Có nên tiếp tục cấm dạy thêm, học thêm khi 'càng cấm càng làm'?

Từ thực tế 'càng cấm càng làm' như hiện nay, chúng ta nên bàn giải pháp để việc học thêm, dạy thêm như thế nào để thực sự hiệu quả.

 

1. Tôi bắt đầu đi học cách đây hơn 40 năm. Thời đó, học cấp 1 gần như rất nhẹ nhàng, chủ yếu học những gì trên lớp và mọi người không hề có khái niệm về học thêm. Đến tận bây giờ, những kỷ niệm đọng lại trong tôi là vẫn là những buổi lên lớp của thầy cô với những bức tranh minh họa cho các bài thơ, bài giảng trên lớp và những buổi ngoại khóa bằng cách cuốc đất, trồng rau ngay tại vườn trường. Rồi cả những lần cô đến nhà thăm tôi ốm cũng như thăm nhiều bạn trong lớp khác. Và mỗi khi Tết đến, tôi vẫn nhớ cảm giác háo hức được bố chở trên chiếc xe đạp cũ kỹ, lốp buộc dây cao su chằng chịt đến chúc Tết thầy cô…

Lên cấp 2, chúng tôi bắt đầu đi học cả ngày, buổi chiều như bây giờ được gọi là học thêm. Buổi sáng, chúng tôi học các môn theo chương trình phổ thông và buổi chiều học các môn nâng cao. Nhưng thực sự, thời chúng tôi việc học thêm một cách rất “vui vẻ” mà không bị cảm thấy áp lực về bài vở. Ngoài những buổi học, tuần nào chúng tôi cũng có những buổi lao động ngoại khóa, tập văn nghệ, thể thao… mà hầu hết ai cũng vui vẻ, nhiệt tình tham gia.

Ngày đó, gia đình ai cũng nghèo nhưng bố mẹ chúng tôi không bị áp lực nhiều về các khoản tiền nộp học. Học thêm là do trường tổ chức mà tiền học phí cũng khá phù hợp với đại đa số gia đình nghèo như nhà tôi. Tôi còn nhớ, mẹ chỉ cần bán vài gánh rau hay một hai thúng lúa là đủ tiền nộp học cho tôi.

Lên cấp 3, các buổi “học thêm” của tôi và các bạn trong trường nhiều hơn nhưng là học ngay tại trường. Hầu như ít ai đi học thêm ở ngoài. Tiền học thêm cũng khá ít, chỉ chiếm phần rất nhỏ trong đồng lương công chức của bố tôi lúc bấy giờ. Có lẽ vì thế nên chúng tôi đi học khá vui vẻ, không thấy bố mẹ “phàn nàn” về tiền học như bây giờ.

2. Khác với thời chúng tôi đi học, các khoản thu đầu năm và tiền học thêm hiện nay đang là gánh nặng của đa số gia đình công nhân, viên chức và người lao động. Nhiều nơi học sinh đã được miễn giảm học phí, kể cả phải đóng học phí thì số tiền vài chục ngàn tiền học phí không đáng kể gì so với số tiền học thêm từ vài triệu đến cả chục triệu mỗi tháng hiện nay.

Mặc dù theo quy định của Bộ GD-ĐT và nhiều địa phương cũng đã ra nhiều văn bản về chuyện cấm dạy thêm, học thêm, nhưng thực tế tình trạng này không giảm mà ngày càng phát triển. Trẻ con trước khi bước vào lớp 1, cha mẹ đã phải tìm các lớp “tiền lớp 1” để cho con học viết, học đọc trước, thậm chí tìm đến nhà những cô giáo lớp 1 dự kiến sẽ dạy con để “gửi gắm”. Bởi tâm lý nhiều người cho rằng, tất cả các bạn đều học trước, con mình không được học sẽ “chậm” hơn so với các bạn, sẽ tự ti khi đi học chính thức. Hay cha mẹ gửi con cho cô chủ nhiệm với mong muốn sẽ được “quan tâm” hơn. Thế là từ lớp 1, ngoài việc học bán trú trên lớp, các con đã phải quay cuồng với lịch học thêm sau giờ học, học thêm buổi tối ở nhà cô.

Càng các lớp cao hơn thì lịch học càng dày đặc hơn. Nhiều con phải ăn bữa tối ngày trên xe của cha mẹ để đến lớp học cho kịp giờ. Nhiều cha mẹ mỗi buổi chiều sau giờ làm lại phải cuống cuồng len lỏi qua các cung đường tắc nghẹt ở Thủ đô để đón con kịp giờ học ở các lớp học thêm. Hành trình đó như một cỗ máy, bố mẹ không kịp hỏi han chuyện học hành trên lớp hay sức khỏe của con như thế nào. Khi tan ca ở các lớp học thêm về đến nhà cũng đã 9-10 giờ đêm, các con phải vội vàng tắm rửa, ăn uống chóng vánh rồi lại ngồi vào bàn để giải quyết bài tập về nhà. Vậy nên, nhiều cha mẹ dù xót con phải học đến 11 - 12 giờ đêm, nhưng cũng không còn cách nào khác.

Còn ở các trường, khi có “lệnh cấm” của cơ quan quản lý thì việc tổ chức dạy thêm được tổ chức một cách “kín đáo” hơn, bằng cách liên kết với các trung tâm dạy học để học sinh ký vào đơn “tự nguyện” và chỉ “bổ sung kiến thức” ở những trung tâm đó. Sau giờ học ở trung tâm, nhiều học sinh còn đến nhà các thầy cô dạy mình để học thêm. Đã có tình trạng, nhiều học sinh không học ở nhà cô, khi kiểm tra có bài không làm được vì những dạng như thế chỉ được học ở nhà cô. Vì thế, dù con có mệt và không muốn đi học thêm thì nhiều phụ huynh vẫn phải tự nguyện “nhờ” cô vì không muốn con bị điểm thấp. Trong khi đó, ở đa số các trường học, lớp học hiện nay điểm số là yếu tố quan trọng bậc nhất đánh giá khả năng, trình độ của học sinh, thậm chí còn là tiêu chí đánh giá “ý thức” của các em trong học tập.

Tiền học thêm thực sự đang là gánh nặng của rất nhiều gia đình công nhân, viên chức, người lao động hiện nay. (Ảnh minh họa)

Phần nữa, đã có lệnh cấm và người đứng đầu các cơ sở giáo dục, cụ thể là hiệu trưởng phải có trách nhiệm giám sát và chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng dù tình trạng này diễn ra nhan nhản nhưng thử hỏi, số vụ phát hiện và xử lý đã đếm được trên đầu ngón tay? Đến nay đã có bao nhiêu người đứng đầu bị xử lý khi để xảy ra tình trạng dạy thêm học, thêm?

Cũng có lẽ một phần do quay cuồng với việc học thêm nên nhiều học sinh hiện nay thiếu hụt cơ bản kỹ năng sống. Mỗi ngày của các em đều thực hiện theo một quy trình lập sẵn, chỉ có học và học, đến ăn cũng phải vội vàng cho kịp giờ học. Có lẽ đó cũng lý giải phần nào đó ngày xảy ra càng nhiều các vụ bạo lực học đường, học sinh ứng xử chưa đúng mực với người lớn, thầy cô mà đáng lẽ ra khi có kỹ năng sống, các em sẽ biết kiềm chế và có ứng xử linh hoạt hơn.

Học thêm thực sự đang là gánh nặng của rất nhiều gia đình công nhân, viên chức và người lao động hiện nay. Một phần cũng do cha mẹ thiếu thông tin về học thêm như thế nào thì hiệu quả, mà cứ nghe thông tin nhà trường và cô tổ chức thì mặc nhiên là đăng ký cho con đi học. Phần nữa, vì lo ngại con không học sẽ không tiếp thu được kiến thức mà “chỉ ở chỗ học thêm mới được học”. Khi thấy con học mà điểm thi chưa được như mong muốn, nhiều cha mẹ còn tìm đến các lớp học thêm ở trung tâm, thầy cô khác. Vì thế việc cho con đi học tràn lan là phổ biến hiện nay, càng làm tăng gánh nặng “cơm áo gạo tiền” đối với nhiều gia đình.

3. Công bằng mà nói, dạy thêm học thêm không phải bây giờ mới diễn ra, mà có từ rất lâu, từ thời tôi đi học cách đây 30-40 năm, nhưng quan trọng là việc tổ chức học thêm, dạy thêm như thế nào để hiệu quả mới là điều cần bàn. Học thêm cũng là nhu cầu của nhiều học sinh và gia đình, nhất là trong điều kiện chương trình học ngày càng khó như hiện nay.

Vì thế, nên chăng cần xem lại quy định cấm học thêm, dạy thêm một cách cứng nhắc. Bởi thực tế cấm nhưng tình trạng này lại ngày càng phổ biến, dưới nhiều hình thức “lách” quy định, càng làm khó cho học sinh và phụ huynh tiếp cận thông tin về học tập một cách chính thống.

Thay vì cấm, nên để nhà trường trình các phương án dạy thêm, học thêm phù hợp với điều kiện, chất lượng học sinh của trường, cũng như mức thu học phí học thêm. Ở cấp nào thì được tổ chức dạy thêm, học thêm. Chẳng hạn, với học sinh cấp 1, có thể cấm việc dạy thêm, học thêm như hiện hành, vì các em học bán trú cả ngày, trong khi ở cấp học này chương trình học cũng đang ở mức độ vừa phải, nên chú trọng hơn việc dạy cho các em kỹ năng sống và các hoạt động vui chơi, tập thể.

Ở cấp 2 và cấp 3 có thể được tổ chức học thêm một cách chính thống trong nhà trường. Theo đó quy định số buổi học, môn học một cách cụ thể. Nhà trường đã tổ chức dạy thêm thì cần xem xét việc cấm giáo viên trong trường dạy thêm ở nhà để tránh tình trạng học sinh phải đi học thêm quá nhiều, kiến thức “chỉ dạy ở nhà cô” như vừa qua. Mặt khác, cũng đảm bảo sức khỏe cho cả thầy và trò trong việc dạy và tiếp thu bài một cách hiệu quả.

Để là được việc này, cần có quy định và sự giám sát sát sao không chỉ ở phía nhà trường, người đứng đầu mà cần cả sự giám sát của cộng đồng và phụ huynh. Khi để xảy ra tình trạng này cần xử lý nghiêm khắc cả người đứng đầu cũng như giáo viên dạy thêm để làm gương cho những người khác.

Nhưng hơn hết vẫn phải là các giải pháp vĩ mô. Đó là việc quan tâm đến đời sống, thu nhập của thầy cô để họ không phải vừa dạy vừa phải lo cơm áo. Tiêu chí tuyển chọn đầu vào của ngành sư phạm, việc đào tạo về cả chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trong một lĩnh vực đặc thù là trồng người...

Và hơn nữa là việc đổi mới, cải cách về giáo dục. Nhà trường, giáo viên và học sinh không bị áp lực học hành, điểm số và bệnh tích đè nặng như hiện nay.

Chỉ khi chúng ta thay đổi đồng bộ nhiều giải pháp thì việc dạy thêm, học thêm mới không trở thành “vấn nạn” và việc hướng đến một nền giáo dục toàn diện mới thực sự hiệu quả./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận