Người dân đang dùng nước theo kiểu 'may rủi' về sạch-bẩn?

  • 25/11/2022 03:09:31
  • Phạm Trung Tuyến
  • Xã hội
  • 0

Người dân Hà Nội đang rất khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về chất lượng nước sinh hoạt mà họ đang sử dụng hàng ngày.

 

Điều đáng nói ở đây là Luật tiếp cận thông tin đã có hiệu lực 5 năm nhưng những thông tin cơ bản, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân vẫn bị phớt lờ.

Nói mạng lưới cung cấp, phân phối nước sinh hoạt của Hà Nội là một mê cung, thì hiểu theo nghĩa nào cũng đúng.

Theo nghĩa đen, người dân Hà Nội không thể nào hình dung được chính xác đường đi của nước sạch từ nơi khai thác đến khi họ sử dụng sẽ như thế nào, đi qua những đầu mối nào.

Theo nghĩa bóng, thì ngành nước Hà Nội hiện đang vận hành ra sao, chất lượng có đảm bảo an toàn không, người dân nếu muốn thì cũng không biết phải tìm ở đâu.

Người dân Hà Nội không thể nào hình dung được chính xác đường đi của nước sạch từ nơi khai thác đến khi họ sử dụng sẽ như thế nào.Khi Kênh VOV Giao thông phát sóng loạt bài này, có đồng nghiệp hỏi tôi: Liệu có bao nhiêu người dân thực sự cần biết các thông tin lằng nhằng đó. Họ chỉ cần biết nước họ đang dùng là nước sạch, và nếu có vấn đề gì thì đã có pháp luật.

Ý kiến đó không sai. Bởi trên lý thuyết, các nhà máy sản xuất nước sạch phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn để được cấp phép và giám sát bởi các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực môi trường, y tế, xây dựng… thực sự là không dễ dàng.

Về lý, đương nhiên khi nước sinh hoạt có vấn đề, thì các cơ quan quản lý, giám sát sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế thì khác.

Thực tế, nguồn cấp nước sạch ở Hà Nội được hàng chục đơn vị khai thác, sản xuất. Có đơn vị sản xuất từ nước ngầm, có đơn vị sản xuất từ nước mặt. Nhưng Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội (HAWACO) là đơn vị phân phối đến 90% người dân Hà Nội, thuộc 9 quận nội thành và 5 huyện ngoại thành.

Nghĩa là công ty này vừa sản xuất, vừa mua nước từ các nhà máy khác và phân phối đến người dân và theo lý thì công ty này phải chịu trách nhiệm trực tiếp về chất lượng nước trước khách hàng, cho dù nguồn nước lấy từ bất cứ doanh nghiệp nào.

Tuy nhiên, khi phát biểu trong loạt bài của VOV Giao thông, ông Lê Văn Du – Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết toàn bộ quy trình sử lý sự cố, đảm bảo chất lượng đầu ra đều phụ thuộc vào “sự tự giác” của các nhà máy.

Một đơn vị phân phối nước sạch với nguồn nước từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, rồi phân phối theo mạng vòng, nhưng chất lượng nước lại phụ thuộc vào sự tự giác của các nhà máy. Vậy khi một nhà máy không tự giác thì sao? Thực tế thì đó là một câu hỏi không được trả lời.

Việc công bố chất lượng nước sinh hoạt định kỳ hiện nay được quy định gồm 2 yếu tố: Nội kiểm và Ngoại kiểm. Nội kiểm là nhà máy tự kiểm nghiệm rồi công bố trên website của mình. Ngoại kiểm là kết quả do Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) có trách nhiệm công bố.

Tuy nhiên, thực tế thì người dân không thể tìm thấy nó được công bố ở đâu.

Ngay cả khi phóng viên VOV Giao thông đến tận nơi đề nghị cung cấp thì mấy tháng rồi cũng không có hồi âm. Tìm vào website chính thức của Nhà máy nước Hà Nội, đơn vị trực tiếp bán nước sinh hoạt cho 14 quận huyện, cũng không có bất cứ một thông tin nào và kết quả kiểm nghiệm chất lượng nước.

Nước sinh hoạt là một mặt hàng thiết yếu, đặc biệt quan trọng và có khả năng tác động trực tiếp tới sinh mạng của cư dân đô thị. Nhưng sự mù mờ về thông tin trên thực tế khiến người dân Hà Nội đang phải mua nước, dùng để ăn uống, mà không thể biết nó sạch hay bẩn.

Tôi cho rằng, đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chính quyền thành phố cần lập tức đưa ra một hành động chấn chỉnh./.

Phạm Trung Tuyến/VOV Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận