Dù nước ta đã có những tiến bộ trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nhưng mỗi năm chúng ta vẫn ghi nhận con số không nhỏ các ca tử vong ở mẹ và trẻ sơ sinh, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Những con số báo động
Theo bác sĩ Đoàn Thị Thu Hồng, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y hoc ứng dụng Việt Nam: Hiện nay, nước ta đã có những tiến bộ ấn tượng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ trẻ em. Với tỷ lệ tử vong mẹ giảm 4 lần và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh xuống còn một nửa trong những thập kỷ gần đây, chỉ số sức khỏe bà mẹ trẻ em của Việt Nam ưu việt hơn so với các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc sinh convẫn đầy rủi ro đối với nhiều phụ nữ và con cái của họ.
Việc không được tiếp cận đầy đủ dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong thời gian mang thai, chuyển dạ và khi mới sinh chính là nguyên nhân gây ra 600 ca tử vong mẹ và hơn 10.000 ca tử vong trẻ sơ sinh được ghi nhận ở Việt Nam mỗi năm. “Trẻ em vẫn không có được sự khởi đầu tốt nhất cho cuộc sống, khi có tới 100 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày vì những nguyên nhân có thể phòng tránh được. Mặc dù người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 15% tổng dân số, nhưng tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi của nhóm này cao gấp 3,5 lần so với người Kinh. Hơn nữa, còn có nhiều trường hợp tử vong trẻ sơ sinh và thai chết lưu không được báo cáo, đặc biệt là ở vùng miền núi nơi dân số chủ yếu là người DTTS”, bác sĩ Đoàn Thị Thu Hồng cho hay.
Theo bác sĩ Tạ Tùng Duy, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y hoc ứng dụng Việt Nam, mặc dù công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, nhưng thực tế hiện nay vẫn còn sự chênh lệch và bất bình đẳng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản giữa các dân tộc và vùng miền núi. Đáng nói, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị và khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở DTTS với dân tộc Kinh ngày càng gia tăng.
Bác sĩ Duy cũng cho biết, tại các tỉnh miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn so với trung bình cả nước khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em DTTS cao gấp hai lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).
“Tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong/100 nghìn trẻ đẻ sống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100 - 150 ca tử vong/100 nghìn trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng DTTS, như ở khu vực trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên. Hơn một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế”, bác sĩ Tạ Tùng Duy nhấn mạnh.
Chiến lược nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong
Bác sĩ Tạ Tùng Duy cũng lý giải, sở dĩ tình trạng tử vong ở vùng DTTS vẫn còn cao một phần là do thiếu nhân lực như: thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức. Thống kê chỉ khoảng 30% số bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện; Và một nguyên nhân nữa là do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như năng lực hạn chế về cấp cứu sản khoa, sơ sinh (sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí); Đặc biệt giao thông đi lại khó khăn do đặc thù vùng núi, cho nên nhân viên y tế khó tiếp cận; rào cản văn hóa và hiểu biết hạn chế về các biến chứng thai sản cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong mẹ gia tăng.
Do vậy, để giảm thiểu tỷ lệ tử vong này, theo bác sĩ Nguyễn Hoài Thu, Phòng khám chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y hoc ứng dụng Việt Nam: thứ nhất, chúng ta cần tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào DTTS; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở khu vực miền núi. Thứ hai là tăng cường ứng dụng chuyển đổi kỹ thuật số, và các can thiệp đổi mới sáng tạo bao gồm các can thiệp chăm sóc sức khỏe từ xa, trong đó ứng dụng trên điện thoại sử dụng internet để cải thiện việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ em nhằm thúc đẩy sinh con an toàn trong cộng đồng DTTS; Tuyên truyền sâu rộng cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ mang thai trong quá trình mang thai phải bảo đảm 4 lần khám trong suốt thời gian thai kỳ. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa, bởi đội ngũ này là cánh tay nối dài của ngành y tế, có thể giúp giảm tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh./.
Hương Giang