Một số đoạn dưới thấp như phố Minh Khai đã thông thoáng, rộng gấp nhiều lần, tạo điều kiện để các phương tiện lưu thông nhanh hơn. Nhưng một vấn đề nảy sinh là thiếu các điểm sang đường cho người đi bộ.
Đặc biệt, ở những nút quay đầu, việc sang đường, băng cắt không chỉ của người đi bộ mà người đi xe đạp cũng trở nên hết sức mạo hiểm, thậm chí nhiều vụ va chạm, tai nạn đã xảy ra.
Cứ cách vài ngày, vợ chồng ông bà Bùi Thị Mai (63 tuổi), lại lên xe buýt di chuyển từ quận Thanh Xuân, Hà Nội lên khu vực chợ Mơ (quận Hai Bà Trưng) để tham gia câu lạc bộ khiêu vũ. Tuy nhiên, khi đến điểm dừng xe buýt trước cửa số nhà 32 phố Minh Khai, ông bà rất loay hoay và bối rối để băng sang bên kia đường vào chợ Mơ.
Nguyên nhân bởi nơi đây đang bị bịt ngã tư, không có vạch kẻ sang đường cho người đi bộ. Với bề rộng lên tới 60 mét, ông bà Mai phải băng qua 10 làn xe hỗn hợp đang chạy vun vút với tốc độ tối đa 60km/h.
“Nó có đèn xanh đèn đỏ thì đỡ, giờ không có thì bất tiện, thiếu an toàn cho người đi bộ. Bên này có 1 trạm xe buýt, bên kia cũng có trạm xe buýt, nhu cầu đi lại rất cao, lưu lượng phương tiện rất là nhiều, mà hai bên đường rất rộng, ở đây là chợ, sau này có siêu thị nữa thì sau này có cái đường hầm hay cầu vượt thì tốt”.
Khảo sát của phóng viên cho thấy, một phần đoạn phố Minh Khai từ nút giao Bạch Mai-Đại La đến cầu Mai Động dài gần 1,5km, đã được thông đường, nhưng chưa bố trí bất cứ vị trí sang đường nào cho người đi bộ, dù nơi đây có mật độ tập trung ngõ ngách, trường học dày đặc hàng đầu Thủ đô.
Không hiếm các vụ tai nạn liên quan người và phương tiện sang đường đã xảy ra trong giờ cao điểm chiều muộn, thời điểm tầm nhìn hạn chế, ở các nút quay đầu như hoặc vị trí các ngõ lớn đâm ra phố như vị trí ngõ chùa Hưng Ký, vị trí ngõ Gốc Đề, ngõ Hòa Bình từ 1 đến 6.
Bà Minh Thủy (người dân phố Minh Khai) vừa dè dặt băng qua đường, vừa thận trọng cầm chiếc ghế nhựa dơ lên cao, tay liên tục vẫy để các phương tiện nhìn thấy, kịp tránh. Bán hàng ở khu vực này nhiều năm nay, không ít lần bà Thủy chứng kiến các vụ tai nạn:
“Giờ cao điểm là đi nguy hiểm lắm. Rất nhiều các cụ, các bà đi qua đây bị gẫy chân vì xe qua đường lao vào. Người già ở đây còn không dám sang đường một mình mà phải nhờ dắt sang, trẻ đi sang đường cũng sợ vì người ta đi nhanh lắm. Bây giờ cần phải cho vạch kẻ đường và lối sang đường cho người đi bộ, nếu có đèn xanh đèn đỏ sẽ hạn chế được đi nhanh, sang đường cho an toàn”.
Liên quan dự án thi công vành đai 2, đại diện Công ty Cổ phần Công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án vẫn đang được chủ đầu tư tiến hành thi công và chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Vị này cũng chia sẻ, quy hoạch dự án không có hầm hay cầu bộ hành.
Trao đổi với VOV Giao thông, Tiến sĩ Khương Kim Tạo, Nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho biết, một phương án khác khả thi cho người đi bộ sang đường an toàn là bố trí tạm các vạch kẻ đường, vạch giảm tốc, đồng thời sớm đặt các nút đèn tín hiệu tại nút giao tiềm ẩn tai nạn giao thông, hoặc đèn tín hiệu có pha riêng cho người sang đường:
“Nếu chúng ta bố trí vạch sang đường, không bố trí đèn tín hiệu đi kèm thì cũng rất phiền. Vì các phương tiện cơ giới nhường cho người đi bộ số lượng đông như thế cũng rất khó khăn về tính liên tục. Tốt nhất là chúng ta nhanh chóng lắp đèn tín hiệu, cần phân pha, ví dụ xe chạy thì 80 giây, còn 20 giây để người đi bộ ào qua. Nếu xe đông quá, có thể tăng pha xe lên 100 giây, 20 giây cho người đi bộ”.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, việc xây hầm bộ hành khá tốn kém và phải có ngay từ khâu thiết kế khi mở đường. Vì vậy, trường hợp khoảng cách đường quá dài mà không có nơi sang đường, cần tính đến việc mở thêm lối cho người đi qua đường, có thể là đường ưu tiên, hoặc tách hẳn làn riêng cho người sang đường thông qua cầu vượt:
“Có thể hình dung là vạch sơn, có nút bấm đèn đỏ để các phương tiện dừng lại cho người đi bộ có thể qua đường. Đây là tuyến đường quan trọng, nếu chỉ để cho 1 vài người qua đường mà phải bật đèn đỏ để toàn bộ dòng phương tiện dừng lại thì không hợp lý, giải pháp tốt nhất nên có thêm cầu vượt cho người đi bộ ở tùy các vị trí”.
Theo các chuyên gia, các dự án đang thi công luôn tiềm ẩn sự bất tiện, nguy cơ trong đi lại. Nhưng trong thời gian chờ hoàn thiện hạ tầng, đơn vị triển khai, các nhà tổ chức giao thông hoàn toàn có thể giảm thiểu nguy cơ xảy ra các vụ va chạm bằng các giải pháp kỹ thuật.
Đó là vừa bố trí điểm đi lại an toàn, vừa tuyên truyền để bà con không tự ý sang đường ở những nơi không được phép băng cắt.
Chú trọng giao thông phi cơ giới giúp thành phố trở nên đáng sống
Câu chuyện các cụ ông, cụ bà đi xe buýt lên phố, nhưng phải tập phản xạ, sự tinh mắt và kỹ năng… “né” xe khi sang đường phần nào cho thấy một vấn đề nổi cộm của giao thông Hà Nội. Đó là sự kém ưu tiên cho giao thông phi cơ giới.
Không lý do nào có thể biện minh cho việc cả đoạn đường 1,5 cây số với 10 làn xe lưu thông bình thường, xuyên qua một khu dân cư đông đúc bậc nhất thành phố, lại không có lấy một nơi để sang đường an toàn. Thật khó hiểu khi nhà chờ xe buýt được bố trí gần như lạc quẻ, thiếu tính kết nối với các điểm đến, thiếu thân thiện và tiện lợi cho người đi bộ.
Một đại lộ được mở ra với rất nhiều vạch chỉ đường, vạch phân làn, nhưng chúng dường như chỉ phục vụ các phương tiện cơ giới, mà chưa tính đến tập quán, thói quen và nhu cầu đi lại của cư dân trước khi mở đường.
Tại các khu vực nhu cầu người dân đi bộ, đi xe đạp sang đường lớn, khu vực tập trung mật độ trường học cao, lại thiếu vắng hoàn toàn các vạch sang đường, lươn giảm tốc, các biển cảnh báo nguy hiểm phía trước, hoặc đèn tín hiệu sang đường.
Một quy luật tất yếu là TNGT xảy ra khi ở các khu vực mà người và phương tiện băng cắt qua nhau vuông góc quá thường xuyên. Không hiếm trường hợp va chạm thương tâm mà cả người đâm lẫn người bị đâm đều là nạn nhân của một sự tổ chức giao thông bất cẩn.
Còn nhớ, tại các tuyến đường vành đai 3, đường cao tốc cửa ngõ của thành phố, Hà Nội từng bố trí gần 20 hầm bộ hành. Kể cả khi chúng chưa được sử dụng hiệu quả, bị bỏ hoang lâu năm, thì sau này, khi đô thị hóa phát triển rộng về vùng ven, khi dân số và nhu cầu sử dụng tăng, việc có sẵn hạ tầng hầm bộ hành là một ưu điểm.
Vì vậy, với một tuyến đường 2 tầng chạy trong nội đô, nhu cầu sang đường cao như vành đai 2, sự thiếu hụt hầm kỹ thuật cho người đi bộ là một điều khá khó hiểu. Nó cho thấy tầm nhìn và mức độ ưu tiên dành cho người đi bộ, đi xe đạp của các nhà tổ chức giao thông.
Người đi bộ vẫn đang bị đánh bật khỏi vỉa hè sau những khẩu hiệu lớn từ năm nay sang năm khác là “phải giành lại vỉa hè cho người đi bộ”. Người đi xe đạp vẫn phải liều lĩnh hòa lẫn vào dòng xe cơ giới trong khi chính quyền đô thị vẫn đang loay hoay đi tìm làn riêng cho xe đạp.
Người khuyết tật, người yếu thế vẫn chỉ được ưu tiên thực sự ở một số rất ít tuyến phố. Đa số vẫn gặp vô vàn khó khăn trong tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng.
Lối lên xuống vỉa hè, cầu thang, cầu hầm, lối lên xuống xe buýt, buýt nhanh BRT, lối đi trên vỉa hè… vẫn chỉ là những chi tiết nhỏ dễ bị lãng quên trong các thiết kế, thi công ở các dự án về giao thông. Và họa may nếu những chi tiết ấy được nhớ tới, thì lại “làm chưa tới”.
Ví như việc rào chắn xe máy để bảo vệ vỉa hè lại vô tình ngăn luôn người khuyết tật đi lên; lắp ghế đá cho người đi bộ nghỉ chân nhưng lại cho phép ô tô đỗ trên vỉa hè.
Gần đây, trên làn sóng FM91 của VOV Giao thông thực hiện một số format chương trình mới, trong đó có chuyên mục “Chuyện trò trên phố”, ghi lại những chi tiết, sự đổi thay rất nhỏ trên đường phố mà các bác tài có thể bỏ qua, không để ý tới khi lái xe.
Thiết nghĩ, các nhà quản lý giao thông cũng cần tăng cường hơn các cuộc khảo sát dạng “chuyện trò trên phố” với chính các cư dân tại nơi tuyến phố được mở, tại nút giao vừa được cải tạo hoặc một dự án đang thi công.
Mọi vấn đề và giải pháp đều có thể được tìm ra, khi chúng ta chịu lắng nghe những đối tượng tham gia giao thông yếu thế nhất. Và dĩ nhiên, thành phố sẽ trở nên đáng sống hơn, khi chính quyền đô thị không chỉ ưu tiên các làn đường cho xe cơ giới, mà còn thực sự chú trọng tới giao thông phi cơ giới.
Chu Đức - Hải Bằng/VOVgiaothong.vn