Thực tiễn sử dụng hầm đi bộ và bài học cho Hà Nội

Với trên 20 hầm đi bộ cùng khoảng 50 cầu vượt bộ hành, Hà Nội không thiếu thốn hạ tầng kỹ thuật giúp người đi bộ, đi xe đạp sang đường an toàn.

 

Tuy nhiên, bức tranh thực tế khác xa so với thống kê...
Đa số các cầu, hầm này bị lãng phí công năng khi ít người sử dụng do thiếu hiệu quả về thiết kế, tính kết nối, nơi đặt vị trí cũng như công tác quản lý, khai thác.

Đường Hoàng Sa và Trường Sa dài hơn 12km đi qua 5 xã thuộc địa bàn huyện Đông Anh, TP.Hà Nội được khánh thành vào cuối năm 2015. Hai tuyến đường này được bố trí 10 hầm đi bộ.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào ngày 21/10/2022, có đến một nửa số hầm đi bộ đang “cửa đóng then cài”. Cửa hầm bị cỏ dại xâm lấn, vỉa hè xung quanh sụt lún, nham nhở.

Những hầm đi bộ còn lại được mở 24/24 nhưng hiếm người qua lại. Chúng được trưng dụng làm nơi nghỉ trưa của người lao động, nơi đổ rác của một số người thiếu ý thức.

Một số người dân chia sẻ lý do “ế khách” của các hầm bộ hành tại cửa ngõ thành phố:

“Đi qua hầm cũng tiện nhưng lâu quá nên mình toàn băng qua đường cho nhanh chứ đi qua hầm hơi lâu”.

“Chắc chắn đi băng qua đường sẽ nguy hiểm hơn vì chỗ đó ít đèn xanh đèn đỏ. Các hầm bị đóng cửa là do khu đó dân ít đi lại”.

Còn tại tuyến đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến, các hầm bộ hành đều trong tình trạng đìu hiu vắng vẻ. Mỗi hầm ước tính có tổng mức đầu tư đến hàng chục tỷ đồng, thế nhưng mỗi ngày lại có rất ít người dân sử dụng.

Hầm bộ hành tại đường Hoàng Sa - Trường Sa đoạn qua huyện Đông Anh đã bị đóng cửa nhiều năm nay.

Theo người dân, chính vì các hầm bộ hành này quá vắng vẻ nên tâm lý e ngại mỗi khi có ý định xuống hầm. Thậm chí có hầm được đặt đúng vị trí sát đèn tín hiệu giao thông khiến người dân băn khăn không biết nên đi theo tín hiệu đèn hay đi xuống hầm đi bộ.

“Bản thân tôi chờ đèn xanh đèn đỏ tôi đi theo luồng qua đường. Người đi bộ khác cũng thế, người ta dừng đèn xanh đèn đỏ đi luồng chứ chẳng ai mất công leo xuống hầm cả”.

“Hầm đặt ở ngay đèn xanh đèn đỏ, đúng ngã tư. Nếu đặt hầm chỗ không có đèn xanh đèn đỏ thì là hợp lý”.

Tiếp tục khảo sát tại nút giao thông Kim Liên, nhiều người dân chia sẻ với VOV Giao thông về sự thay đổi theo chiều hướng tích cực của 2 hầm đi bộ nơi đây. Do tập trung lượng lớn cư dân sinh sống, gần nhiều văn phòng, trường đại học, công viên, hồ nước, lại nằm ở vị trí trung tâm thành phố, các hầm đi bộ này dần thu hút được khách bộ hành.

Chị Tạ Khánh Ly, tổ bảo vệ hầm Kim Liên, Xí nghiệp Xây dựng công trình cầu và thủy lợi chia sẻ: “Bây giờ, hầm được vệ sinh một ngày đều đặn 2 lần rất sạch sẽ. Ngoài vệ sinh đầu ngày thì trong ca, chúng em vẫn thường xuyên kiểm tra, có vấn đề gì sẽ xử lý luôn.

Nhiều người đi qua, các ông bà cũng nói trong lúc bọn em làm thì bây giờ sạch sẽ hơn nhiều. Nhiều người ngày xưa sợ đi dưới hâm lắm. Bây giờ tự dung đi không sợ nữa, không còn tối tăm như ngày xưa”.

Anh Nguyễn Quang Tình, đồng nghiệp của chị Ly, kể, mỗi ca tuần tra giao thông, nếu thấy có người vô gia cư chiếm dụng hầm làm nơi ngủ thì anh cũng phối hợp với lực lượng công an để nhắc nhở, trả lại không gian cho hầm.

Hầm được tuần tra, quản lý 24/24h nên ca đêm được bố trí 3 người thay phiên nhau giám sát từ 10h tối đến 6h sáng.

Theo anh Tình, một số người dân vẫn còn định kiến về việc sử dụng hầm đi bộ, do bị ấn tượng xấu từ nhiều năm trước khi các công trình này hoang vu, bị nhiều đối tượng tệ nạn chiếm dụng.

“Người ta đi dưới hầm thì chỉ đi đông trong giờ tập thể dục thôi. Còn giờ vắng vẻ thì đa số vẫn ngại xuống. Như kiểu có ác cảm về việc đi dưới hầm thì tăm tối, đêm hôm có trộm cắp, trấn lột, họ sợ. Nhưng thực ra đó là trước đây thôi, còn bây giờ sáng sủa sạch sẽ rồi, đi dưới hầm rất an toàn”- anh Tình cho biết.

Từ thực tiễn khảo sát của VOV Giao thông, chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng, vị trí xây hầm bộ hành là yếu tố quyết định của việc khai thác chúng có hiệu quả hay không.

Ví dụ như Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch, giữa các điểm giao cắt khá xa, khó mà tìm được điểm nào để phương tiện dừng lại cho người đi bộ qua đường được, lúc đó cầu và hầm đi bộ rất cần thiết.

Còn đường trong đô thị, các quãng giữa ngã 4 không quá dài thì người đi bộ bắt buộc phải tìm đến đèn tín hiệu mới được qua đường.

“Nếu quãng đi để đến đèn tín hiện qua đường nếu không quá dài thì không nên bỏ tiền ra để làm cầu vượt bộ hành. Nếu có xây lắp thì ưu tiên cầu vượt còn hầm đi bộ là công trình xây dựng tốn kém, tốn gấp 5-6 lần hặc hơn nếu lắp một cầu vượt đi bộ.

Không chỉ vậy, chi phí duy trì hoạt động vệ sinh rất cao vì phải lắp đèn chiếu sáng, có người vệ sinh thường xuyên, cho nên hầm là giải pháp tốn kém không chỉ cho việc xây dựng mà còn tốn kém trong quá trình duy trì. Nếu cần nên ưu tiên xây dựng cầu đi bộ"- Tiến sĩ Phan Lê Bình nói.

Trong khi đó, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định, chủ trương xây hầm hay cầu vượt là đúng đắn để người đi bộ, đi xe đạp sang đường an toàn, trong bối cảnh các xa lộ, đại lộ dành cho xe cơ giới ngày một xuất hiện nhiều. Các hầm đi bộ mà Hà Nội xây dựng có hiệu quả nhất định, nhưng tỉ lệ chỉ khoảng 1/3.

Các hầm ở xa lộ nếu chưa có dân cư đông và nhu cầu chưa cao, cần quản lý chặt, cần thiết thì đóng cửa để bảo vệ hạ tầng, tránh xuống cấp, lãng phí công sản. Khi đô thị hóa tới khu vực đó, chỉ cần chỉnh trang là có thể sử dụng vì đã có sẵn hạ tầng. Còn với các tuyến đường nội đô, Hà Nội vẫn nên đầu tư thêm các hầm đi bộ.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm: “Đối với hầm nội thành cần tăng thêm ở các ngã tư lớn. Nhưng cần lưu ý có chỉ dẫn rõ ràng để người dân xuống dễ dàng. Phải đủ ảnh sáng, dọn vệ sinh, có người túc trực thường xuyên.

Cần lưu ý về kiến trúc, không nên làm hầm đi bộ quá phức tạp, một cấp thôi. Một cấp là gì, là một hầm đi qua đường là đủ rồi, hạn chế những ngã ba, ngã tư dưới hầm. Người ta thấy dài quá, người ta ngại đi, một số nơi, các cụ còn bị lạc nữa”.

Các chuyên gia đều nhất trí quan điểm, việc quản lý, bảo vệ và khai thác hầm cần gắn trách nhiệm tới từng cá nhân và đơn vị được giao.

Thực tiễn sử dụng hàng chục hầm, cầu vượt bộ hành trong thời gian qua cũng nên được thành phố Hà Nội tổng kết, đánh giá để việc đầu tư trong tương lai sẽ có hiệu quả cao hơn.

Để xóa được định kiến về hầm đi bộ

Cách đây khoảng 5 năm, một phụ nữ bán trà đá gần cửa hầm đi bộ Kim Liên (nút giao từ Xã Đàn sang Giải Phóng) đã cảm thán với người viết rằng, hầm quá vắng, tối, bốc mùi và nhiều… kim tiêm, trở thành tụ điểm của người nghiện hút hoặc các đối tượng xã hội.

Khá nhiều người đi bộ lựa chọn băng cắt luôn trên mặt đường chứ ít sử dụng hầm. Họ cho rằng, hầm quá khuất, ít người qua lại nên cảm thấy bất an, không dám xuống.

Rõ ràng, hệ thống 2 hầm đi bộ này được đặt ở một khu vực sầm uất, gần trường học, văn phòng, công viên, đi xuống dưới có thể tránh được giao lộ với mật độ phương tiện cao gồm cả xe cơ giới và tàu hỏa. Tuy nhiên, nó vẫn bị thờ ơ và khó phát huy hiệu quả.

Đến thời điểm hiện tại, sau nửa thập kỷ, câu chuyện đã có chuyển biến tích cực. Hầm được vệ sinh sạch đẹp, đèn điện sáng sủa, thường xuyên có nhân viên bảo vệ và vệ sinh môi trường tuần tra. Tỉ lệ người đi bộ sử dụng hầm tăng dần, tỉ lệ quay lại sử dụng tiếp cũng khả quan.

Nhìn vào hệ thống hầm tại nút giao Kim Liên, có thể thấy, việc thay đổi “giao diện” đã giúp hầm trở nên thân thiện, an toàn hơn trong mắt người dân.

Nhưng để hầm đi bộ thực sự trở nên hấp dẫn, phá tan được định kiến trong suy nghĩ của khách bộ hành, thì có lẽ, các đơn vị quản lý cần làm nhiều hơn thế.

Bên cạnh việc chăm sóc, vệ sinh cần được thực hiện thường xuyên, hầm đi bộ cần những chiến dịch truyền thông ấn tượng hơn, đột phá hơn để giành lấy sự chú ý của người dân.

Nó không nên xuất hiện quá lặng lẽ, cần thêm các biển bảng chỉ dẫn nổi bật, dễ thấy ở các giao lộ hướng dẫn đi về vị trí hầm, có các thông điệp đề nghị người dân sử dụng.

Nó cũng không nên quá đơn điệu, buộc người đi bộ phải trải nghiệm rồi mới chắc chắn về cảm giác đi dưới hầm.

Hầm đi bộ nút giao Kim Liên cũng trong tình trạng thưa thớt người sử dụng. Nếu hầm được lắp đặt camera và có thông báo rõ ràng về điều này ở ngay cửa hầm, người sử dụng sẽ yên tâm hơn, tội phạm nếu có ý định cũng phải dè chừng hơn.

Nếu hầm bổ sung thêm các tiện ích khác như bảng biển LED quảng cáo, máy bán nước tự động, hệ thống thông tin liên lạc, nút bấm nguy hiểm trong tình huống khẩn cấp, hoặc đơn giản là… thiết kế đẹp, là nơi đáng để check-in, chắc chắn sẽ có sức hút tự nhiên hơn.

Hà Nội đang hướng tới một hệ thống giao thông thân thiện với người đi xe đạp, người đi bộ. Điều này không thể chỉ hiện thực hóa thông qua những công trình lớn, tầm cỡ, mà còn phải thực sự được tinh chỉnh thông qua những chi tiết nhỏ, nhưng có ý nghĩa lớn với người sử dụng.

Chẳng hạn, độ dốc của các bậc cầu thang cần tính đến sự phù hợp với trẻ nhỏ, người già, người dắt xe, thậm chí có cầu thang cuốn cho người khuyết tật, xe đẩy trẻ em.

Có lẽ, định kiến của người đi bộ với hầm bộ hành, hạ tầng vốn được thiết kế dành riêng cho họ, nên được giải quyết từ góc độ thị trường. Người đi bộ nên được coi là một chủ thể, một khách hàng được phục vụ.

Để thay đổi thói quen cố hữu, họ cần được tiếp thị, được khuyến khích và được hướng dẫn tận tình hơn nữa./.

Chu Đức - Hải Bằng/VOV-Giao thông

 

Bình luận

    Chưa có bình luận