Chuyển giao công nghệ trong ngành dược gần như không có, chỉ gia công trong nước

Thông tin được đưa ra tại hội thảo Thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong ngành công nghiệp dược tại Việt Nam.

 

Hội thảo này do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Y tế tổ chức ngày 23/11 tại Hà Nội.

Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 228 đơn vị sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; Trong số 25.000 loại thuốc đang được cấp phép lưu hành trong toàn quốc do đơn vị trong nước sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ không cao, chữa các bệnh lý thông thường, bệnh lý thể nhẹ.

“Ngoài ra, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập khẩu. Chuyển giao công nghệ trong công nghiệp dược gần như không có; gia công cho nước ngoài rất ít ỏi và hiện chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp trong nước. Nguyên do là các điều kiện pháp lý hiện nay chưa rõ ràng, vì thế chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi luật về công nghiệp dược”, ông Tạ Mạnh Hùng cho hay.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế chia sẻ ý kiến tại hội thảo sáng 23/11.

Theo giới chuyên gia, thời gian qua, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc diễn ra nhiều nơi. Điều này đòi hỏi phải cơ cấu lại nền công nghiệp dược, làm sao để sản xuất trong nước vững chắc và mạnh mẽ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.

Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030-2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020.

90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước hiện nay vẫn phải nhập khẩu.

Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.

“Định hướng chương trình 376 cũng nêu rõ, giai đoạn 2030-2045 phải đạt việc người dân Việt Nam được dùng thuốc tốt do Việt Nam sản xuất và hướng đến cả xuất khẩu. Mục tiêu đến năm 2045, tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD”, ông Tạ Mạnh Hùng nói.

Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới. Tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2015, tăng lên 5,1 tỷ USD năm 2018 và năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD. Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành công nghiệp dược Việt Nam ở cấp độ 3 (cấp có ngành công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số dược phẩm)./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận