Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất UBND TP cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp ở một số quận như Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng trong 12 tháng, với 1.000 xe trong giai đoạn đầu.
Theo phương án đề xuất, giai đoạn 1, doanh nghiệp sẽ triển khai 1000 xe, bao gồm 500 xe đạp điện, 500 xe đạp thường, bố trí ở 94 vị trí đặt xe. Trong đó, hơn 70% các vị trí điểm đặt xe được bố trí ở gần các nhà ga, bến xe bus, trường học, khu dân cư.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc dự án xe đạp công cộng thuộc Công ty cổ phần tập đoàn Trí Nam cho biết: "Mục đích là xây dựng xe đạp công cộng của Hà Nội, sẽ tập trung xây dựng hệ thống phụ trợ cho giao thông công cộng của thành phố. Hiện nay, thành phố xe bus rất nhiều, metro rất nhiều nhưng người dân đi bộ 500-1000m xa quá, đi xe ôm đắt, đi bộ ngại. Giải pháp của bên mình là giải quyết vấn đề cấp thiết đó".
Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho biết, hiện đơn vị đã nhập khẩu một lượng xe đạp chuẩn bị sẵn các kho bãi và nguồn nhân lực vận hành. Ngay sau khi có sự đồng ý của UBND thành phố Hà Nội, đơn vị sẵn sàng triển khai trong thời gian sớm nhất.
Đến thời điểm đưa ra đề xuất triển khai dịch vụ xe đạp công cộng cho thuê, Hà Nội chưa công bố thông tin cụ thể về kế hoạch chuẩn bị hạ tầng và các điều kiện khác cho phương tiện xe đạp nói chung và xe đạp công cộng nói riêng
Anh Nguyễn Đức An, chủ nhiệm CLB Xe đạp hồ Tây cho rằng, Hà Nội có nhiều thuận lợi khi triển khai cho thuê xe đạp công cộng vì hiện có rất nhiều người đi xe đạp và xe đạp không quá tốn nhiều diện tích như xe máy hoặc ô tô.
Với mức giá cho thuê xe do doanh nghiệp đề xuất, anh An cho rằng: "Khoảng cách từ 3-5km hoặc thấp hơn. Nếu 5.000-10.000 cũng không phải là cao, nói chung vừa, hợp lý. Bởi vì so với mức mặt bằng thuê xe tại các khu vực vui chơi giải trí gần hồ Tây thì giá là rẻ đấy".
Theo ông Đinh Đăng Hải, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe của Canada tại Việt Nam, để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp công cộng, ngoài việc chuẩn bị về phương tiện, cần chuẩn bị hạ tầng dành cho phương tiện:
"Hạ tầng cho đi bộ, đi xe đạp trong bán kính 500m của một nhà ga là rất quan trọng. Ví dụ như làn đường cho xe đạp hoặc đèn tín hiệu dành cho xe đạp hoặc các nút giao, các lối qua đường không đảm bảo an toàn và hấp dẫn, mọi người sẽ từ chối dịch vụ này và mong muốn hỗ trợ giao thông công cộng sẽ không đạt được. Các thành phố chắc chắn phải có kế hoạch về hạ tầng", ông Hải cho biết.
Ông Hải cho rằng, tại các nhà ga, điểm tiếp cận xe bus, tàu điện ngầm cần có những nghiên cứu tính toán về phạm vi hoạt động của xe đạp và các thành phố cần có kế hoạch nâng cao chất lượng hạ tầng cho loại hình phương tiện này.
KTS Trần Huy Ánh, chuyên gia giao thông đô thị, cho rằng việc học tập kinh nghiệm quốc tế về cho thuê xe đạp công cộng là xu hướng tốt, nhưng Hà Nội cần vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với điều kiện của Hà Nội, nếu không sẽ khó đem lại hiệu quả.
"Hạ tầng không có, nguy hiểm trực chờ, bản chất không đủ điều kiện tối thiểu để hoạt động và cuối cùng xe đạp công cộng trở thành cái rác chiếm không gian thành phố thêm thôi. Hà Nội phải tính tới không chỉ hệ thống để xe ở các bến xe bus, mà cả hệ thống thu gom xe lại, hỏng hóc sửa chữa", ông Ánh cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, với mạng lưới xe bus rộng khắp và tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông, việc thí điểm cho xe đạp công cộng là phù hợp nhưng Hà Nội cần xây dựng kế hoạch cụ thể về mạng lưới các điểm cho thuê xe, kế hoạch phát triển hạ tầng cho loại hình phương tiện này./.
Hải Hà/VOV-Giao thông