Sáng 20/12, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức Hội thảo Phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong nước, quốc tế…
Phát biểu tại hội thảo ông Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, nhấn mạnh, Hà Nội trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực “Thiết kế”. “Việc tham gia vào Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo quốc gia, xu thế của thời đại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), có ý nghĩa quan trọng trong nhiệm vụ định hướng tầm nhìn phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng” - ông Học nói.
Theo ông Học để thực hiện hóa mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội dựa trên ba nhóm chính sách nền tảng là: Nhóm chính sách về “Tái tạo đô thị - Cơ sở hạ tầng văn hóa”; Nhóm chính sách giáo dục sáng tạo và đổi mới và Nhóm chính sách “Kích thích sự tham gia của công chúng”.
Do đó, Hà Nội cần có nền tảng giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu và công việc phát triển những môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trợ giúp Hà Nội xây dựng và giữ gìn thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa,.... đảm bảo cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô, từng bước đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước”, hướng tới vị trí là “Kinh đô sáng tạo” quan trọng của Khu vực và Châu Á.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là cơ quan được giao nhiệm vụ trong công tác tham mưu Đề án về “Phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô - Tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu ươm mầm, tìm kiếm, phát hiện và nuôi dưỡng sự sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; đồng thời hiện thực hóa những cam kết của Hà Nội khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo để xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” theo tinh thần kế hoạch số 102/KH-UBND của UBND Thành phố nhằm mục tiêu nhận diện, đánh giá, đề xuất các phương hướng, giải pháp phát triển giáo dục sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô trong thời kỳ mới.
Với mục tiêu đó, thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn nhận được những ý kiến tham vấn, đóng góp, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu từ các chuyên gia, khách mời trong nước, quốc tế và của các vị đại biểu cả về lý luận cũng như thực tiễn thúc đẩy việc phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”.
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã tập trung thảo luận các nội dung quanh trọng như: Làm rõ một số vấn đề lý luận cơ bản về vị trí, vai trò của giáo dục sáng tạo theo xu hướng giáo dục sáng tạo của khu vực và thế giới trong chiến lược phát triển bền vững của Thủ đô.
Đánh giá khái quát thực trạng về công tác phát triển giáo dục sáng tạo, những tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, tri thức đối với Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của giáo dục sáng tạo hướng đến việc làm ươm mầm, phát hiện, nuôi dưỡng, tạo nguồn và phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, sức sáng tạo cho Thủ đô trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Đề xuất gợi mở những kiến tạo hay, những mô hình hoạt động hiệu quả, những giải pháp phát triển giáo dục giáo dục sáng tạo Thủ đô, từ kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế, đóng góp phần quan trọng trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” và định vị thương hiệu ở khu vực và trên thế giới.
Trình bày tai hội thảo, các bài tham luận đã tập trung vào các vấn đề quan trọng để phát triển giáo dục sáng tạo trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” mang tính định hướng như: Giáo dục sáng tạo - Xu hướng giáo dục tất yếu và kinh nghiệm cho Hà Nội hay các tham luận chỉ ra: Khoảng trống trong xây dựng hệ sinh thái giáo dục sáng tạo cho học sinh phổ thông ở Hà Nội; bàn về việc Phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo ở các cấp học; Vai trò và kinh nghiệm thực tiễn của trường đại học trong phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Hà Nội; Xây dựng trường học thông minh- Giải pháp phát triển giáo dục Hà Nội theo hướng hiện đại, sáng tạo và hội nhập quốc tế; Đề xuất, gợi mở các sáng kiến, giải pháp để phát triển giáo dục sáng tạo trên địa bàn Thủ đô..../.
Đ.Hưng/VOV.VN