Bỏ việc để “chạy” theo ước vọng “sống xanh”
Nhắc đến Nguyễn Hoàng Thảo (SN 1985, Giảng viên khoa tiếng Nhật, Trường ĐH Hà Nội), là đại diện "sống xanh" đã không còn quá xa lạ với mọi người. Bởi cô chính là người sáng lập dự án "Nói không với túi nylon" có khoảng 100 nghìn người theo dõi, và nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh" có gần 60 nghìn thành viên. Với những đóng góp không ngừng, Thảo đã được vinh danh là 1 trong 3 người phụ nữ châu Á truyền cảm hứng về "lối sống xanh" năm 2019. Cũng năm đó, Thảo vinh dự nhận được giải thưởng ASEAN Eco Youth Champion Award dành cho cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Chia sẻ hành trình đến với công tác bảo vệ môi trường và tâm huyết, khát vọng của bản thân về một môi trường đáng sống trong tương lai, Thảo cho biết, trong lần đi công tác đến một khu tập trung và xử lý rác thải của Hà Nội, chị thấy được rác ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của con người đến thế nào. Lúc đó, Thảo "giật mình" nhận ra chính việc vô tư sử dụng đồ nhựa dùng một lần của bản thân và những người xung quanh đã góp phần gây ra ô nhiễm. Sau khi tự thay đổi lối sống của bản thân, có thêm nhiều kiến thức, Thảo muốn chia sẻ và lan tỏa những thông tin đó đến cộng đồng, để ngày càng có nhiều người quan tâm đến "sống xanh" - bảo vệ môi trường.
Thảo nghĩ, nếu không chia sẻ những điều đó cũng thấy “cắn dứt” lương tâm và nếu chưa có ai làm điều đó thì mình sẽ làm. Khi lập Fage “Nói không với túi Nylon” và mở cửa hàng Go Eco thì mọi người chưa biết nhiều về tác hại của rác thải nhựa, truyền thông cũng ít đề cập vấn đề này. Vì thế, ban đầu phong cách sống “Nói không với túi Nylon” đã bị không ít người dè bỉu là lối sống khá "lập dị", cố "làm căng", ép mình vào khuôn khổ. Nhưng đối với Thảo, đó là nếp sống văn minh nhất mà con người có thể có, để không làm ảnh hưởng đến môi sinh. Việc ra ngoài đi chợ mang theo vài cái hộp với túi đựng, hay cố gắng cắt giảm các sản phẩm nhựa dùng 1 lần trong cuộc sống, sẽ chẳng có gì bị gọi là "lập dị" hay "khác biệt". “Nếu nó bắt nguồn từ nhận thức: Đây là việc tốt, việc đúng, việc cần phải làm cho chính mình và xã hội, thì nó sẽ rất nhẹ nhàng và đơn giản. Sau khi bắt tay vào làm thấy gia đình, bố mẹ và các cháu được sống trong môi trường ít rác thải hơn, ít vi nhựa độc hại thì mình cảm thấy yên tâm, hạnh phúc hơn”, Thảo tâm sự.
Năm 2007, Nguyễn Hoàng Thảo tốt nghiệp Đại học Hà Nội loại giỏi, là một trong 4 sinh viên xuất sắc của khoa tiếng Nhật được giữ lại làm giảng viên. Làm việc được hơn 1 năm thì Thảo xin nghỉ ra ngoài để dành thời gian nhiều hơn cho các dự án về bảo vệ môi trường và thành lập nhóm Ấm-Từ thiện người vô gia cư và có hoàn cảnh khó khăn (năm 2007). Hoàng Thảo tâm sự: “Em vẫn thích làm về giáo dục nhưng thời điểm ra trường em tự thấy mình còn thiếu trải nghiệm sống, chưa có kiến thức xã hội để chia sẻ cho sinh viên, nên em quyết định ra ngoài để có thêm trải nghiệm xã hội, sau này quay lại giảng dạy sẽ thấy tự tin hơn. Khi bố mẹ biết tin em bỏ công việc ổn định để đi làm những việc nghe mơ hồ thì rất xót xa, lo lắng, nhưng không cấm đoán vì biết tính em quyết đoán từ nhỏ, đã quyết tâm làm là sẽ tìm cách làm đến cùng”.
Chung tay vì một môi trường xanh đáng sống
Năm 2016, sau khi hoàn thành khóa học Master ở Nhật Bản, Hoàng Thảo tiếp tục trở lại trường vừa làm giảng viên tại Đại học Hà Nội, vừa tiếp tục điều hành dự án "Nói không với túi nylon" và nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh”. Thảo cho rằng, nếu mọi thứ bắt nguồn không phải từ nhận thức mà chỉ là xu hướng thì dĩ nhiên nó sẽ không thể nào bền bỉ và kiên trì được. Chính vì thế, Thảo đã đứng ra sáng lập các dự án bảo vệ môi trường, đồng thời tổ chức nhiều workshop, làm diễn giả cho các sự kiện với các chủ đề về "sống xanh", bảo vệ môi trường. Hoàng Thảo cũng điều hành mạng lưới của mình kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức, để hỗ trợ quá trình "xanh hóa", tạo động lực cho những người kinh doanh "xanh hóa" mô hình hoạt động và trở thành diễn đàn cho cộng đồng yêu môi trường tại Việt Nam.
Năm 2019, khi mở cửa hàng Go Eco Hà Nội - cửa hàng bán các sản phẩm hàng thiết yếu mà không có bao bì (zero waste) đầu tiên ở Hà Nội, Thảo chia sẻ: “Thực chất em không máu mê kinh doanh vì đã có công việc riêng, tuy nhiên việc đi thuyết phục các cửa hàng kinh doanh “xanh hóa” rất khó. Vì thế em quyết định làm mô hình tiên phong để mọi người thấy rằng, hoàn toàn vẫn có lợi nhuận nếu kinh doanh xanh. Và xác định từ đầu là lợi nhuận 100% của cửa hàng dùng để hỗ trợ cho những bạn làm tái chế đồ từ rác, lập thư viện sách liên quan đến môi trường để mọi người đọc miễn phí. Hỗ trợ cho Dự án One tree planted được 1000 cây xanh trồng ở miền Trung, miền Nam...”. Không dừng lại ở đó, Thảo tiếp tục lập nhóm “Cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh" với mục đích tạo ra thay đổi thói quen cho cả người tiêu dùng và người kinh doanh, hỗ trợ thúc đẩy những người muốn kinh doanh xanh từ mô hình nhỏ đến lớn. Nhóm chỉ yêu cầu duy nhất là những sản phẩm xanh đạt được những tiêu chí của nhóm đề ra. Vì thế đây là cầu nối để người tiêu dùng khi vào nhóm có thể yên tâm mua được sản phẩm xanh và những người kinh doanh xanh cũng yên tâm vào đây sẽ có khách hành của riêng mình. Không chỉ tác động vào những người kinh doanh nhỏ, Thảo còn kết nối với cả một số hãng lớn chuyên sản xuất bao bì như: Công ty nhựa Tân Phú Innochi và Cty Tetra Pak Việt Nam để thúc đẩy họ tổ chức nhiều hoạt động hướng đến kinh doanh xanh, tiêu dùng xanh. Ví dụ như, Công ty Tetra Pak Việt Nam đã tổ chức hệ thống thu gom vỏ hộp sữa trên cả nước...
Nguyễn Hoàng Thảo hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều hơn những chiến dịch "xanh hóa" mô hình kinh doanh đến từ các doanh nghiệp lớn để tạo động lực cho cả thị trường cùng thay đổi. Trong những ngày giáp Tết này nhóm của Thảo lại tất bật ra mắt chiến dịch “Nghênh xuân mà không tống cựu”, với ý nghĩa là đón cái mới mà không bỏ cái cũ. Trân trọng những thứ đã dùng cũ để tạo ra cho nó đời sống khác. Đây là một cách rất hay để khuyến khích mọi người tái sử dụng vật liệu có sẵn, hạn chế tiêu dùng và tiết kiệm tài nguyên. Trò chuyện với cô gái nhỏ nhắn này luôn luôn cảm nhận được sự năng động, quyết đoán và sự quan tâm đau đáu về môi trường, về những hoạt động vì cộng đồng./.
“Nếu chúng ta đang làm một việc đúng đắn, người hưởng lợi của việc này là chính chúng ta, bạn bè, gia đình và thế hệ tương lai của chúng ta. Hãy nghĩ môi trường như một ngôi nhà chung. Ngôi nhà của chính mình mà mình không biết yêu quý nó thì người khác có phá hoại nó hay không ta cũng chẳng làm gì được. Vì thế hãy đừng ngại trở thành người bắt đầu, người tiên phong trong nhóm bạn hay gia đình, cộng đồng của bạn. Hành động tích cực của bạn có thể trở thành động lực cho một người khác cố gắng theo. Tôi dự định tổng hợp kinh nghiệm "sống xanh" của mình thành một cuốn cẩm nang dành cho những người muốn "sống xanh" ở đô thị lớn, để mọi người thấy rằng: Chỉ cần có động lực thì ở đâu, làm gì cũng có cách để bảo vệ môi trường” - Nguyễn Hoàng Thảo |