Giáo viên chịu sự soi xét của hàng vạn cặp mắt trên mạng xã hội
Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng học sinh có cách ứng xử được cho là không “tôn sư trọng đạo”, thậm chí văng tục, cãi tay đôi với giáo viên như trường hợp xảy ra ở trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Khánh Hòa).
Nhìn từ góc độ là một giáo viên, thầy giáo Đinh Đức Hiền (Hà Nội) cho rằng, hiện tượng học sinh vô lễ với giáo viên ít nhiều xuất phát từ cách giáo dục nuông chiều từ phía gia đình. Khi bố mẹ đáp ứng mọi yêu cầu của con trẻ dẫn đến việc các em không nhận ra việc làm sai của mình.
“Khi trẻ được sống trong sự nuông chiều thái quá các em luôn thấy mình đúng trong mọi tình huống. Khi đến trường trẻ vẫn giữ thái độ đó trong cách ứng xử với bạn bè, giáo viên”, thầy Hiền nêu quan điểm.
Cũng theo thầy giáo Đinh Đức Hiền, giáo viên phổ thông đang đứng trước nhiều áp lực trong mối quan hệ ứng xử với học sinh, phụ huynh. Trong khi đó Thông tư 32 năm 2020 quy định, giáo viên không được kỷ luật học sinh vi phạm bằng việc phê bình trước trường, trước lớp.
Ngoài ra việc quy định học sinh được phép sử dụng điện thoại di động với mục đích học tập hoặc được giáo viên cho phép theo thầy Hiền là một kẽ hở, học sinh có thể lạm dụng sử dụng điện thoại không đúng mục đích.
“Ví dụ như vụ việc xảy ra tại trường THPT Nguyễn Chí Thanh, học sinh đã dùng điện thoại để quay lại cuộc đối thoại giữa giáo viên và học sinh gây bức xúc dư luận. Như vậy, giáo viên không chỉ đối diện áp lực trước học sinh, phụ huynh mà còn hàng vạn cặp mắt soi xét trên mạng xã hội”, thầy Hiền chia sẻ.
Trước áp lực đó, thầy Hiền cho rằng, nhiều giáo viên đã chọn cách im lặng, thu mình và nếu không có cơ chế chính sách để bảo vệ giáo viên sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.
Trong mọi tình huống, giáo viên không được đôi co với học sinh
Trước hiện tượng học sinh vô lễ giáo viên, Thạc sĩ Vũ Thu Hà cho rằng nếu không có sự nhắc nhở, hướng dẫn rất có thể những hành vi học sinh văng tục, vô lễ giáo viên sẽ lặp lại.
Thạc sĩ Vũ Thu Hà cũng lo lắng, trước việc một vài vụ việc xung đột xảy ra giữa thầy - trò thay vì được giải quyết theo hướng trao đổi, chia sẻ, hướng dẫn nhắc nhở thì lại bùng nổ thành những cái cách xung đột, to tiếng với nhau.
“Nhưng với học sinh, các em vẫn đang ở lứa tuổi đi học và đang trong quá trình trưởng thành. Do vậy điều quan trọng, giáo viên cần hướng dẫn thay vì bùng nổ cùng với học trò của mình”, chị Hà nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý học đường, thạc sĩ Vũ Thu Hà cho biết, trong một vài tình huống, học sinh cố tình tạo ra sự khiêu khích để giáo viên nổi giận. Các em chưa hình dung ra hậu quả sẽ diễn ra như thế nào? Do vậy nếu không cẩn trọng, giáo viên sẽ rơi vào tình thế đôi co với học sinh.
“Sau khi bình tĩnh, giáo viên sẽ có sự trao đổi, chia sẻ với học sinh một cách chân thành, rõ ràng”, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà gợi ý.
Thạc sĩ Vũ Thu Hà cũng thừa nhận, khi xử trí học sinh vi phạm quy tắc lớp học, trường học, giáo viên đứng trước những khó khăn, thách thức với phụ huynh. Trong một vài tình huống, nếu phụ huynh phản ứng, giáo viên sẽ chọn cách “buông” để không ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống cá nhân của mình. Nếu xảy ra tình huống này sẽ là một điều đáng tiếc với cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.
“Trong giáo dục, phải có sự phản ánh, trao đổi của giáo viên để phụ huynh nhận thấy việc giáo dục con cái đang bất ổn ở chỗ nào. Nhưng nếu như mà giáo viên “buông”, im lặng, đứa trẻ sẽ rất thiệt thòi, mất đi những cơ hội điều chỉnh, sửa sai”, chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà chia sẻ.
Điều quan trọng, theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hà, giáo viên phải được cung cấp những nguyên tắc, kỹ năng, cách thức về kỷ luật tích cực, kỹ năng về quản lý lớp học. Giáo viên phải hiểu tâm lý học sinh cũng như biết kiểm soát cảm xúc của mình.../.
Theo VOV.VN