm ô, trụy lạc, loạn luân; Kích động, chống đối việc thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Phim ảnh tiết lộ bí mật đời tư sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng. (Ảnh minh hoạ).

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ các hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam; phát hành phim; phổ biến phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh từ 1 tháng đến 3 tháng đối với hành vi quy định trên.

Nghị định 128 cũng quy định cụ thể mức phạt với hành vi vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh.

Cụ thể, phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng.

Phạt tiền từ 40-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Phổ biến phim trên hệ thống rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng; Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết quả phân loại theo quy định; Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đã được cấp giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng; Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi giấy phép phân loại phim hoặc quyết định phát sóng.

Ngoài ra, từ tháng 2/2023, hàng loạt quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài; giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động; mức đóng lệ phí đăng ký thường trú, tạm trú mới... cũng chính thức có hiệu lực.

Quy định mới về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài

Thông tư 20 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân có hiệu lực từ ngày 15/2.

Thông tư quy định, các trường hợp mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ của tổ chức bao gồm: Mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ theo các cam kết, thỏa thuận giữa Nhà nước, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với nước ngoài. Nguồn tài trợ, viện trợ là các khoản kinh phí từ ngân sách hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ, viện trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh. Nguồn tài trợ, viện trợ là nguồn tiền đóng góp tự nguyện từ các tổ chức, cá nhân trong nước và/hoặc nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ, viện trợ.

Mua, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để tài trợ cho các chương trình, các quỹ, dự án do tổ chức trong nước và/hoặc tổ chức ở nước ngoài thành lập nhằm mục đích hỗ trợ và khuyến khích phát triển trong các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục (tài trợ học bổng), y tế. Nguồn tài trợ là nguồn tiền của chính tổ chức tài trợ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp mua, chuyển tiền một chiều ra nước ngoài của tổ chức để phục vụ mục đích khác.

Giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến

Từ 5/2, Thông tư số 75 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí đăng ký cư trú có hiệu lực. Theo đó, công dân được giảm 50% lệ phí khi đăng ký thường trú qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Thông tư nêu rõ, công dân Việt Nam khi thực hiện thủ tục đăng ký cư trú (đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, tách hộ) với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định pháp luật cư trú thì phải nộp lệ phí theo quy định tại Thông tư này.

Theo đó, mức đóng lệ phí đăng ký thường trú là 20.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ trực tiếp, 10.000 đồng/lần đăng ký nếu nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Công dân đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú cá nhân, hộ gia đình thì lệ phí là 15.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 7.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Trường hợp tách hộ, đăng ký tạm trú theo danh sách, gia hạn tạm trú theo danh sách, mức đóng lệ phí lần lượt là 10.000 đồng/lần đăng ký trực tiếp, 5.000 đồng/lần đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến.

Một số trường hợp được miễn lệ phí đăng ký gồm trẻ em là người dưới 16 tuổi; người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn…

Hỗ trợ người trồng lúa không thấp hơn 50% kinh phí

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 35 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện các việc như hỗ trợ cho người trồng lúa: Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc gồm phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/2.

Không cần chờ đến 2 năm khi giám định lại sức khỏe do tai nạn lao động

Thông tư 18 của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực từ 15/2 quy định việc người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã thực hiện giám định sức khỏe để hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoàn toàn có thể chủ động đi khám giám định lại mức suy giảm khả năng lao động nếu có nhu cầu.

Người lao động còn được Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề trả phí khám giám định lại nếu kết quả khám giám định xác định người lao động đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Nếu kết quả giám định lại không đủ để được điều chỉnh tăng mức trợ cấp, người lao động chủ động đề nghị khám giám định lại sẽ phải tự chịu chi phí khám giám định.

NGUYỄN HUỆ/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận