Làng phở Vân Cù vươn ra thế giới

Từ làng Vân Cù ở Nam Định, những thợ nấu phở lành nghề đã đi khắp đất nước và góp phần tạo dựng hàng trăm cơ sở.

 

Giờ đây Vân Cù muốn trở thành một điểm du lịch độc đáo để đón du khách thập phương.

Điều chỉ có ở Vân Cù

Với nhiều người làng Vân Cù (huyện Nam Trực) được coi là "cái nôi" của thương hiệu phở Nam Định đã nổi danh khắp cả nước. Người làng Vân Cù đã đi bán phở từ những năm 1900; đến giai đoạn 1920 - 1930, ở làng Vân Cù đã xuất hiện những người nổi danh về nghề phở ở Hà Nội là cụ Cồ Như Thấn và cụ Cồ Hữu Vặng. Đến những năm 1980 trở lại đây, nghề phở phát triển rất nhanh và người dân làng Vân Cù đã mang nghề phở đi khắp đất nước, song phát triển nhất vẫn là tại Thủ đô Hà Nội.

Thực tế là làng Vân Cù bây giờ không còn nhiều quán phở, vì hầu hết người nấu phở lành nghề đã đi lập nghiệp ở nơi khác. Vì vậy điều thú vị nhất có lẽ không phải là ăn phở, mà được nghe và hiểu rõ hơn về nghề phở, hoặc thậm chí cùng nấu phở với người dân địa phương. Mà ở làng này, gặp cụ cao niên nào bạn cũng sẽ được nghe những câu chuyện như thế.

Theo lời cụ Cồ Năng Vân (70 tuổi), người làng Vân Cù đã nấu phở từ rất lâu. Ai cũng dạy cho con cháu mình phải đoàn kết, giúp đỡ nhau để cùng giữ gìn nghề phở. Vì vậy, nghề phở gắn liền với đời sống, văn hóa, là chất keo gắn bó cộng đồng. "Nhiều du khách đến hỏi tôi nghề phở ở Vân Cù từ bao giờ, nghề phở có ý nghĩa thế nào? Tôi nói rằng nghề phở đã có từ rất lâu, đã thay đổi cuộc sống của dân làng này. Từ phở mới có nhà cao tầng, thôn xóm khang trang, thế nên phải giữ lấy nghề".

Ông Cồ Khắc Cải (68 tuổi) cho biết, đứng trước yêu cầu của thị trường, nghề phở tại Vân Cù cũng có những đổi mới. Tuy nhiên bánh phở nhưng vẫn được những người thợ tay nghề cao làm từ loại gạo ngon nhất và đảm bảo vệ sinh. Cụ Cồ Việt Hùng (90 tuổi) thì cho rằng quan trọng nhất của phở Vân Cù là thịt loại tốt, làm sao không quá chín và không quá tái… Cứ thế, những câu chuyện về phở dường như là bất tận ở Vân Cù, để du khách vừa được thưởng thức món phở trứ danh mà cũng nhớ mãi về những câu chuyện không giống nơi nào khác.

Theo nhận định của ông Lã Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) thì món phở, câu chuyện lịch sử nghề phở và các giá trị văn hóa truyền thống khác tại Vân Cù sẽ giúp địa phương này phát triển du lịch, nếu như đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá. Yếu tố văn hóa, ẩm thực Nam Định có thể kết hợp với yếu tố phong cảnh nhiên Ninh Bình để tạo thành tour du lịch hấp dẫn du khách.

Trong chuỗi sự kiện Ngày của phở 12/12 năm 2022, làng Vân Cù đón đoàn khách quốc tế là những nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam.Đưa phở Vân Cù vươn ra thế giới

Sau những thành công ở trong nước, nhân dịp chuỗi sự kiện Ngày của phở 12/12 năm 2022 được tổ chức ở Nam Định, CLB Phở Vân Cù (thuộc Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Nam Định) đã được thành lập với tham vọng tiếp tục giữ gìn bản sắc, thúc đẩy du lịch tại địa phương và xa hơn là đưa thương hiệu này ra thế giới.

Theo ước tính của CLB Phở Vân Cù, hiện nay những người từ làng Vân Cù đã đi tạo lập trên 100 quán phở và khoảng 20 cơ sở sản xuất bánh phở khắp cả nước. Anh Vũ Ngọc Vượng - Phó chủ nhiệm CLB Phở Vân Cù cho biết kể từ đây người Vân Cù trên cả nước sẽ cùng nhau duy trì chất lượng thương hiệu phở Vân Cù, đồng thời mở rộng giao lưu với các hội đầu bếp, hiệp hội du lịch và doanh nghiệp lữ hành để phát triển du lịch xanh ở làng Vân Cù.

"Nhờ nền tảng trực tuyến, chúng tôi sẽ kết nối với nhau thành một tập thể vững mạnh. Tất cả các thành viên trong CLB dù ở Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Lâm Đồng, Bình Dương, TP.HCM… cũng đều giới thiệu về Vân Cù cùng những câu chuyện về ngôi làng này. Ví dụ như 4 cơ sở phở Ngọc Vượng ở Hà Nội đều gắn thêm logo thương hiệu phở Vân Cù bên cạnh tên quán. Như vậy cái tên Vân Cù sẽ được biết đến trên cả nước" - anh Vũ Ngọc Vượng nói với phóng viên VOV.VN.

Trong chuỗi sự kiện Ngày của phở 12/12 năm 2022, làng Vân Cù đón đoàn khách quốc tế là những nhà ngoại giao đang công tác tại Việt Nam và gia đình họ. Các vị khách nước ngoài được nghe những bô lão trong làng kể chuyện phở xưa, lần đầu được quan sát cách tráng bánh phở thủ công, và hơn hết là thưởng thức tô phở ấm nóng ngay tại “cái nôi” của phở.

"Cả làng ai ai cũng phấn khởi khi đón đoàn khách quốc tế. Qua các vị ấy, nhiều người sẽ biết về Vân Cù. Chúng tôi mong đón khách du lịch đến tham quan, qua đó nâng cao giá trị của nghề phở Vân Cù, là động lực để các thế hệ sau giữ lấy nghề và làm nghề nghiêm túc. Nếu khách đến đây, chúng tôi sẽ đưa họ đến ăn phở tại đình làng này, nơi vẫn còn cuốn Ngọc Phả Hùng Vương quý hiếm" – cụ Cồ Năng Vân chia sẻ.

Đến Vân Cù dịp này, vợ chồng bà Maija Seppala (Phần Lan) đã có nhiều trải nghiệm thú vị: "Lần đầu tiên chúng tôi được thấy bánh phở tráng bằng tay và cảm nhận không khí lễ hội vui tươi. Tôi đã ăn phở nhiều lần nhưng quả thực vị phở tại Vân Cù có gì đó rất khác biệt. Tôi mới đến Việt Nam khoảng 1 tháng nên muốn tìm hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam, bắt đầu từ món phở này".

Theo nghệ nhân ẩm thực Lê Thị Thiết – Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Nam Định, những năm qua phở Nam Định nói chung và phở Vân Cù nói riêng đã được hiệp hội mang đi giới thiệu trên cả nước và cả nước ngoài như Pháp, Thái Lan và tạo hình ảnh rất tốt đẹp. Tới đây Vân Cù sẽ là điểm đến trải nghiệm làng nghề, giới thiệu tới du khách nghề phở và những nét đặc trưng của vùng quê Nam Định.

"Phở Vân Cù có thể ghép vào tour ẩm thực Nam Định, còn câu chuyện làng nghề phở sẽ phối hợp với làng nghề ươm tơ, kèn đồng, múa rối nước… ở Nam Định để tạo thành một chương trình du lịch hấp dẫn. Quan trọng nhất là Vân Cù phải giữ bản sắc nghề phở và còn nguyên những nét đặc trưng, để phở trở thành 'đại sứ ẩm thực'. Thu hút khách du lịch không chỉ giúp cho những người nấu phở mà các nghề làm muối, làm nước mắm hay nghề truyền thống khác cũng có cơ hội vươn lên" – bà Lê Thị Thiết cho biết./.

Hải Nam/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận