Nông dân TP.HCM tiếp cận kiến thức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Hàn Quốc

  • 27/10/2022 08:17:37
  • Nguyễn Quang
  • Xã hội
  • 0

14 dự án Saemaul thí điểm đã được triển khai tại tại 14 làng/xã thuộc 8 tỉnh, thành.

 

Sáng ngày 26/10, Trung tâm phát triển nông thôn Saemuaul Undong thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; Quỹ Saemaul – Hàn Quốc tiếp tục trang bị thêm nhiều kiến thức cho nông dân, công nhân và một số doanh nghiệp tại TP trước khi tiếp nhận những dự án mới trong lĩnh vực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản....

Tình nguyện viên Hàn Quốc giao lưu với nông dân xã Tân Hội Trung, Đồng Tháp trong toà nhà hợp tác xã do Quỹ Saemaul – Hàn Quốc xây dựng.

Theo ông Park Hyunseo, Trợ lý Trưởng phòng Dự án, Quỹ Saemaul – Hàn Quốc: Khác với những tỉnh thành đã từng được hỗ trợ dự án phát triển nông thôn mới trong 7 năm qua, TP.HCM có nhiều khác biệt. Do đó, Trung tâm phát triển nông thôn Saemuaul Undong đang tập trung trang bị thêm kiến thức cho nguồn nhân lực tại đây để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới phù hợp môi trường đô thị. Trước mắt người nông dân, công nhân, doanh nghiệp tại thành phố được trang bị kỹ năng, kiến thức làm chủ phương pháp sản xuất, cải thiện điều kiện kinh tế. Sau đó, Dự án thí điểm nông thôn mới Saemaul tại Việt Nam tập trung xây dựng và vận hành mô hình HTX Saemaul cùng nông trại Saemaul tại từng làng, xã; phát triển mỗi làng, xã có ít nhất một mặt hàng nông sản đặc trưng. Các hoạt động này phù hợp với nội dung mục tiêu của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà Chính phủ Việt Nam đang triển khai trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Nông dân TP.HCM tiếp cận kiến thức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu Hàn Quốc chuẩn bị tiếp cận những dự án mới.

Ông Kwak Busung, Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ Saemaul – Hàn Quốc tại Việt Nam (SGF) cho biết thời gian tới, dự án sẽ phát triển thêm mô hình tổ chức nông dân kiểu mới đáp ứng theo thời đại công nghiệp 4.0. Từ đó có thể nâng cao giá trị gia tăng và tạo chuỗi giá trị thông qua việc mở rộng mạng lưới phân phối tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Tại Việt Nam đang triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP phát triển nông mới. Chúng tôi đã nỗ lực làm việc, hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sớm thành lập một trung tâm giao dịch để có thể đẩy mạnh giao thương hàng hóa nông sản giữa hai nước, nhất là hàng hóa Việt Nam xuất sang Hàn Quốc được thuận lợi hơn, Ông Kwak Busung cho biết thêm.

Nông dân có văn phòng hợp tác xã và nhà văn hoá để làm việc và làm công tác xã hội tại làng thí điểm Saemaul Tiền Tiến, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên

Nông trại gồm trạm phát điện, nhà kính trồng dưa lưới nhà kho hệ thống sấy ở thôn Tân Lập 2, Ninh Sơn, Ninh Thuận được Quỹ Saemaul hỗ trợ.

Đến nay, 14 dự án Saemaul thí điểm đã được triển khai tại tại 14 làng/xã thuộc 8 tỉnh, thành là Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp. Quỹ Saemaul thực hiện các dự án thí điểm của mình theo 4 thành phần: tư vấn nâng cao năng lực quản trị địa phương, đào tạo – tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, cải thiện điều kiện, môi trường sống và gia tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Với sự tạo điều kiện của Chính phủ Việt Nam, 5 năm qua, tổng số tiền Quỹ Saemaul đầu tư vào các ngôi làng Saemaul thí điểm đã vượt hơn 10 triệu USD./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận