Yêu cầu xử lý tiếp nhà thầu yếu tại cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây làm chậm tiến độ

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long đôn đốc các nhà thầu tổ chức thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

 

Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long đôn đốc các nhà thầu tổ chức thi công đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1.

Xác định khối lượng công việc còn lại rất lớn và thời gian còn lại không nhiều; để đảm bảo hoàn thành thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2022, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long căn cứ kế hoạch tiến độ đã lập tổ chức theo dõi, đánh giá từng ngày về tiến độ huy động nhân lực, thiết bị và tiến độ thi công của từng mũi, từng hạng mục công trình để kịp thời yêu cầu các nhà thầu khắc phục ngay các tồn tại và thi công đảm bảo tiến độ yêu cầu.

Trường hợp nhà thầu chậm tiến độ theo cam kết, không có khả năng khắc phục, Ban Quản lý dự án Thang Long kiên quyết điều chuyển khối lượng, hoặc bổ sung thầu phụ để thi công đảm bảo tiến độ.

Giai đoạn 1 của dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được xây dựng theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền 25m, với 6 nút giao và 65 cầu với tổng mức đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng là hơn 7.200 tỷ đồng.

Chỉ đạo cụ thể từng gói thầu, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tại gói thầu 1-XL, Ban Quản lý dự án Thăng Long theo dõi chặt chẽ việc huy động thiết bị, nhân lực và tổ chức thi công của nhà thầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 – (Cienco8). Nếu nhà thầu chưa thực hiện đúng cam kết, kiên quyết xử lý ngay theo quy định hợp đồng, điều chuyển khối lượng trong liên danh hoặc bổ sung ngay thầu phụ thi công.

Ban Quản lý dự án Thăng Long phải chỉ đạo Công ty liên hợp xây dựng Vạn Cường khẩn trương huy động đủ thiết bị, nhân công đúng tiến độ cam kết, tập trung thi công đường đầu cầu và hoàn thiện mặt cầu đảm bảo tiến độ chung.
Tại gói thầu 2-XL, Bộ GTVT đánh giá, công tác đào đá và bê tông nhựa là đường găng của gói thầu, nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành cần khẩn trương tăng cường thiết bị đào phá đá đảm bảo hoàn thành trước 10/12/2022; ký hợp đồng với đơn vị địa phương cung cấp bê tông nhựa đảm bảo yêu cầu tiến độ.

Đối với gói thầu 3-XL, theo Bộ Giao thông Vận tải, hạng mục quyết định tiến độ là công tác đắp đất nền đường (còn khoảng 70.000 m3), móng cấp phối đá dăm (CPĐD), cấp phối đá dăm gia cố xi măng (CTB - còn khoảng 100.000 m3) và bê tông nhựa (còn khoảng 180.000 tấn).

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo nhà thầu Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) chủ động nguồn vật liệu đất, cấp phối đá dăm, tăng cường thiết bị, bổ sung thêm mũi thi công, tập trung thi công cuốn chiếu nền đường, móng cấp phối đá dăm, CTB và khẩn trương hợp đồng với đơn vị địa phương cung cấp bê tông nhựa đảm bảo yêu cầu tiến độ, hoặc bổ sung thầu phụ thi công một phần khối lượng cấp phối đá dăm, bê tông nhựa nếu cần.

“Riêng gói thầu 4-XL, Ban Quản lý dự án Thăng Long cần yêu cầu các nhà thầu khẩn trương bổ sung đầy đủ thiết bị, nhân công, chủ động nguồn vật liệu, tập trung thi công cuốn chiếu nền đường, móng cấp phối đá dăm, CTB để có công địa thi công bê tông nhựa; đẩy nhanh thi công đúc, lắp dải phân cách….", Bộ GTVT yêu cầu.

Bộ GTVT yêu cầu, đối với nhà thầu Cienco6, Ban Quản lý dự án Thăng Long thường xuyên kiểm tra nguồn tài chính. Trường hợp nhà thầu không bố trí đủ nguồn tài chính, có nguy cơ ảnh hưởng tiến độ chung, Ban Quản lý dự án Thăng Long kiên quyết xử lý theo quy định hợp đồng.

Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai tổng kinh phí đầu tư hơn 12.577 tỷ đồng, là một dự án duy nhất trong tổng 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư đồng bộ chuẩn cao tốc với tốc độ khai thác lên đến 120 km/h./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận