Tạo đột phá, khơi dậy ý chí vươn lên

Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực, đạt những con số ấn tượng.

 

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; đảm bảo nguồn tín dụng ưu đãi để các hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập... là những nhiệm vụ, giải pháp mà tỉnh Thanh Hóa đặt ra nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

Những kết quả nổi bật

Theo Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững của tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 404-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 (BCĐ 404) do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban, các thành viên là ủy viên Ban Thường vụ, Giám đốc các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh có liên quan. Đến nay, 27/27 đơn vị cấp huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG.

Để cụ thể hóa nhiều nội dung, có những hướng dẫn sát thực tiễn, Thanh Hóa đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững như: Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Kế hoạch số 77/KH-UBND ngày 21/3/2022 triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 21/8/2022 Truyền thông về Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 212/KH-UBND ngày 29/8/2022 giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và năm 2022; Kế hoạch số 189/KH-UBND ngày 08/8/2022 về việc tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022.

Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Chỉ tính riêng năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa theo Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ là 619.148 triệu đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, vốn phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn: 486.183 triệu đồng; vốn sự nghiệp cho hỗ trợ duy tu và bảo dưỡng các công trình phục vụ dân sinh, sản xuất, thiết yếu trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững: 132.965 triệu đồng.

Người dân phát triển sản xuất cải thiện đời sống.

Từ sự vào cuộc đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự tích cực, chủ động của người dân vùng nghèo, vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của Thanh Hóa đã có những chuyển biến tích cực, đạt những con số ấn tượng. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025 như sau: Hộ nghèo: toàn tỉnh giảm 17.225 hộ nghèo (giảm 1,72% hộ nghèo), từ 67.684 hộ (6,77%) xuống còn 50.459 hộ nghèo (5,05%). Hộ cận nghèo: toàn tỉnh giảm 16.365 hộ cận nghèo (giảm 1,64% hộ cận nghèo), từ 86.912 hộ (8,7%) xuống còn 70.547 hộ (7,06%).

Tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế, khó khăn vướng mắc như: Đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có lao động thu nhập thấp. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản nào quy định cách xác định “người lao động có thu nhập thấp” trong khi thực tế các huyện miền xuôi hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu là người không có khả năng lao động, do đó khó khăn trong việc tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề. Việc triển khai thực hiện vốn đầu tư cho tiểu dự án 3 dự án 4: Hỗ trợ việc làm bền vững: Khó khăn trong việc lập dự án cho cả giai đoạn. Nội dung đầu tư chi cho hạ tầng công nghệ thông tin, không có hướng dẫn cụ thể về danh mục sẽ khó thực hiện, nếu mỗi địa phương làm một kiểu sau này sẽ khó kết nối và đồng bộ trong khai thác sử dụng....

Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập của người dân vùng khó khăn.

Với mục tiêu đảm bảo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm và giảm bền vững qua các năm, bên cạnh việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Thanh Hóa đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, và một số giải pháp có tính then chốt như: Khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ý lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững; đẩy mạnh phát triển sản xuất (PTSX), tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Xác định PTSX, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững. Tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm đẩy mạnh PTSX, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Tạo điều kiện cho người nghèo về vốn, kiến thức khoa học, thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nhất là ở khu vực miền núi. Tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy PTSX cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và đóng góp của nhân dân; đảm bảo nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo vay vốn PTSX, nâng cao thu nhập. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Thanh Hóa chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm tôn vinh, khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình, tiêu biểu..../.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận