Nguy cơ cúm gia cầm lây sang người luôn thường trực
Mới đây, nước ta ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm gia cầm do virus cúm A/H5 gây ra. Bệnh nhân là bé gái 5 tuổi ở tỉnh Phú Thọ, là ca bệnh cúm gia cầm trên người đầu tiên tại nước ta kể từ năm 2014.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, tại nước ta, hàng năm, cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác tại các địa phương. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là trên 77.000 con gia cầm. Khi dịch cúm vẫn xảy ra trên đàn gia cầm thì nguy cơ lây sang người là rất lớn. Chính vì vậy trường hợp bệnh nhi mắc cúm chủng A/H5 không phải là điều bất ngờ.
Hiện nay nhiều người, kể cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều đã biết cúm gia cầm là bệnh lây truyền nguy hiểm từ động vật sang người, nhất là các chủng virus cúm A/H5, A/H7. Tuy nhiên, việc phòng bệnh thì vẫn có nơi, có lúc người dân vẫn chủ quan, lơ là. “Việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở nhiều nơi đã thực hiện tốt như tiêm phòng, tổng tẩy uế môi trường, giám sát dịch bệnh, quản lý vận chuyển lưu thông. Hiện, dịch bệnh chủ yếu chỉ xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không ào ạt thành dịch lớn. Mặt khác, có thể một số người mắc bệnh cúm gia cầm nhưng triệu chứng chỉ giống như cảm cúm thông thường nên người dân cũng chủ quan, coi nhẹ.” - vị chuyên gia về chăn nuôi phân tích.
Về nguyên nhân khiến dịch cúm luôn luôn là mối nguy thường trực, đe dọa đàn gia cầm ở nước ta, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, hằng năm, tổ chức FAO, CDC, Cục Thú y vẫn lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành virus cúm gia cầm tại các chợ kinh doanh gia cầm của một số tỉnh thành trên cả nước. Kết quả cho thấy, virus cúm gia cầm vẫn lưu hành và gây bệnh trên đàn gia cầm.
Các chủng virus gây bệnh cúm cho gia cầm cũng có sự biến đổi trong trong khi độ bảo hộ chéo giữa các type virus vaccine và các virus thực địa chưa thể đánh giá được ngay. Mặc dù số lượng đàn gia cầm ở nước ta rất lớn song quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ nên việc phòng dịch tại các hộ gia đình chưa thực sự nghiêm ngặt và chặt chẽ. Đồng thời, việc vận chuyển gia cầm sống giữa các địa phương, việc tiêu thụ, giết mổ gia cầm nhất là tại các chợ cóc, chợ tạm… rất khó kiểm soát.
Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, hoạt động vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ gia cầm, sản phẩn gia cầm sẽ tăng cao. Đồng thời, hiện nay thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển. Dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận ở nhiều địa phương, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.
Theo thông tin của Bộ Y tế, trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10-2022, tổng số người nhiễm virus cúm gia cầm A/H5 tại Việt Nam là 128 trường hợp, trong đó có 64 trường hợp tử vong do virus cúm gia cầm A/H5N1 (chiếm tỉ lệ 50%)
Theo thông tin từ Cục Thú y, những năm gần đây chủng virus cúm gia cầm đang lưu hành tại nước ta chủ yếu là A/H5N6, A/H5N1. Con đường lây truyền virus là tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp qua vật chủ trung gian. “Virus có thể lây truyền từ trại chăn nuôi này này sang trại chăn nuôi khác bằng các cơ chế cơ học như qua các phương tiện vận chuyển, quần áo, giày dép, qua không khí, nước uống... Đồng thời, virus có thể lây từ gia cầm sang người khi tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và sản phẩm của gia cầm bệnh chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.” – ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.
Giải pháp nào ngăn chặn cúm gia cầm bùng phát và lây sang người?
Để phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm trong thời gian tới, nhất là các chủng virus cúm có độc lực cao như cúm A/H5, ông Nguyễn Ngọc Sơn khuyến cáo hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng vaccine cho đàn gia cầm; chủ động khai báo khi vật nuôi chết bất thường; không bán chạy, không giấu dịch, không giết mổ vật nuôi mắc bệnh, không vứt xác vật nuôi chết ra ngoài môi trường. Đồng thời nên áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Trong trường hợp có gia cầm ốm chết hoặc nghi mắc cúm thì hộ chăn nuôi nên khai báo cho chính quyền địa phương, cán bộ thú y cơ sở, trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương để trong trường hợp đàn gia cầm mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy sẽ được hỗ trợ thiệt hại theo chính sách hiện hành.
Thời gian tới, nguy cơ dịch cúm bùng phát trên đàn gia cầm và lây sang người là rất cao.
Người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm là những trường hợp có nguy cơ cao lây nhiễm cúm từ gia cầm. Để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm từ gia cầm sang người, mọi người nên thực hiện các biện pháp sau:
- Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
- Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
- Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
- Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng cho rằng, cán bộ thú y tại cơ sở nên tham mưu cho chính quyền địa phương để toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm nói riêng và dịch bệnh động vật nói chung; bám sát cơ sở, giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi và làm tốt công tác tuyên truyền để người dân chủ động phòng chống dịch cũng như chăn nuôi an toàn sinh học.
Việc phòng chống cúm gia cầm không chỉ là phòng dịch trên đàn gia cầm chăn nuôi trong nước mà còn liên quan việc ngăn chặn gia cầm nhập lậu. Để hoàn thành nhiệm vụ này cần sự vào cuộc của các địa phương, các cấp, các ngành chức năng đặc biệt là tuyến biên giới để thành lập các đoàn kiểm tra, kiểm soát, chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông.
Với người tiêu dùng nên sử dụng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, không tham rẻ mà sử dụng sản phẩm gia cầm kém chất lượng, gia cầm mắc bệnh…/.
Ánh Tuyết/VOV2