Tư duy lệch lạc gắn mác từ thiện
Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội, TikToker Nờ Ô Nô hiện đang là cái tên khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Tranh cãi bắt nguồn từ một video thuộc sê-ri lan tỏa việc tử tế với tên gọi "Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó". Cụ thể trong video, nam TikToker đã tiếp cận và hỏi một bà cụ về món ăn yêu thích, sau đó tìm mua và gửi tặng.
Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu cách dùng từ ngữ của người này khi giao tiếp vô cùng kém duyên, được cho là thể hiện thái độ xấc xược và thiếu tôn trọng người lớn tuổi. Cụ thể, khi gặp bà cụ, anh nói: “Hello bà già nghèo khổ giữa trời đông cô đơn”, "Nghèo mà còn chê đồ ăn nữa", "Giờ hỏi lại có ăn hay không, phở rẻ vậy mà không có tiền mua ăn nữa". Thậm chí trước khi rời đi, nam TikToker này còn để lại lời “chúc” phản cảm: “Chúc bà vượt qua mùa đông cô đơn nghèo khổ”, "Bớt nghèo lại đi nha, không ai giúp hoài đâu”.
Trên thực tế, việc xây dựng nội dung mang tính sáng tạo nhằm thu hút người xem là không sai. Nhưng hành động bất chấp các chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử thông thường lại là điều không thể chấp nhận. Được biết, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đang liên hệ với TikToker Nờ Ô Nô để xử lý vụ việc. Tài khoản TikTok với hơn 600.000 lượt theo của Nờ Ô Nô cũng đã bị khoá vĩnh viễn.
Trước hành động kệch cỡm của nam TikToker nêu trên, một làn sóng tẩy chay đã diễn ra, không chỉ ở bộ phận đông khán giả mà còn ở nhiều nghệ sĩ Việt.
Chia sẻ trên trang cá nhân, người mẫu Lê Thuý khẳng định mình từ chối mua, sử dụng dịch vụ của bất kì thương hiệu, quán ăn nào mời Nờ Ô Nô đánh giá (review), cho đến khi nam TikToker thực sự thay đổi tư duy hay nội dung thu hút rẻ tiền.
Với người mẫu Nhâm Phương Nam, anh cho rằng dù là làm nội dung hay bất cứ lý do gì, thì hành động vô văn hoá của TikToker Nờ Ô Nô là sự sỉ nhục hình ảnh con người Việt: “Những người của thế hệ trước dù không cùng huyết thống, không có công sinh thành dưỡng dục nhưng họ cũng có công góp phần xây dựng môi trường sống cho thế hệ sau, đối với mình đây cũng là một tội bất nhân. Mình tuyên bố sẽ không bước chân tới tất cả quán ăn bạn này được mời đến đánh giá! Mình nuốt không trôi!”.
Vẩn đục môi trường văn hoá và hình ảnh con người Việt Nam
Hiện nay, thị trường giải trí nói chung hay việc sáng tạo nội dung trên các trang mạng xã hội nói riêng như TikTok mang tính cạnh tranh rất cao. Để thu hút người xem, nhà sáng tạo nội dung bắt buộc phải tìm ra nhiều cách thức khác nhau. Bên cạnh những nội dung tích cực và ý nghĩa, vẫn còn tồn tại đâu đó những nội dung bất chấp các nguyên tắc đạo đức xã hội để tăng lượng quan tâm, thu hút người xem. Điều này để lại rất nhiều hệ lụy đối với văn hóa của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc tạo ra các nội dung xấu không phù hợp với đạo đức xã hội chính là một cách làm đi ngược lại với tôn chỉ xây dựng văn hóa lành mạnh tại nước ta.
“Việc TikToker Nờ Ô Nô coi thường những giá trị, chuẩn mực đạo đức, câu kéo sự quan tâm bằng những chiêu trò phản cảm, thể hiện sự coi thường người khác, đặc biệt là những người yếu thế trong xã hội, không đơn giản chỉ khiến dư luận phẫn nộ. Hành động này còn làm vẩn đục môi trường văn hóa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực xây dựng hình ảnh con người, văn hóa Việt Nam. Hơn hết, hành động ấy còn đầu độc tinh thần của mọi người, đặc biệt là giới trẻ, những người đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách đạo đức.
Tôi cho rằng, chúng ta cần có hành động nhanh chóng, dứt khoát, với biện pháp xử lý mang tính răn đe, từ tăng cường nhận thức, luật pháp đến cấm sóng để tạo niềm tin cho công chúng về một xã hội hướng thiện, thượng tôn pháp luật, dù cho sự vi phạm đó có đến từ đâu và với ai” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh./.
CTV Kim Nhung/VOV.VN