'Đòi' đất xây trường bằng cách nào?

Để Hà Nội có thêm hơn 500 trường chuẩn quốc gia trong vòng 3 năm tới theo kế hoạch thì cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

 

Không chỉ tại “điểm nóng” phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai với 12 tòa chung cư HH Linh Đàm, tại nhiều khu đô thị tại Hà Nội cũng đang có nhiều khu đất bị bỏ hoang. Đặc biệt, ở các quận lõi, nhiều khu đất được quy hoạch để xây trường nhưng chủ đầu tư nhượng lại cho nhà đầu tư thứ cấp hoặc chậm triển khai gây quá tải cho các trường công lập được xây dựng từ trước.

Như huyện Thanh Oai nơi có khu đô thị Thanh Hà ước tính sẽ có khoảng 20 vạn dân sinh sống đã kiến nghị thu hồi 21 điểm trường công lập để địa phương đầu tư công. Còn quận Hà Đông có 4 nhà đầu tư được giao làm chủ đầu tư 22 dự án trường học trong các khu đô thị thì đến nay mới có 8/22 dự án trường học hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trong khi chủ đầu tư nhiều khu đô thị chưa có trách nhiệm trong việc xây dựng và hoàn thiện hạ tầng xã hội, trong đó có trường học phục vụ dân cư, chính quyền địa phương lo ngại sẽ quá tải trường học, gây áp lực cho ngành giáo dục và nhiều lần gửi kiến nghị tìm giải pháp dứt điểm. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, sau những kiến nghị thì mọi thứ vẫn "yên ắng", đất để xây trường vẫn bỏ không để cỏ mọc um tùm.

Để giải bài toán khó về quỹ đất xây trường học, chính quyền TP Hà Nội cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá chặt chẽ hơn nữa việc thực hiện theo đúng quy hoạch của các chủ đầu tư dự án. Kiên quyết “gạch tên” các dự án thiếu hoặc tìm cách “lách” không xây trường học; thậm chí không cấp phép đi vào hoạt động đối với các khu đô thị chưa hoàn thiện các công trình hạ tầng xã hội trong đó có trường học.

UBND thành phố cần chỉ đạo, rà soát việc thực hiện các dự án xây dựng trường học trong các khu đô thị; ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học khi di chuyển các cơ quan, đơn vị thuộc diện phải di dời ra khỏi nội đô; thu hồi các dự án chậm triển khai, để bàn giao cho UBND quận, huyện xây trường.

Đồng thời, hạn chế cấp phép xây dựng các khu đô thị và chung cư cao tầng tại khu vực nội thành để giảm học sinh do tăng dân số cơ học.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án được quy hoạch xây dựng trường học thuộc thẩm quyền của các bộ ngành Trung ương; cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan rà soát lại quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Giáo dục bóc tách cụ thể trách nhiệm của chính quyền địa phương và từng chủ đầu tư, xử lý trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân trong từng giai đoạn đã để xảy ra tình trạng không thực hiện đúng quy định.

Trong đó, Bộ Xây dựng có vai trò phải kiểm tra, xử lý các vi phạm chuyên ngành và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn; Thanh tra Chính phủ vào cuộc làm rõ trách nhiệm phần nào thuộc về chính quyền địa phương, phần nào là trách nhiệm của chủ đầu tư để có đề xuất xử lý nghiêm khắc với những cá nhân để xảy ra sai phạm, đồng thời khắc phục hậu quả là bổ sung trường học theo quy định.

Bên cạnh đó, là vai trò của chính quyền các địa phương. Từ chỗ thấy được nguy cơ thiếu chỗ học cho con em trên địa bàn, các địa phương cần chủ động các biện pháp thúc giục, yêu cầu các chủ đầu tư khu đô thị trên địa bàn phải sớm xây dựng đủ hạ tầng thiết yếu, trong đó có trường học. Mặt khác, kiến nghị thu hồi diện tích đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả hoặc vi phạm Luật Đất đai; sau đó chuyển sang đầu tư công vì chờ đợi nhà đầu tư thực hiện thì không biết đến bao giờ./.

Vừa qua, tại phiên họp giải trình của HĐND TP. Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định: "Quận Hoàng Mai thiếu trường công chứ không thiếu trường học, các trường công đã đầu tư theo đúng quy hoạch.

Người dân muốn con em vào học trường công để tin tưởng hơn, giá cả chi phí học hành ổn định hơn. Số lượng vào học đông, nhà trường bốc thăm cho công bằng.

Do công tác truyền thông không tốt nên đã trở thành vấn đề quá nóng".

“Quận Hoàng Mai có 7 bãi xe, sau khi Bí thư Thành ủy chỉ đạo họ đã tự nguyện bàn giao. Bên cạnh đó có 7 lô đất xây trường học thì có 1 cái đã triển khai rồi, còn lại 6 cái.

Sau khi có chỉ đạo của Thành ủy chúng tôi đã trực tiếp làm việc thì họ tình nguyện trả lại 4 trường với điều kiện nhà nước phải đầu tư trường học công, còn lại 2 trường học để họ làm.

Hiện nay chưa đô thị nào ở VN cơ bản quyết toán được đầu tư. Mà không quyết toán được sẽ không có căn cứ để đánh giá và bàn giao”, ông Thanh nói.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng cho biết, quận Hoàng Mai khác biệt hơn các phần còn lại về mật độ dân cư. Hiện nay, Hà Nội đang chỉ đạo Sở GD-ĐT có tiêu chí riêng cho Hoàng Mai và một số quận tương tự về tỷ lệ công tư để có kế hoạch đầu tư, thậm chí điều chỉnh quy hoạch./.

Nguyễn Yên/VTC.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận