Thị trường lao động mở, người tài có nhiều có nhiều cơ hội cống hiến

Gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư. Hiện tượng này liệu có thành "làn sóng mới" và có đáng lo?

 

Nhảy việc” không chỉ vì lương

Theo Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm qua, có gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc ở khu vực công chuyển sang khu vực tư. Trong đó, số nghỉ việc trong ngành giáo dục hơn 16.400 người, ngành y tế là 12.198 người… Lý do của công chức, viên chức viết đơn xin nghỉ việc thì có rất nhiều, như "theo nguyện vọng cá nhân", "do tiền lương thấp", "do sức khỏe", "do điều kiện gia đình", "do môi trường không phù hợp"...

Thầy N.A.T, giáo viên THPT tại Hà Nội tâm sự: “Tôi làm giáo viên được 14 năm, lương 7 triệu đồng. Hôm nào cũng làm việc từ sáng đến chiều tối mới về (trường dạy 2 buổi). Về đến nhà chỉ kịp ăn cơm, nghỉ ngơi một chút là 8h lại ngồi soạn bài, chấm bài, làm hồ sơ, sổ sách, kế hoạch, bồi dưỡng, học module, thứ 7 trường vẫn làm việc chứ không nghỉ. Chủ nhật đôi khi đưa học sinh đi chuyên đề, tham gia tập huấn... Còn hè cũng không được nghỉ vì ôn cho học sinh thi, rồi coi thi, chấm thi, học chính trị, bồi dưỡng, tập huấn... Thực sự không có nhiều thời gian nghỉ ngơi và chăm lo cho gia đình. Thỉnh thoảng lại “đẻ ra” yêu cầu bắt học Anh văn, Tin học... và học xong bằng cấp cũng chỉ cất tủ. Quanh mình đã có nhiều người bỏ nghề hẳn hoặc có người giỏi còn muốn gắn bó với nghề thì chuyển sang trường tư.”.

Nhiều giáo viên cũng cho biết thêm, thầy cô trường công bây giờ khổ trăm bề, họ như cái “nồi lẩu thập cẩm”, tất cả đều đổ dồn hết vô đó. Dạy thì ít mà hồ sơ sổ sách bày vẽ đủ đường, tham gia các phong trào, các cuộc thi linh tinh chiếm hết thời gian và công sức thì thử hỏi còn tâm sức đâu mà dạy kiến thức, nói gì đến sáng tạo…

Thạc sĩ H dạy tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chia sẻ về lý do rời một trường ĐH công lập có tiếng để đến một trường tư thục làm việc: “Mỗi nơi đều có những lợi thế và khó khăn riêng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy môi trường ĐH công có khá nhiều điều gò bó và thiếu linh hoạt, nếu cứ liên tục và kéo dài sẽ gây mệt mỏi. Nhất là những người trẻ mong muốn được cống hiến. Về vấn đề thăng tiến cũng là một yếu tố thu hút cán bộ, giảng viên trẻ. Tôi nhận thấy trường tư thục không lấy quy trình ra để cất nhắc người giỏi. Miễn là bạn có năng lực, nhiệt tình, hết mình cống hiến cho trường, thì dù bạn rất trẻ, trường tư cũng bổ nhiệm bạn ở vị trí cao, không quan trọng thâm niên hay các điều kiện khác”.

Không chỉ ngành giáo dục, ngành Y tế sau dịch Covid - 19 đã chứng kiến "làn sóng" nhân viên thôi việc với gần 10.000 người được các địa phương ghi nhận từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022. Trong đó có một số tỉnh, thành phố có số lượng thôi việc, bỏ việc cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng… Một số phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến công chức, viên chức “bỏ công, sang tư" chủ yếu là do chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ thấp; cơ hội thăng tiến không nhiều trong khi áp lực công việc ngày một lớn.

Bác sĩ H 30 tuổi, sau dịch Covid-19 đã quyết định chuyển từ bệnh viện công lập tốp đầu của TP.HCM đến một bệnh viện tư. H cho biết, ở chỗ làm mới với cùng vị trí công việc, thu nhập của cô đã tăng lên gấp rưỡi, tương đương 15 triệu đồng/tháng. Trước đó ở bệnh viện cũ, tổng thu nhập hằng tháng của H khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, H bộc bạch, có lẽ đã không nghỉ việc bởi với số tiền đó cô đã cơ bản đủ chi tiêu cho cuộc sống, nhưng điều khiến cô “dứt áo” ra đi đó là công việc ở viện công quá tải, áp lực luôn đè nặng. Cô dẫn chứng, ở bệnh viện công phải hết việc mới được về, thế nên có những ngày lẽ ra 16h được tan ca nhưng 19-20h cô mới xong việc để về nên không có nhiều thời gian chăm sóc cho gia đình. Mỗi tuần, H có 2 ngày trực trọn 24h và cô không thể nhớ mình đã thức trắng bao nhiêu đêm để chăm sóc bệnh nhân... Còn tại bệnh viện tư, cô chỉ cần làm đúng quy định. Nếu được yêu cầu tăng cường làm thì sẽ tính thêm tiền ngoài giờ, rất rõ ràng. H cũng cho biết, bác sĩ nếu phải trực ở phòng khám, mỗi ngày phải tiếp xúc hàng trăm lượt bệnh nhân, giường bệnh luôn trong tình trạng kín mít. Lượng bệnh đông khiến họ phải làm việc một cách vội vã, còn người bệnh phải chờ đợi lâu, nên thường xuyên cáu gắt, bày tỏ thái độ với nhân viên y tế. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh và sau dịch, bệnh nhân càng lúc càng đông hơn, khiến H và các đồng nghiệp thường xuyên bị stress.

Lao động của khu vực công cũng như tư đều đóng góp cho sự phát triển và tăng trưởng của đất nước

Chiêu hút” người giỏi của khu vực tư

Là một trường tư trong những năm qua không ngừng nâng cao chất lượng do thu hút được nhiều giáo viên giỏi, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT M.V.Lômônôxốp tiết lộ một số “bí kíp”: Thứ nhất là đối với công tác tuyển chọn nhân sự, nhà trường chỉ tuyển những người có năng lực phù hợp với công việc trường cần, chỉ có bằng thực lực và thể hiện được khả năng người giáo viên đó mới được nhận. Thứ hai, đánh giá kết quả công việc công bằng, trường tư đều có bộ đánh giá kết quả công việc khá hiện đại và rõ ràng, qua đó đánh giá được giáo viên làm việc, kết quả ra sao. Thứ ba, chế độ lương, thưởng rõ ràng theo đánh giá kết quả công việc. Thứ tư, về môi trường làm việc thì khá hiện đại, “thoáng” như: Một số nhà trường có Ban giám hiệu tốt, sẵn sàng bảo vệ các quan điểm mới, tốt hơn về chuyên môn khiến giáo viên an tâm đổi mới phương pháp dạy học. Các thủ tục hành chính trong nhà trường được giảm thiểu. Thứ năm, giáo viên được phát triển hết khả năng như được đào tạo kỹ trong nhiều chương trình bồi dưỡng thiết thực; được mạnh dạn đổi mới về phương pháp...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM: “Cán bộ, giảng viên trẻ có những suy nghĩ rất khác so với thế hệ lớn tuổi. Họ có khả năng thay đổi môi trường làm việc và đáp ứng môi trường mới khá nhanh, không gặp khó khăn lớn. Nhiều nghiên cứu sinh từ nước ngoài về thích vào trường tư thục do cơ chế tự chủ. Mặc dù các trường công lập cũng đang dần tự chủ tài chính, nhưng vẫn còn những rào cản khác không thể thông thoáng bằng trường tư thục”.

Tương tự, ở lĩnh vực y tế, bác sĩ T, công tác tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, mức thu nhập và chế độ đãi ngộ hiện nay ở bệnh viện trả cho y bác sĩ khá ổn định, tốt hơn nhiều so với bệnh viện công lập, đủ để chi tiêu cho cả gia đình mức trung bình khá. Hơn nữa, y bác sĩ làm việc ổn định, được tập trung chuyên môn, ít kiêm nhiệm việc ngoài chuyên môn. Một bác sĩ ra trường khoảng 5 năm có mức thu nhập tầm 7-8 triệu/tháng, một điều dưỡng cũng với năm kinh nghiệm như vậy có thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Với môi trường làm việc và mức thu nhập đó, bác sĩ T đã chứng kiến rất nhiều y bác sĩ ở viện công chuyển sang viện tư. 

 “Công chức, viên chức thôi việc hiện nay không phải là thách thức mà là cơ hội để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đẩy mạnh cải cách công vụ, trong đó, sớm thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức, tiến hành cải cách chế độ tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm và có tính cạnh tranh với khu vực tư. Các cơ quan nhà nước cũng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, tập trung vào thay đổi cơ chế tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm; thực hiện tinh giản biên chế; đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khu vực sự nghiệp công...” TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam - VASA, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Khoảng cách chất lượng giữa "công - tư" sẽ không còn nữa

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho rằng: Trong những năm gần đây, sự thay đổi của xã hội về quan niệm công tư, các chính sách của nhà nước hạn chế phân biệt công tư, và các chính sách ở trường tư không khác, thậm chí còn năng động hơn khối công lập nên tạo điều kiện để nguồn nhân lực giỏi lựa chọn nơi làm việc phát huy năng lực của bản thân. Đối với nhân lực giỏi, có trình độ chuyên môn cao, trường thường trả mức thu nhập đủ để họ sống tốt. Ngoài ra, trường tạo điều kiện về công việc để lực lượng này ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại trường. Nhiều chuyên gia giáo dục, chỉ 5-7 năm nữa là nhiều trường tư sẽ nổi trội hơn rất nhiều so với trường công, vì họ đang sở hữu lực lượng cán bộ, giảng viên trẻ năng động, được tạo điều kiện phát huy năng lực. Khoảng cách chất lượng giữa "công - tư" sẽ không còn nữa.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, tổng số có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc sang khu vực tư, chiếm gần 2% tổng biên chế. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh đến bối cảnh ngành y tế trong thời gian dịch bệnh công việc áp lực, ngành giáo dục cũng tương tự. Theo ông Thăng, nguyên nhân của tình trạng này có cả khách quan và chủ quan. Trong đó, khách quan của nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường lao động. Để phát triển lành mạnh giữa khu vực công và tư thì có sự liên thông giữa công tư và có sự cạnh tranh phát triển. Cũng cần nhìn lại chính sách của khu vực công, khu vực tư để có giải pháp hoàn thiện.

Có thể khẳng định rằng, lao động của khu vực công cũng như tư đều đóng góp cho sự phát triển, tăng trưởng của đất nước. Nếu khu vực công sử dụng người lao động không hiệu quả và trả lương không đúng chi phí lao động thì sang khu vực tư để có tiền lương cao hơn, phát huy được năng lực sáng tạo thì điều này không có gì phải băn khoăn, nhất là khi chúng ta đang xây dựng một thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hiệu quả và hội nhập. /

 
“Một trong những lý do chính mà người lao động (kể cả cán bộ được bổ nhiệm) chuyển sang khu vực tư để làm việc là lương thấp, là do không ít trường hợp được tuyển dụng vào khu vực công là do “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” hoặc 30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Hệ quả là năng suất, hiệu quả lao động thấp, năng lực quản lý yếu kém/hạn chế, bộ máy cồng kềnh, lãng phí... và như vậy, sao cạnh tranh với khu vực tư nhân được. Trong khu đó, bệnh viện tư nhân thu nhập minh bạch, bác sĩ được trả lương cao hơn là vì: Bệnh viện tư không có sân sau, không lợi ích nhóm, không có tham nhũng, tư nhân quản lý nên hạch toán đúng, quản lý tốt. Ngay các nước tư bản họ tư nhân hóa...”. Anh Nguyễn Văn Dũng (Hà Nội)
 
 “Việc chuyển dịch này là một quy luật tất yếu và rõ ràng là đang tiến tới một thị trường lao động mà khu vực tư và công phải công bằng nhau. Như vậy, cần coi chuyển dịch từ khu vực công sang tư và ngược lại là việc bình thường, nhưng cần phải nhận thức rõ một số vấn đề về lý luận, thực tiễn, cần phải tính đến vấn đề tổ chức sắp xếp bộ máy, cải cách chính sách tiền lương, trả công chi phí cho người lao động để có thị trường lao động thể hiện được giá trị của sức lao động mà người lao động bỏ ra” - TS Bùi Sỹ Lợi nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội của Quốc hội)

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận