Đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là tên một Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cách đây 5 năm (2017) với mục tiêu đến hết năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục quyền con người cho người học. Thời gian thực hiện Đề án không còn nhiều nhưng các nội dung cần thực hiện để đạt các mục tiêu đề ra còn khá lớn. Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Chỉ thị nhằm tăng cường thực hiện Đề án trên.
Giáo dục quyền con người nhằm tôn trọng các quyền và tự do của người khác
Theo Đề án của Chính phủ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì về nội dung, tiến độ triển khai, theo dõi, giám sát thực hiện Đề án. Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành lập Ban điều hành Đề án gồm đại diện các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ và một số cơ quan, đơn vị có liên quan, trong đó Trưởng Ban điều hành Đề án là Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Ngày 19/10/2022 vừa qua, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng chủ trì hội nghị toàn quốc về triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng với sự tham gia của các cơ quan trong ban điều hành Đề án, thường trực UBND 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Xuân Thắng một lần nữa nhắc lại quan điểm của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Việc giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức xã hội, giúp ngăn ngừa, hạn chế vi phạm quyền, cung cấp tri thức, trang bị kỹ năng, củng cố niềm tin, giúp mỗi người nhận thức đúng đắn ý nghĩa, giá trị của các quyền, biết tự mình bảo vệ các quyền, tuân thủ pháp luật và biết tôn trọng phẩm giá, các quyền và tự do của người khác.
Việc giáo dục quyền con người trong các trường học cần phải được đẩy mạnh khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa thông qua Nghị quyết về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó nguyên tắc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người là một nội dung xuyên suốt; đồng thời, Việt Nam rất vinh dự và tự hào vừa trúng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ thứ hai (2023 - 2025),
Cũng tại hội nghị này, các đại biểu đề xuất hỗ trợ kinh phí biên soạn tài liệu, giáo trình và tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho giáo viên để thực hiện giáo dục quyền con người; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; sớm có văn bản hướng dẫn đưa nội dung giáo dục quyền con người trong các cơ sở giáo dục...
Không thể coi quyền con người là vấn đề “nhạy cảm”
PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Chúng ta chống các luận điệu xuyên tạc về quyền con người ở Việt Nam đồng thời phải xây dựng ý thức về quyền con người thật vững chắc, làm sao để nó gần gũi với mọi người, mọi nhà. Tất cả các thày giáo, cô giáo phải hiểu về giá trị nhân văn, ý nghĩa thiết thực của nó.
“Tôi lấy ví dụ, một cháu bé học mầm non, khi bố mẹ mua cho tấm áo mới, bố mẹ có hỏi xem con thích màu gì không? Hay vụ việc gần đây nhất là dùng nhục hình ở Vũ Thư - Thái Bình, các vụ bạo lực học đường… liệu có phải là vi phạm quyền con người không? Nhiều khi vi phạm là do không hiểu về quyền con người. Chúng ta không nên coi đó là những vấn đề nhạy cảm. Cứ coi là nhạy cảm thì sẽ còn nhiều hành động vi phạm pháp luật về quyền con người”, PGS.TS Tường Duy Kiên nhấn mạnh.
Với trách nhiệm là cơ quan chủ trì đề án, PGS-TS Tường Duy Kiên cho biết: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng các tài liệu truyền thông, các tài liệu giảng dạy, nhất là giảng dạy đại học, sau đại học về quyền con người. Học viện cũng phối hợp với các cơ quan tổ chức tập huấn cho giảng viên và giáo viên phổ thông. Việc triển khai tập huấn từ năm 2019, gián đoạn trong 2 năm 2020 và 2021 do dịch bệnh và lại tiếp tục được triển khai vào năm 2022.
“Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Quyền con người cũng phối hợp tổ chức tập huấn về quyền con người cho giảng viên các trường Đại học Luật, giảng viên các trường không chuyên luật nhưng có giảng dạy môn luật. Trong năm 2022, chúng tôi đã triển khai 2 khóa tập huấn về quyền con người cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, tổng biên tập các báo ở Ninh Bình và Đà Lạt”, ông Tường Duy Kiên cho hay.
Nói về các lớp tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an, Viện trưởng Viện Quyền con người cho biết: “Đây là những người thường xuyên tiếp xúc với dân, liên quan trực tiếp đến quyền con người. Họ từng học ở Học viện Cảnh sát, Học viện An ninh nhân dân, các cơ sở giáo dục của Bộ công an. Anh em tham gia rất hào hứng, trao đổi sôi nổi. Chúng tôi cũng tập huấn cho điều tra viên, cho cán bộ hỗ trợ tư pháp, cán bộ an ninh… Tới đây, chúng tôi sẽ hoàn thiện tài liệu về quyền con người để đưa vào các trường CAND”.
Với các bộ, ngành khác thì tiến độ triển khai đến đâu? Theo PGS.TS Tường Duy Kiên, hiện nay Bộ Quốc phòng đã nghiệm thu tài liệu về quyền con người để đưa vào giảng dạy trong các trường quân đội, bước đầu đã thí điểm tại Học viện Lục quân… Với kế hoạch rõ ràng, ông Kiên tin tưởng Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chắc chắn sẽ thực hiện được mục tiêu của Chính phủ là đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục tổ chức giáo dục quyền con người cho người học.
Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian qua đã hoàn thiện tài liệu để tập huấn về quyền con người cho cán bộ, giảng viên, giáo viên các cơ sở đào tạo nghề. Bộ Lao động đã tổ chức được một số khóa tập huấn cho giảng viên trường nghề, từ sơ cấp, trung cấp cho đến cao đẳng.
Riêng với Bộ Giáo dục và đào tạo, ông Kiên cho hay, mục tiêu là đưa nội dung quyền con người vào hệ thống giáo dục quốc dân, từ mầm non cho đến đại học. Trong thời gian qua, các mục tiêu đặt ra cơ bản là chậm. Hiện nay đã có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về xây dựng tài liệu hướng dẫn để lồng ghép quyền con người vào giáo dục phổ thông. Bộ cũng có chỉ đạo Vụ Học sinh sinh viên đưa nội dung quyền con người vào sinh hoạt trải nghiệm, ngoại hóa. Bắt đầu triển khai từ năm năm 2022.
“Chúng tôi vẫn mong muốn lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục và có văn bản hướng dẫn. Hướng dẫn của cơ quan quản lý đối với các trường, từ mầm non đến đại học. Giáo trình là do hiệu trưởng nhà trường quyết định. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, từ mầm non đến lớp 12 đều đã lồng ghép nội dung về quyền con người. Tuy nhiên, nó chưa sâu sắc. Cho nên, Bộ Giáo dục dứt khoát phải có hướng dẫn”, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
Muốn bảo đảm quyền con người, hạn chế tối đa những hành vi vi phạm pháp luật về quyền con người, dứt khoát phải đưa giáo dục quyền con người vào các cơ sở giáo dục, càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, đó không phải là những kiến thức cao siêu mà chính là những hành động cụ thể diễn ra hàng ngày, hàng giờ như quyền trẻ em, quyền bảo mật thông tin, quyền riêng tư, quyền làm việc, quyền được bảo vệ sức khỏe; quyền học tập, quyền hưởng thụ văn hoá… cho đến quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý nhà nước, xã hội; quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo../.
Giáng Hương/VOV.VN