Trước đó, đã xảy ra không ít các vụ việc tương tự, ngay tại đô thị lớn, khiến dư luận bất an.Vậy, những kẽ hở nào trong giám sát kiểm tra đang khiến bữa ăn học đường đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro an toàn thực phẩm?
Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Chuyên gia Công nghệ sinh học và Thực phẩm về nội dung này.
PV: Thưa ông, từ vụ ngộ độc thực phẩm ở trường Ischool Nha Trang cho thấy những vấn đề gì trong khâu kiểm tra, giám sát chất lượng?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Đó là một vụ ngộ độc tập thể, đã có trường hợp tử vong. Tôi cho rằng, có khả năng gây ngộ độc lớn như vậy có thể do dùng nguyên liệu đã nhiễm chất độc ở mức độ mạnh, hoặc bị nhiễm độc vi sinh vật trong quá trình bảo quản thực phẩm.
Trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị nhận thầu bếp ăn đã không kiểm tra chặt chẽ nguồn thực phẩm đi vào và quá trình bảo quản không tốt, rồi đến những người thao tác trong quá trình nấu ăn.
Tiếp đó là trách nhiệm của đơn vị quản lý trường học và cơ quan quản lý là Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP Nha Trang đã nơi lỏng trong việc kiểm tra, xử phạt.
Đối với an toàn thực phẩm, quan trọng là ngăn chặn chứ không phải là xử lý; phòng phải hơn chống, không để nó xảy ra.
PV: Vậy, theo ông, đâu là những khó khăn, bất cập trong quy định hiện nay nhằm kiểm soát chất lượng bữa ăn học đường?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Trước đây, các trường bán trú có đội ngũ nấu ăn trong trường và nhà trường tự kiểm tra nhưng bây giờ thị trường thì đấu thầu hết nên ở nhà trường chỉ có một bộ phận quản lý tức là đặt hàng số lượng, giá cả suất ăn chứ không có bộ phận nấu ăn nên khó kiểm soát được.
Vấn đề ở đây là nhà trường phải có đủ năng lực để có bộ phận phân tích và kiểm tra thức ăn trước khi các cháu ăn.
Nếu không có phải liên hệ với cơ quan chức năng để bộ phận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đến kiểm tra thường xuyên, hoặc đến kiểm tra nơi đặt hàng xem trình độ quản lý, khả năng gây độc ra sao để ngăn chặn trước; đảm bảo địa chỉ mua hàng và khâu bảo quản thực phẩm được tốt để không sinh ra nhiễm độc.
PV: Để tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú, theo ông cần làm gì?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh: Ở đây có trách nhiệm của hội đồng phụ huynh trong nhà trường phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên. Phụ huynh phải tham gia giám sát giá trị dinh dưỡng bữa ăn hàng ngày và quan trọng hơn là an toàn thực phẩm. Phụ huynh hoàn toàn có thể nhìn ra được những điều kiện để thực hiện bữa ăn cho con em mình.
Thứ hai là cơ quan chức năng phải có trách nhiệm pháp lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra đồng thời có hướng dẫn, tiến hành kiểm tra các cơ sở cung cấp bữa ăn, nếu không đạt thì kiến nghị đóng cửa, không ký hợp đồng nữa thì họ sẽ thực hiện nghiêm chỉnh.
PV: Xin cảm ơn ông!
Cũng liên quan đến quy định kiểm soát bữa ăn học được, nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay quy trình giao nhận thực phẩm đối với các trường bán trú được thực hiện gồm: kế toán, thủ kho, bếp trưởng, đại diện ban giám hiệu, đại diện giáo viên, đại diện phụ huynh tham gia giám sát.
Trong số đó, chỉ có đại diện phụ huynh là bên đứng về quyền lợi trực tiếp của học sinh, đây là rủi ro rất lớn./.
Nguyễn Yên/VOV-Giao thông