Nạn xin xỏ, nhờ can thiệp khi vi phạm nồng độ cồn

Việc xin xỏ, nhờ can thiệp ngoài tạo ra những khó khăn, áp lực cho lực lượng thực thi công vụ, còn là tiền lệ gây nên tình trạng 'nhờn luật'

 

Việc xin xỏ, nhờ can thiệp để lại rất nhiều hệ lụy. Ngoài tạo ra những khó khăn, áp lực cho lực lượng thực thi công vụ, còn là tiền lệ gây nên tình trạng “nhờn luật”, và nguy hiểm hơn nữa là nguy cơ TNGT khi người đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện lưu thông.

Nếu quan tâm tới luồng thông tin những ngày cuối năm, gần Tết, các bạn sẽ thấy, hầu hết UBND các tỉnh, thành phố đều ra văn bản nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức can thiệp, tác động vào quá trình xử lý hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng.

Một chốt kiểm tra nồng độ cồn của CSGT. (Ảnh: Phúc Tài)Lý do bởi hiện tại đang là cao điểm tiêu thụ rượu bia, rất nhiều nơi tổ chức hội họp, liên hoan, tổng kết, tất niên. Số trường hợp lái xe tham gia giao thông sau khi uống rượu bia cũng tăng theo. Không ít trong số đó bị dừng xe, yêu cầu đo nồng độ cồn lại tìm cách ngăn trở, chống đối, gọi điện nhờ can thiệp, xin bỏ qua.

Về mặt tâm lý, đây là một hiện tượng dễ hiểu, khi mức phạt với vi phạm nồng độ cồn đã được tăng lên rất cao-đến mức hàng chục triệu đồng và treo bằng nhiều tháng. Không phải ai cũng sẵn sàng đối diện, chịu trách nhiệm với sai phạm của bản thân.

Mặc dù vậy, nếu việc xin xỏ, nhờ can thiệp diễn ra trót lọt, nó sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Ngoài tạo ra những khó khăn, áp lực cho lực lượng thực thi công vụ, hành vi này còn là tiền lệ gây nên tình trạng “nhờn luật”, và nguy hiểm hơn nữa là nguy cơ TNGT khi người đã sử dụng rượu bia vẫn điều khiển phương tiện lưu thông.

Thử tưởng tượng, nếu một người bị dừng xe kiểm tra, nhưng vẫn có thể thoát khỏi án phạt cho những vi phạm của mình, gần như chắc chắn người đó sẽ tái phạm trong những lần tiếp theo. Chưa kể, nếu để vuột một “ma men” sau tay lái khỏi chốt kiểm soát, những người tham gia giao thông khác sẽ phải đối mặt với một hiểm họa lớn, điển hình như các vụ tai nạn liên hoàn do “xe điên” gây ra.

Đó cũng là lý do cùng với việc ban hành văn bản nghiêm cấm can thiệp xử lý vi phạm, UBND các địa phương còn yêu cầu thông báo đầy đủ hành vi vi phạm nồng độ cồn về cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng đang quản lý người vi phạm để xử lý theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Đảng viên, người lao động trong cơ quan Nhà nước; đồng thời gửi Sở Nội vụ để phục vụ công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Như vậy, một lỗi vi phạm của một người có thể liên đới tới thủ trưởng cơ quan nơi người đó công tác, và chính người quen, người có quyền lực mà họ nhờ can thiệp.

Thực tiễn phóng viên VOV Giao thông ghi nhận tại những chốt kiểm tra nồng độ cồn những ngày qua, các văn bản chỉ đạo phần nào đã đi vào cuộc sống. Không hiếm người chạy xe sang, có địa vị, chức vụ, nhiều mối quan hệ, dù rút thẻ, gọi điện “cầu cứu” liên tục khắp nơi, vẫn bị tổ công tác lập biên bản.

Tính thượng tôn pháp luật được quán triệt từ cấp cao nhất tới từng cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tuần tra - việc này đã gửi một thông điệp cứng rắn tới các đối tượng vi phạm và chuẩn bị vi phạm, rằng: Đã bị kiểm tra, đều sẽ bị xử lý.

Mà đã xử lý thì không thể xin xỏ, can thiệp. Vì vậy, tốt nhất là đừng để vi phạm xảy ra, đã uống rượu bia thì không lái xe!./.

Chu Đức/VOV-Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận