Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng vừa ký văn bản nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “không để hành khách về quê ăn Tết chậm do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới tình trạng xe dù, bến cóc, hành vi tăng giá vé trái quy định”.
Bộ GTVT sau đó cũng đã có chỉ đạo về đảm bảo an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023.
Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu các hãng hàng không, cảng hàng không, các đơn vị cung cấp dịch vụ hàng không rà soát lại toàn bộ quy trình, xây dựng phương án phục vụ, bố trí nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện tại cảng hàng không, đảm bảo sẵn sàng cho phương án khai thác, phục vụ cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân 2023, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bằng đường hàng không.
Đến nay theo số liệu báo cáo của các hãng hàng không và để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, Cục Hàng không Việt Nam đã cấp phép bay cho các hãng hàng không bổ sung thêm nhiều chuyến bay đi/đến các cảng hàng không, tập trung vào các khung giờ khai thác vào ban đêm.
Để đáp ứng và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đảm bảo chất lượng dịch vụ Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở GTVT rà soát, yêu cầu các đơn vị khai thác các tuyến xe buýt đi/đến cảng hàng không lập kế hoạch;
Tăng tần suất khai thác và tăng thời gian hoạt động của các chuyến xe buýt đi/đến các cảng hàng không, đặc biệt là vào khung giờ ban đêm theo thời gian khai thác đêm của các cảng hàng không.
Cơ quan này cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở GTVT rà soát, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải khác trên địa bàn như taxi, xe công nghệ tăng thời gian hoạt động, tăng số lượng các phương tiện đến cảng hàng không để phục vụ khách có nhu cầu, đặc biệt là các hành khách trên các chuyến bay đêm đi/đến cảng hàng không.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra, công an địa phương phối hợp với Cảng vụ hàng không, Cảng hàng không để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, duy trì an ninh trật tự tại cảng hàng không, kịp thời xử ký các tính huống phát sinh, khẩn nguy; đồng thời kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan tới tình trạng xe dù, tình trạng lôi kéo hành khách, ép giá khách và tăng giá vé trái quy định.
Mỗi ngày thêm cả trăm chuyến bay đêm
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố điều chỉnh tham số điều phối đường hạ, cất cánh tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Theo đó, từ ngày 6/1/2023 đến ngày 5/2/2023 (tức từ ngày 15 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão), tham số điều phối đường hạ, cất cánh là 44 chuyến/giờ (tăng từ 42 lên 44) vào các khung giờ từ 9h00 - 14h55 và từ 18h00 - 21h00.
Cục Hàng không Việt Nam đã xác nhận thêm tổng số 150 chuyến/ngày, trong đó các khung giờ tối muộn và đêm là 98 chuyến/ngày.
Với số lượng slot được xác nhận bổ sung này, các hãng hàng không Việt Nam sẽ tăng cung ứng và mở bán thêm trên các đường bay nội địa trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán thêm cả chục nghìn vé mỗi ngày.
Cùng đó, đơn vị này liên tục yêu cầu các hãng hàng không bố trí nguồn lực, tăng cường khai thác các chuyến bay vào ban đêm nhằm giảm ùn tắc tại các cảng hàng không vào các khung giờ ban ngày.
Được biết, hiện các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch khai thác vào các khung giờ tối muộn và đêm (từ 20h00 - 04h00 sáng) đến 12 cảng hàng không địa phương.
Trong đó, Cảng HKQT Nội Bài có thêm 90 chuyến bay đêm, Vinh 35 chuyến, Thọ Xuân 34 chuyến, Chu Lai 5 chyến, Đồng Hới 9 chuyến, Cát Bi 22 chuyến, Liên Khương 6 chuyến, Phù Cát 6 chuyến, Pleiku 2 chuyến, Đà Nẵng 34 chuyến, Huế 29 chuyến, Buôn Ma Thuột 3 chuyến.
Lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đã chỉ đạo các sân bay huy động nhân sự phục vụ bay đêm: “Với những sân bay khai thác đêm thường xuyên như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng… không khó.
Nhưng với sân bay địa phương, thêm chuyến bay đêm là cả một vấn đề. Phục vụ bay đêm nghĩa là phải trực 24/7, trong khi tại các sân bay nhỏ, ban đêm chỉ có lác đác vài chuyến nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ mọi điều kiện.
Mặc dù vậy, ACV đã cam kết sẵn sàng đáp ứng, phục vụ. Mong muốn lớn nhất của các cảng là có được sự phối hợp chặt chẽ của hãng”.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Ngành hàng không hứa sẽ nỗ lực tối đa, kiểm soát từng khâu, từng quy trình, từng con người, đảm bảo phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, cũng mong nhận được sự thông cảm của người dân bởi trong điều kiện hiện tại, sân bay đã quá tải, nhu cầu của hành khách quá lớn, việc phục vụ sẽ không tránh khỏi có lúc, có nơi không được như ý./.
Sân bay Nội Bài ngày cao điểm nhất có 104.000 lượt khách dịp Tết
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chủ động sẵn sàng các phương án đảm bảo phục vụ sản lượng vận chuyển tăng cao dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Nhìn nhận dự kiến sẽ có lượng hành khách qua Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng cao sau 2 năm dịch COVID-19, lãnh đạo sân bay này cho biết theo tính toán, ngày cao điểm nhất có khoảng 580 lượt chuyến bay (400 chuyến bay quốc nội và 180 chuyến bay quốc tế) với 104.000 lượt hành khách (78.000 lượt khách nội địa và 26.000 lượt khách quốc tế).
Tính riêng sản lượng vận chuyển nội địa, nếu so với ngày cao điểm Hè 2022, sản lượng chuyến bay dịp Tết nguyên đán chỉ đạt 80%, sản lượng hành khách chỉ đạt 83%. Sản lượng vận chuyển quốc tế đang trên đà hồi phục. Tuy vậy, nếu so với Tết Nguyên đán năm 2020 (trước khi dịch bùng phát), mới đạt khoảng 75%.
“Dự báo, sản lượng vận chuyển hàng không tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 nhưng trong tầm kiểm soát. Tính tổng thể cả quốc tế và nội địa, mức tăng này chưa vượt quá đợt cao điểm Hè 2022 (634 lượt chuyến bay, 106.000 lượt khách/ngày cao điểm),” lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho hay.
|
Theo VOV.VN