Hiệu quả của một mô hình

"Đoạn đường ông, cháu cùng chăm" là mô hình 20 năm qua đã chứng minh được hiệu quả và đang được nhân rộng.

 

Đưa cho tôi xem bản báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Mô hình “Đoạn đường ông, cháu cùng chăm”, anh Phan Chiến, nhân viên chạy tàu Ga Đồng Hà và là người khởi xướng Mô hình “Đoạn đường ông, cháu cùng chăm” cho biết: Công ty cổ phần đường sắt Bình Trị Thiên được Tổng Cty đường sắt Việt nam giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia có chiều dài 176,7 km (từ km 579+500 đến km756+ 200), đi qua 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế với 02 thành phố, 03 thị xã và 22 xã, phường, thị trấn. Địa bàn trải dài qua nhiều vùng dân cư, mật độ các đường ngang, đường dân sinh, lối đi tự mở nhiều và nằm song song sát đường quốc lộ- đây là nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn chạy tàu. Ngoài ra, tình hình đảm bảo an ninh trật tự, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt trên tuyến vẫn còn nhiều phức tạp.

Mô hình chăm sóc bảo vệ đường sắt đã 20 năm chứng minh được hiệu quả

Để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, chính phủ đã ban hành các Chỉ thị, Nghị quyết về bảo vệ đường sắt và an toàn chạy tàu, TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai phát động nhiều phong trào như: “em yêu đường sắt quê em”, “thanh thiếu niên tham gia bảo vệ đường sắt” và Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng đã tích cực trong công tác tuyên truyền về an toàn GTĐS, tuy nhiên vẫn còn nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng làm thiệt hại không nhỏ đến kinh tế và tính mạng con người.

Chỉ tính riêng trên địa bàn thành phố Đông Hà- nơi có tuyến đường sắt Hà Nội- TP Hồ Chí Minh đi qua đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 11 người chết và 3 người bị thương. Nguyên nhân gây ra tại nạn là do người tham gia giao thông chủ quan, không hiểu luật giao thông đường sắt, tự động mở đường ngang, lối tắt cũng như tình trạng chăn thả gia súc trên đường tàu và những hành vi lấy cắp vật tư, linh kiện trên đường sắt; rồi tình trạng ném đất, đá lên tàu, tự động bắt tàu dừng để đưa hàng hóa lên…

Để góp phần hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, xóa các lối đi tự mở, chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt và các hiện tượng trộm cắp tài sản, ném đất đá lên các đoàn tàu, Chi đoàn thanh niên Đội quản lý đường sắt 3, thuộc ĐTN Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên đã phối hợp với Hội cựu chiến binh phường I, Hội CCB khu phố 3; Tây Trì và Trường tiểu học Sông Hiếu, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về phong trào bảo vệ an toàn cho đoạn đường sắt đi qua địa bàn. Và ngày 19 tháng 11 năm 2002, trước sự chứng kiến của các đồng chí bí thư Tỉnh đoàn Quảng Trị; trưởng Ban Phong trào Đoàn TN đường sắt Việt Nam và đại diện Trường Tiểu học Sông Hiếu, Hội CCB Phường I, Đoàn TN công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên… Liên chi đoàn Đội quản lý Đường sắt 3, Liên đội Thiếu niên Tiền phong trường tiểu học Sông Hiếu, Hội CCB khu phố Tây Trì, Đoàn TNCSHCM phường I Thành phố Đông Hà đã tổ chức Lễ ký kết giao ước chương trình hành động bảo vệ đường sắt với Mô hình tự quản là: "ĐOẠN ĐƯỜNG ÔNG, CHÁU CÙNG CHĂM".

Cùng nhau dọn vệ sinh đường sắt

Đến nay, sau 20 năm ra đời và đi vào hoạt động, mô hình “Đoạn đường ông, cháu cùng chăm” đã thực sự phát huy hiệu quả. Bởi ngoài việc góp phần hạn chế tai nạn giao thông đường sắt, mô hình này còn giúp cho người dân hiểu biết và nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, nhất là việc chấp hành luật giao thông đường sắt. Từ kết quả này, mô hình “Đoạn đường ông, cháu cùng chăm” đã được Hội Cựu chiến binh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Đông Hà nhân rộng trong toàn thành phố, nhằm tiếp tục tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong nhân dân nâng cao nhận thức về phong trào bảo vệ giao thông đường sắt và an toàn chạy tàu để hạn chế và đi đến chấm dứt tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục về an toàn giao thông đường sắt, hàng năm các thành viên tham gia mô hình tự quản ''Đoạn đường ông, cháu cùng chăm'' đã phối hợp, tập trung vào một số nội dung hoạt động, như: Quán triệt công tác giáo dục ATGT nói chung và bảo vệ đoạn đường sắt tự quản nói riêng trong toàn thể cán bộ đoàn viên, hội viên, giáo viên, học sinh và xem đây là một hoạt động thi đua của từng khối. Đặc biệt là đối với trường học, phải thực hiện tốt kế hoạch giảng dạy luật ATGT cho học sinh theo Qui định của bộ GD&ĐT và tổ chức cho học sinh tích cực hưởng ứng phong trào thi tìm hiểu về ATGT nói chung và ATGT đường sắt nói riêng. Thường xuyên nhắc nhở học sinh, hội viên, đoàn viên và người dân sinh sống dọc hai bên đường sắt, người tham gia giao thông về trách nhiệm thực hiện tốt luật giao thông và bảo vệ đường sắt ngang qua địa bàn. Đồng thời thường xuyên tổ chức cho các em học sinh khối 4, 5 cùng với các cụ CCB, Đoàn viên đoàn TN Đường sắt ra quân tổng vệ sinh, nhặt rác trên đường tàu và vận động nhân dân xoá bỏ những đường mòn dân sinh ngang qua đường sắt, tháo dỡ lều quán, phát quang những cây cối che khuất tầm nhìn và hàng rào vi phạm hành lang ATGT đường sắt…

Dọn vệ sinh đường sắt là công việc làm thường xuyên của nhiều lực lượng

Với những cách làm trên, trong suốt 20 năm qua, trên “Đoạn đường ông, cháu cùng chăm” không còn xảy ra tai nạn giao thông đường sắt do tàu đâm, va người. Không còn hiện tượng ném đất đá lên tàu, cũng như không còn tình trạng lấy cắp vật tư, vật liệu trên đường sắt. Không còn đường ngang, lối tắt tự mở cũng như tình trạng chăn thả gia súc trên đường tàu. Ý thức tham gia giao thông của người dân được nâng cao, đặc biệt là việc tự giác giữ gìn bảo vệ đường sắt của nhân dân được nâng lên rõ rệt, nên không còn hiện tượng cố tình vứt rác, phóng uế trên đường sắt. Cũng vì vậy mà cảnh quan môi trường đường sắt qua địa bàn trên được cải thiện.

Từ kết quả này, mô hình “Đoạn đường ông, cháu cùng chăm” đã thu hút được nhiều tập thể và cá nhân tự nguyện phối hợp tham gia và đang được  Trung ương Hội CCB Việt Nam, Hội đồng Đội Trung ương lấy làm điểm để nhân rộng trên toàn quốc- đây chính là hiệu quả của một mô hình./.

Phan Sáu

 

Bình luận

    Chưa có bình luận