Điều này tạo áp lực đáng kể lên hạ tầng dịch vụ mặt đất. Các hãng hàng không, các đơn vị dịch vụ kỹ thuật cần làm gì để đáp ứng nhu cầu tăng chuyến?
Quê chồng ở xa, năm nào gia chị Nguyễn Thu Lan, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng phải đặt vé máy bay về quê dịp Tết từ rất sớm. Sau 2 năm dịch Covid-19, chị Lan lo ngại, lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng cao và dễ xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cảng hàng không.
"Không biết đặt vé máy bay hãng nào để tránh tình trạng chậm hủy chuyến. Mình đã từng mất khoảng hơn 30 phút để qua cửa an ninh ở Tân Sơn Nhất để ra Hà Nội nên rất là lâu. Nếu mà bạn cứ chờ đợi mà không nhờ hỗ trợ, nguy cơ lỡ chuyến bay rất là cao", chị Lan cho biết.
Tương tự, chị Bùi Thu Thủy, ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng thường xuyên về quê mỗi dịp Tết đến. Việc hàng không tăng chuyến cũng giúp chị có thêm cơ hội mua vé nếu phải về muộn, song chị Thủy không khỏi lo ngại bị ùn tắc vào dịp cao điểm Tết: "Mình hay về dịp Tết và thấy Tết thì sân bay rất đông nên tìm các vị trí này kia rất khó".
Theo Cảng hàng không quốc tê Nội Bài, dự kiến năm nay, lượng hành khách qua cảng vào dịp Tết Dương lịch 2023 tăng khoảng 7% so với thường lệ, đạt khoảng 80.000 lượt khách, lượng cất hạ cánh đạt khoảng 520 lượt chuyến/ngày.
Tuy vậy, dịp Tết Nguyên đán, tổng sản lượng vận chuyển khách quốc tế và quốc nội qua Cảng sẽ tăng khoảng 10% so với Tết 2020 và tăng 30% so với lịch bay mùa đông, tuy nhiên, chưa vượt quá cao điểm hè năm nay. Trong đó, sản lượng vận chuyển nội địa ngày cao điểm có thể đạt khoảng 80.000 lượt khách và 420 lượt chuyến, tương đương 83% so với cao điểm hè.
Để chuẩn bị cho dịp cao điểm Tết, Cảng hàng không Nội Bài đã phối hợp với các đơn vị mặt đất rà soát toàn bộ hạ tầng, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các hãng hàng không như: mở tối đa quầy thủ thủ tục, máy soi chiếu an ninh, siết chặt công tác trực điều hành 24/7.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Giám đốc Cảng hàng không Nội Bài chia sẻ: "Số lượng slot tại Nội Bài vẫn tiếp tục duy trì ở mức 37 slot/giờ ở các khung ban ngày và 30 slot/giờ vào các khung ban đêm. Về hạ tầng đường cất hạ cánh và sân đỗ, ngày 29/12 sẽ đưa khai thác trở lại 2 vị trí đỗ tàu bay code E sau 4 tháng tạm dừng để sửa chữa. Trong điều kiện Cảng HKQT Nội Bài có thêm các chuyến bay đêm thì hoàn toàn có thể đảm bảo an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ đối với tất cả các chuyến bay và hành khách đi lại qua cảng".
Bên cạnh đó, đầu năm 2023, Cảng Nội Bài còn chuẩn bị đưa vào hoạt động ứng dụng theo dõi chuyến bay, nhằm giúp hành khách có thể dễ dàng theo dõi mốc thời gian thay đổi, giờ làm thủ tục các chuyến bay, giờ cất hạ cánh và thời gian trả hành lý…
GS. Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP. HCM cho rằng, đến thời điểm này, các hãng hàng không đã chuẩn bị các kịch bản là tăng chuyến bay, còn các doanh nghiệp mặt đất và các cảng vụ cũng đã chuẩn bị các giải pháp để giảm ùn tắc tại sân bay. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý dòng chuyển động máy bay trước khi hạ cánh đã được áp dụng, tạo thuận lợi cho việc hạ cánh. Tuy vậy, khi ùn máy bay trên bầu trời đã được khắc phục thì ùn dưới mặt đất lại là vấn đề khi tăng chuyến.
"Các vị trí bãi đỗ máy bay đều chật trội, cho nên nhiều khi nó trống chỗ nào thì lấp vào chỗ đó, chứ không tối ưu hóa được. Cho nên chỗ đó cũng cần phải sắp xếp, tối ưu, giống như những kho hàng vậy, để dự trù. Phải tính toán để máy bay hạ cánh rồi, trả khách rồi, vào bãi đỗ, rồi từ bãi đỗ ra chỗ cất hạ cánh nó nhanh", GS Nguyễn Thiện Tống cho biết.
Ở góc độ khác, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho rằng, không chỉ đường bay, mà các dịch vụ mặt đất, từ khâu làm thủ tục, đến kiểm tra an ninh cũng cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hành khách.
"Các bộ phận an ninh và các dịch vụ về mặt kỹ thuật mặt đất thì đảm bảo cho việc quản lý chặt chẽ trên cơ sở hướng dẫn để cho khách đi lại, rút ngắn thời gian ách tắc tại các khâu làm thủ tục, không chỉ tại cảng hàng không mà kể cả khu an ninh và đưa hành khách đi lên và đi đến từ máy bay cho nhanh chóng và thuận tiện", ông Bùi Doãn Nề cho biết.
Mặc dù việc tăng chuyến dịp cao điểm Tết sắp tới chưa quá cao điểm hè năm nay. Tuy vậy, nhiều vấn đề cũng được đặt ra, đòi hỏi các đơn vị dịch vụ mặt đất, doanh nghiệp hàng không cần tính toán kỹ lưỡng, lường trước những tác động dù là nhỏ nhất để cập nhật vào kịch bản tăng chuyến, qua đó, tạo thuận lợi nhất cho hành khách đi lại dịp Tết.
Về mặt lý thuyết, việc tăng gấp đôi số chuyến bay trong dịp cao điểm Tết nếu tập trung chủ yếu vào khung giờ ban đêm, sẽ không quá lo ngại về nguy cơ quá tải hạ tầng hàng không và giao thông kết nối. Nó cũng phù hợp với nhu cầu linh động và tiết kiệm thời gian của nhiều nhóm khách.
Sân bay Tân Sơn Nhất là nơi nguy cơ quá tải cao nhất, theo đánh giá của Cục Hàng không. So với dịp cao điểm 30/4, 1/5, thì một điều kiện thuận lợi là dự án sửa chữa đường cất hạ cánh 25R/07L đã hoàn thành được nửa năm, năng lực phục vụ tốt hơn hẳn cao điểm trước đó.
Các biện pháp ứng dụng công nghệ để quản lý thời gian cất hạ cánh của mỗi chuyến bay cũng được cơ quan chức năng liên tục nghiên cứu, áp dụng để tối ưu hóa, nhằm giảm thời gian chờ, giúp tăng tần suất bay nhưng không ảnh hưởng đến an toàn và chất lượng.
Các hãng bay cũng được quán triệt chuẩn bị các điều kiện tốt nhất phục vụ người dân.
Tuy vậy, lý thuyết chưa phải là điều kiện cần và đủ để giúp hành khách có thể yên tâm.
Trước hết, về sự quá tải, luôn có sự chênh lệch không hề nhỏ giữa một bên là cảm nhận trực quan của hành khách, một bên là đánh giá của bên phục vụ.
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài từng phải áp dụng các biện pháp đặc biệt trong dịp cao điểm 30/4, 1/5 năm nay, như hạn chế và từ chối đón tiễn đối với một số chuyến bay trong khung giờ cao điểm, siết chặt đối tượng được phép đi lại trong ga, để giảm quá tải và tăng cường an ninh, an toàn.
Mặc dù quá tải ở cảng Nội Bài không tới mức căng thẳng như Tân Sơn Nhất, nhưng sự thất thủ của giao thông trên những ngả đường đổ ra sân bay là một thực tế không thể chối cãi. Những trạng thái đợi chờ vạ vật, mệt mỏi nhiều giờ đồng hồ của hành khách ở mỗi đầu các chặng bay, cũng là sự thật hiển nhiên và không hề dễ chấp nhận.
Thêm nữa, ngành hàng hàng không trong năm qua đã ghi nhận sự xuất hiện với tần suất dày hơn các sự việc tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh an toàn, có liên quan đến sự gia tăng mạnh số chuyến bay và sản lượng hành khách.
Chẳng hạn, khách tự do đi lại, hồn nhiên livestream chụp ảnh ngay bên cạnh máy bay chuẩn bị cất cánh, gắn thiết bị ghi hình lên cửa sổ máy bay, để lọt vật sắc nhọn qua cửa kiểm tra an ninh…
Mật độ, mức độ nghiêm trọng của các hiện tượng và hành vi tương tự có thể tăng lên, khi có thêm hàng ngàn chuyến bay tăng cường suốt ngày đêm trong dịp cao điểm sắp tới.
Tăng tần suất bay đêm đặt ra đòi hỏi đáp ứng nhu cầu của hành khách ở hai đầu đi và đến. Bởi vận tải hành khách công cộng từ thành phố ra vào sân bay hiện nay vẫn chủ yếu phục vụ ban ngày. Xe của hãng bay có thể không đủ hoặc không tiện. Taxi, xe công nghệ thì quản lý ra sao về an toàn và mức giá trong khung giờ muộn.
Thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng ngành hàng không với các hãng bay và địa phương, hành khách sẽ rất phân vân.
Tăng tần suất bay đêm, nhân lực phục vụ các chuyến bay đêm sẽ phải tăng số lượng và công suất làm việc. Ngoài yếu tố chuyên môn còn là vấn đề sức khỏe và khả năng tập trung, thao tác vận hành chính xác các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo an toàn bay cũng như chất lượng dịch vụ.
Chưa kể, kịch bản tăng slot chuyến bay đang xây dựng trên các giả định điều kiện khá lý tưởng. Không có một độ dự phòng rủi ro đủ rộng, thì chỉ một yếu tố biến thiên- như thời tiết chẳng hạn - có thể làm sai lệch các tính toán ban đầu.
Sự việc hàng trăm chuyến bay từ Côn Đảo về đất liền phải hoãn do ảnh hưởng của gió lớn vừa mới xảy ra, là một cảnh báo không thể bỏ qua. Trong điều kiện dự báo thời tiết chưa phát triển mạnh lĩnh vực dự báo tác động cho từng ngành nghề, thì ngành hàng không, với độ nhạy cảm rất cao trước các điều kiện thời tiết, lại càng cần chủ động đặt hàng thông tin để có được kịch bản sát nhất.
Tất nhiên, sự cẩn thận quá, thận trọng quá tới mức không dám tăng chuyến trong mức độ cho phép cũng là một thiếu sót, bởi đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải.
Tuy vậy, việc cơ quan chức năng tính toán thận trọng và liên tục cập nhật vào kịch bản tăng chuyến là cực kỳ cần thiết, để việc đi lại được an toàn, thuận lợi, và để người dân được hưởng chuyến đi xứng đáng với mức giá không hề rẻ mà họ đã phải bỏ ra, chứ không bị đặt vào tình thế buộc phải chấp nhận./.
Quách Đồng-Kiều Tuyết/VOV-Giao Thông