Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành quyết định về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 5%. Trước đó, các ngân hàng thương mại triển khai cho vay từ năm 2013 với mức lãi suất 6%/năm. Đến năm 2019 giảm xuống 5%/năm và từ năm 2021 đến nay duy trì mức 4,8%/năm.
Mừng ít, nghi nhiều
Thông tin này khiến nhiều người dân có nhu cầu mua nhà ở vui mừng vì mức lãi suất tuy tăng đôi chút nhưng vẫn còn rất "mềm" so với mức lãi suất cho vay mua nhà lên tới 15%/năm hiện nay.
Nhưng bên cạnh đó, không ít người bày tỏ sự ái ngại, nghi ngờ việc dễ tiếp cận chính sách ưu đãi này, khi mà nhiều gói hỗ trợ lãi suất khác trước đó từng rất ì ạch.
Độc giả Trần Minh Đức của VTC News đặt câu hỏi hài hước nhưng thâm thúy: “Lên báo mới vay được lãi suất 5% ạ?”
Độc giả Hero Trần lập tức ủng hộ quan điểm trên: “Bạn nói đúng. Chính sách ban hành là thế nhưng để thực hiện được như chính sách thì ở ta sao nó khó khăn đến thế. Hay nói cách khác giữa chính sách và triển khai thực tế nó khác nhau một trời một vực”.
Chính sách này chỉ “nằm trên mặt báo" mà thôi. Để tiếp cận được thì rất phức tạp, không hề đơn giản...
Khi được hỏi về thông tin trên, anh Trần Quý (Hà Đông, Hà Nội), bày tỏ nhiều băn khoăn: “Gia đình tôi dự định mua nhà nhưng từ lâu rồi vẫn chưa cân đối được tài chính. Được biết, đối tượng được hưởng hỗ trợ gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2, tôi cũng định tìm cách tiếp cận ngân hàng để vay vốn. Nhưng tham khảo ý kiến của nhiều người, tôi lại băn khoăn. Vì gia đình tôi không đủ điều kiện mua hoặc thuê nhà ở xã hội. Còn nếu muốn mua nhà ở thương mại thì hầu như các ngân hàng đều từ chối với lý do còn nhiều hồ sơ khác cấp thiết hơn. Nói tóm lại khó hơn lên trời”.
Ông Đỗ Văn Mạnh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng buồn bã nói: "Chính sách này chỉ “nằm trên mặt báo" mà thôi. Để tiếp cận được thì rất phức tạp, không hề đơn giản. Thứ nhất là thủ tục loằng ngoằng, chồng chéo, phải qua rất nhiều bộ phận thẩm duyệt gây mất thời gian, khiến người mua nhụt chí, chấp nhận bỏ cuộc. Thứ hai là không phải ngân hàng nào cũng sẵn lòng cho vay, vì bản thân họ cũng đang bị hạn chế "room" tín dụng rồi còn phải cân đối lợi nhuận, chưa kể do thị trường khó khăn nên hầu như ai cũng có nhu cầu vay vốn".
Ông Mạnh so sánh vui việc tiếp cận được lãi suất hỗ trợ khi đi mua nhà ở cũng giống như "mua thịt heo rẻ ở trên ti vi" thời gian vừa qua: "Chỉ là chính sách thôi, thực tế không như thế đâu. Bạn bè tôi nhiều người cũng phàn nàn thế rồi".
Chuyên gia hiến kế gỡ rối
Giải đáp khúc mắc này, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: “Thực ra việc hỗ trợ cho vay đối với người mua nhà vẫn đang được ngân hàng tiến hành. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ người vay có đáp ứng được đầy đủ thủ tục cần thiết theo quy định hay không. Đây là vấn đề nan giải nhất, khiến rất nhiều người bỏ cuộc. Đúng là có quá nhiều loại giấy tờ buộc người dân phải chứng minh nếu muốn tiếp cận mức lãi suất "mềm", ví dụ chứng minh mức thu nhập, mục đích mua nhà...".
Còn chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Hồng Minh cho rằng làm thế nào để xác định người đi vay ưu đãi mua nhà có phải là người sử dụng cuối cùng hay không cũng là điều rất khó. Vì thế, ngân hàng chậm cho vay để thẩm định hoặc thậm chí là "ngại" cho vay cũng dễ hiểu.
Theo TS. Minh, hiện nay các dự án bất động sản trên thị trường còn rất nhiều và hầu hết đang thiếu vốn. Phần lớn các dự án là vừa làm vừa huy động vốn bằng nhiều kênh, đề phòng nguồn tín dụng bị thắt chặt. Do đó, Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn này cho thị trường bất động sản thì mới hỗ trợ được doanh nghiệp, người dân. Ví dụ như doanh nghiệp không được tiếp cận tín dụng để xây nhà ở xã hội thì người dân cũng khó có nguồn cung, từ đó việc vay vốn cũng không còn quan trọng nhất.
NHNN ra chỉ thị nhưng các ngân hàng thương mại có tham gia đồng hành, tích cực hay không thì lại là một câu chuyện khác.
Đánh giá cao những động thái tích cực của NHNN để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có nhu cầu về bất động sản nhưng ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam kiến nghị phải có sự quyết liệt từ trên xuống dưới. "NHNN ra chỉ thị nhưng các ngân hàng thương mại có tham gia đồng hành, tích cực hay không thì lại là một câu chuyện khác. Trên thực tế đây là một trong những lý do khiến người dân không biết vay vốn lãi suất thấp từ đâu", ông Đính nói.
Ông Đính còn cho rằng, trong trường hợp nếu ngân hàng thương mại không có nguồn thì NHNN hoặc Chính phủ phải có một khoản "bơm" kích thích cho ngân hàng. "Ngân hàng hiện đang cho vay với lãi suất hơn 10% nhưng bây giờ phải cho một người vay với lãi suất tương đương một nửa thì phải có nguồn bù vào, vì ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, cần tới lợi nhuận", ông Đính nói.
Ông Đính cũng dẫn ví dụ trước đây Chính phủ có một gói hỗ trợ lãi suất cho vay trị giá 20.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả thấp. Bởi nguồn vốn để thực hiện chính sách chưa đủ mạnh, không cụ thể, rõ ràng nên đã dẫn đến việc ngân hàng khó giải ngân còn người dân khó tiếp cận.
Hầu hết chuyên gia đều nhấn mạnh, động thái dù có tích cực nhưng sẽ chỉ hiệu quả nếu đi kèm theo những chính sách cụ thể. Ví dụ như chỉ định các ngân hàng bắt buộc phải thực hiện, nếu không thực hiện thì phải xử lý. Còn quyết định, chỉ đạo xong rồi để đấy, không sát sườn thì đúng như dư luận đã nói "chỉ có lên báo mà vay".
TS Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, hiện nay doanh nghiệp đang rất khó khăn, trong khi lãi suất ngân hàng tăng cao. Do vậy, nếu triển khai mức lãi suất 5%/năm hỗ trợ cho vay mua nhà ở thì NHNN phải có cơ chế bù lỗ thì mới thực hiện được. "Nếu mà không có biện pháp hỗ trợ cụ thể, hiệu quả thì các biện pháp đó, chỉ thị đó chỉ có hiệu lực rất hạn chế mà thôi. Biện pháp hiệu quả nhất, cụ thể nhất theo tôi là Nhà nước phải trợ cấp lãi suất cho các ngân hàng. Trong quá khứ cũng đã có những biện pháp rất đặc biệt. Ví dụ như những năm 1990 là nâng huy động tiền tiết kiệm lên đến lãi suất 12%. Bằng cách đó chúng ta đã nhanh chóng đưa lạm phát trở về mức là ổn định. Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay, đến khi kinh tế hồi phục thì có thể thu thuế rồi bù dần vào. Như vậy, trước mắt Nhà nước phải cứ trích lãi suất, sau đó thì sẽ thu hồi sau bằng thuế hoặc là bằng các chính sách khác để bù đắp lại khoản hỗ trợ lãi suất", ông Doanh nêu ý kiến.
Ngân hàng nói gì?
Trả lời VTC News, một cán bộ ngân hàng MBBank cho biết, hiện lãi suất huy động vốn 12 tháng của đơn vị là 8,3%. Trong khi đó lãi suất cho vay phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, phổ biến 13-14%. Khi NHNN chỉ đạo thực hiện chính sách thì chắc chắn ngân hàng thương mại sẽ phải có điều kiện bắt buộc để cho vay. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ hạn chế số vốn giải ngân, đối tượng và yêu cầu khắt khe những thủ tục để triển khai áp dụng hỗ trợ lãi suất thời gian đầu. Thời gian sau có thể tăng lên theo quy định để cân bằng giữa lợi ích ngân hàng, lợi ích người vay và phù hợp với chỉ đạo chung của NHNN. Khi NHNN đã áp gói hỗ trợ thì sẽ có nguồn vốn rót về để các ngân hàng thương mại bù lỗ.
Còn cán bộ của một chi nhánh thuộc BIDV khẳng định, các ngân hàng thương mại hoàn toàn thu xếp được nguồn vốn và đây không phải là vấn đề khách hàng lo ngại. Vì ngân hàng sẽ có những nguồn vốn khác nhau để dành cho vay lãi suất thấp. Ví dụ tiền gửi không kỳ hạn, tiền của khách hàng tạm thời để trong tài khoản với lãi suất 0,2%/năm…"Nếu NHNN chỉ đạo thì BIDV cũng sẽ thu xếp nguồn và báo cho các chi nhánh để triển khai thực hiện cho vay bình thường".
Tuy nhiên, vị này thừa nhận, với những gói lãi suất ưu đãi, các thủ tục thường phức tạp và khắt khe hơn, nhiều khách hàng không đáp ứng được thường hay bất bình và bức xúc. "Đã là quy định thì phải thực hiện theo, để ngân hàng cũng không bị phạm luật. Huống hồ, các trường hợp được vay lãi suất thấp đã là ưu đãi hơn rất nhiều so với bình thường rồi. Vì thế, khách hàng phải chấp nhận sự thẩm định kỹ càng hơn để đảm bảo sự công bằng", vị này lý giải.
Theo Thông tư 11, đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở gồm người mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 7 của Bộ Xây dựng.
Doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiêp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kì.
Bên cạnh đó, theo Thông tư 32, đối tượng vay vốn là cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng.
Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với qui hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình.
|
CÔNG HIẾU - PHẠM DUY/VTC.VN