Vấn đề nhà ở xã hội là một trong những nội dung trọng tâm được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra. Ông Nguyễn Hữu Thông, đại biểu Quốc hội đoàn Bình Thuận cho biết, có một thực tế không thể phủ nhận, đó là các khu công nghiệp mọc lên rất nhiều, nhưng khâu quản lý về quy hoạch nhà ở cho công nhân, người lao động hầu như chưa được quan tâm đúng mức. Các chương trình phát triển nhà ở cho công nhân không đạt được kết quả như mong muốn.
Hiện tại, phần lớn các công nhân được xem là một trong những lực lượng chính tạo nên của cải, vật chất cho xã hội phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư khá xập xệ và không ít gia đình có 4 người, vợ chồng, con cái sống trong những ngôi nhà chưa đầy 10m2, bao gồm cả nhà vệ sinh. Thậm chí, họ không dám mua tủ lạnh, máy giặt vì không có chỗ để.
Trao đổi với VOV.VN về nội dung này, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, để phát triển nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, hiện có quy định dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là chủ trương rất lý tưởng. Thứ nhất, bảo đảm có quỹ đất, quỹ nhà, quỹ bất động sản cho người lao động, thu nhập thấp cũng như hài hoà yếu tố xã hội khi người lao động, thu nhập có thể sống chung với người thu nhập cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này rất khó trở thành hiện thực vì cơ chế, chính sách đang tạo ra khoảng cách khiến người lao động, thu nhập thấp chưa thể tiếp cận quỹ đất này.
GS.TS Hoàng Văn Cường đặt vấn đề, liệu trong khu đô thị có giá trị rất cao thì có nhà giá trị rất thấp không và người lao động, thu nhập thấp thì có thể trang trải, thích nghi được với điều kiện, dịch vụ tại khu vực dành cho người thu nhập cao không. Hay nếu có giao nhà thì lập tức họ có thể bán cho người khác, thậm chí người có thu nhập cao để ở?
Như vậy, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, quy định dành quỹ đất cho người lao động, thu nhập là lý tưởng nhưng quan điểm tiếp cận chưa phù hợp. Thay vào đó, quy hoạch phát triển đô thị, nhà ở cần dành tối thiểu 20% quỹ đất cho người lao động, thu nhập thấp, nhưng không phải lồng ghép trong khu nhà ở thương mại. Và dù không nằm trong trung tâm phát triển, trung tâm thương mại, quỹ đất dành cho người lao động, thu nhập thấp vẫn cần quy hoạch nằm ở gần khu trung tâm, với vị trí không khó di chuyển vì người lao động, thu nhập thấp ít có điều kiện đi lại, cần ở gần nơi làm việc.
Đơn cử như tại Hà Nội, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, ngay quanh khu vực trung tâm như bên kia đê sông Hồng đều có thể quy hoạch để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nếu làm được điều này sẽ đồng bộ được hệ thống hạ tầng giữa các khu đô thị, phân bổ được loại nhà phù hợp với các đối tượng. Tóm lại, không thể không bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân nhưng phải phù hợp thì mới giải quyết được vấn đề, và người lao động thu nhập thấp có thể tiếp cận được quỹ đất này.
Còn theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp, việc quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là cần thiết, thể hiện sự quan tâm đến người lao động, thu nhập thấp. Song, rõ ràng thời gian qua việc mua và thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân rất khó khăn. Có thể số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu, và cũng có thể các thủ tục quy trình để cho người lao động, thu nhập thấp tiếp cận loại hình nhà ở này còn khó khăn. Vậy, làm sao để chính sách nhà ở dành cho người lao động, thu nhập thấp đi vào thực tế, thiết thực phục vụ nhu cầu của người dân là yêu cầu đặt ra với cơ quan chức năng./.
Nguyễn Trang/VOV.VN