Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tại TP.HCM có trên 2.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc, chủ yếu là bác sĩ và điều dưỡng, trong đó tỉ lệ điều dưỡng nghỉ việc tại các bệnh viện công lập ở TP.HCM khá cao, dẫn đến số lượng điều dưỡng ngày càng mỏng tại các khoa, phòng. Đặc biệt tại các khu vực đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, lực lượng này càng khó tìm. Nguyên nhân một phần vì áp lực công việc, nhưng hầu hết là do thu nhập của điều dưỡng quá thấp so với tính chất và yêu cầu công việc.
Thu nhập thấp, khó giữ chân điều dưỡng
Tại Bệnh viện Quận 11, trong 9 tháng năm 2022, có 26 điều dưỡng làm việc tại các khoa lâm sàng xin nghỉ việc, là những người độ tuổi từ 21-39 tuổi. Trước tình hình thiếu điều dưỡng do nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, Bệnh viện Quận 11 có kế hoạch tuyển dụng để bù đắp vào số nhân lực thiếu hụt.
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Thu Vân - Phó Giám đốc Bệnh viện Quận 11 cho biết, bệnh viện ưu tiên tuyển dụng nhân sự trình độ đại học, cao đẳng, cân đối tỉ lệ điều dưỡng và bác sĩ theo quy định. Tuy nhiên, dù bệnh viện đăng tuyển điều dưỡng liên tục nhưng vẫn có rất ít người dự tuyển. Khi nhận được hồ sơ nào, bệnh viện sẽ xét luôn, thậm chí ai đáp ứng điều kiện phù hợp là nhận và giao việc ngay, song số điều dưỡng viên vẫn rất ít ỏi.
“Có một số điều dưỡng thử việc trong thời gian ngắn đã xin nghỉ vì áp lực công việc nhiều, nhưng thu nhập lại không cao, đặc biệt là những điều dưỡng có tay nghề”- BS Nguyễn Thị Thu Vân chia sẻ.
Trước thực trạng thiếu hụt nhân lực điều dưỡng, trước mắt, Bệnh viện Quận 11 đã thực hiện điều phối nhân sự từ các khoa, phòng qua các khoa lâm sàng đang thiếu điều dưỡng, tăng số lượng trực đêm để bù vào những vị trí còn thiếu.
Hiện nay, hầu hết các bệnh viện được giao tự chủ tài chính, nhưng các chính sách cơ cấu tài chính còn nhiều ràng buộc. Vậy nên, dù rất muốn tăng thu nhập cho nhân viên y tế, nhưng bệnh viện không thể thực hiện.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức cho biết, bệnh viện đang gặp khó trong việc giữ chân các điều dưỡng do chế độ lương, phụ cấp cho đối tượng này chưa tương xứng. Hiện mức thu nhập trung bình của các điều dưỡng ở đây từ 7-8 triệu đồng/tháng. Chỉ có vài điều dưỡng công tác lâu năm (khoảng gần 20 năm), trực ca rất nhiều cũng chỉ có 12-13 triệu đồng/tháng. Còn với sinh viên mới ra trường, tổng thu nhập mỗi tháng chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng.
Trong khi đó, giá dịch vụ cho người có thẻ bảo hiểm y tế còn thấp, chưa tính đủ các yếu tố cấu thành, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị không cao. Điều này khiến nhiều nhân viên y tế xin nghỉ, hoặc bỏ việc để tìm việc làm mới, thu nhập cao hơn.
“Hiện nay đa số bệnh viện được giao tự chủ về tài chính, nhưng giá viện phí thì chưa tính đúng tính đủ. Trong khi đầu tư cho đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin… cũng tốn kém, tính bằng tiền”- BS Trần Văn Khanh cho biết.
Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngọc Yến cho biết, tại Khoa Hồi sức Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy, không chỉ thu nhập chưa tương xứng với áp lực công việc, sức lao động, mà với tỉ lệ 1 điều dưỡng chăm sóc toàn diện cho 4-6 bệnh nhân khiến họ quá tải, không còn thời gian học tập, nghiên cứu khoa học, nâng cao chuyên môn, đó là một thiệt thòi rất lớn.
“Để dành thời gian học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, thì họ lại quá mệt mỏi để cố gắng. Nếu được thì phân công công việc cho điều dưỡng, sắp xếp về nhân lực về thời gian để làm sao người điều dưỡng phục hồi sức khỏe và có đủ thời gian để họ phát triển bản thân, phát triển nghề nghiệp” - Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Ngọc Yến cho biết.
“Có thực mới vực được đạo”
Theo Sở Y tế TP.HCM, trước tình trạng nhiều điều dưỡng nghỉ việc, từ đầu năm 2022 đến nay, các đơn vị trực thuộc Sở đã tuyển dụng được 702 người để bổ sung, nhưng vẫn thấp hơn năm 2021 là 218 người. Hiện tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ tại các bệnh viện công lập tại TP.HCM là 1,86/1 (theo quy định phải là 3/1). Trong đó, có đến hơn 50% tổng số khoa lâm sàng của các bệnh viện có tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ dưới 2/1.
Tương lai còn đáng lo ngại hơn khi tỷ lệ thí sinh nộp đơn học điều dưỡng sụt giảm nghiêm trọng. Đơn cử, tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), nếu như năm 2021 có 2.300 người nộp đơn đăng ký học điều dưỡng, thì năm 2022 đã giảm tới 66%, chỉ còn 781 người. Tình hình này đang phổ biến tại các trường có đào tạo chuyên ngành điều dưỡng.
Theo bà Trần Thị Châu - Phó Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điều dưỡng TP.HCM, cần có chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành điều dưỡng để thu hút người học; hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao năng lực, tay nghề của điều dưỡng đang công tác tại bệnh viện. Đồng thời các bệnh viện phải đặt hàng cho các trường tuyển sinh và đào tạo các nhóm nghề phù hợp với nhu cầu thực tế.
Trước tình trạng thiếu điều dưỡng tại các bệnh viện TP.HCM, tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP mới đây, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề nghị có thêm trợ lý điều dưỡng. Những người này được đào tạo ngắn hạn trong 3 tháng để giảm bớt áp lực cho điều dưỡng.
“Trợ lý điều dưỡng giúp người bệnh trong việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh drap, chiếu, giường bệnh; hỗ trợ ăn uống, di chuyển trong khuôn viên bệnh viện, đi làm các xét nghiệm” - ông Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM lo lắng, tình hình thiếu hụt điều dưỡng có khả năng trở thành một thách thức mới, kéo dài, vì các bệnh viện đang gặp khó khăn trong tuyển dụng điều dưỡng để bù đắp số người đã nghỉ việc, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc người bệnh.
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP có văn bản đề xuất Bộ Y tế gia hạn thời gian cho phép tuyển dụng điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp đến ngày 1/1/2026, và gia hạn thời gian chuẩn hóa trình độ cao đẳng đối với những trường hợp đã được tuyển dụng trình độ trung cấp đến ngày 31/12/2030. Đồng thời cho phép các trường thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tiếp tục đào tạo điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y trình độ trung cấp để làm những công việc không đòi hỏi chuyên môn cao.
Ngành y tế TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP hỗ trợ 209 tỷ đồng từ ngân sách để các bệnh viện chi thu nhập tăng thêm trong năm 2022; mở rộng đối tượng hưởng thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết 03 của HĐND Thành phố năm 2018, gồm tất cả viên chức, người lao động trong chỉ tiêu biên chế được giao và theo đề án vị trí việc làm. Ước tính số tiền ngân sách cấp bổ sung năm 2022 để thực hiện là 305 tỷ đồng./.
Kim Dung/VOV-TPHCM