Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi: Làm sao để người dân yên tâm mua chung cư

Bộ Xây dựng đã đưa dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để lấy ý kiến công khai, rộng rãi.

 

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều về quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư...

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã đưa dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để lấy ý kiến công khai, rộng rãi. Trong dự thảo này, quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư đang được dư luận rất quan tâm vì liên quan trực tiếp đến quyền lợi và tài sản có giá trị lớn của người dân. Tại TP.HCM, một số doanh nghiệp và chuyên gia có ý kiến đóng góp về nội dung này.

Kiến nghị sở hữu chung cư theo thời hạn sử dụng đất

Liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1 là bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng của công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng. Ở phương án 2, dự thảo đưa ra thời hạn sở hữu nhà chung cư theo quy định của pháp luật đất đai. Với phương án này thì dự thảo giữ nguyên quy định hiện hành, tức là không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư. Người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Ông Trần Quốc Dũng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh đề nghị quy định giữ nguyên như phương án 2. Lý do ông Dũng đưa ra là các đô thị đang theo mô hình đô thị nén, dành quỹ đất phát triển hạ tầng xã hội phục vụ người dân. Như vậy, vô hình trung đã tạo ra rào cản cho người dân tham gia vào thị trường căn hộ chung cư. Do đó, để có quỹ đất làm những việc khác thì cần khuyến khích xây dựng không gian cao tầng và không gian ngầm.

"Giữ nguyên như hiện nay về sở hữu nhà chung cư là xác định không thời hạn, theo thời hạn sử dụng đất. Hiện nay, dự thảo về Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang bỏ ngỏ, nên thời hạn sở hữu nhà chung cư trong điều 141 bỏ ngỏ việc này, cho nên sẽ tạo khoảng trống pháp lý" - ông Dũng bày tỏ.

Để người dân an tâm mua chung cư, cần có quy định hợp lý về thời hạn sử dụng.

Phải nghiên cứu rộng rãi nhu cầu của đa số người dân

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nêu quan điểm là không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư căn cứ vào thời hạn của công trình. Luật Nhà ở năm 2014, lần đầu tiên khái niệm sở hữu nhà ở có thời hạn được đưa ra, trước đó không có khái niệm này. Hiện nay, luật định giao đất có thời hạn thì sở hữu chung cư có thời hạn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đối với đất không xác định thời hạn thì nhà chung cư xây dựng mới vẫn xác định sở hữu có thời hạn.

Ông Châu đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng muốn làm được điều này thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải có quy định người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định, lâu dài như khoản 3, điều 126 Luật Đất đai hiện hành.

"Chúng tôi rất tiếc, bản mới nhất hiện nay thì dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn không nêu vấn đề này. Cho nên chúng tôi đề nghị bổ sung trở lại, bởi vì đây là nguyên tắc đúng, là nền tảng để làm sổ hồng cho người mua căn hộ" - ông Châu nêu rõ.

Theo Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM, có 3 loại quyền liên quan đến nhà chung cư. Đó là quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất và quyền sử dụng căn hộ. Có lúc quyền sở hữu và quyền sử dụng bị tách rời nhau, ví dụ khi nhà nước cần cải tạo, sửa chữa chung cư cũ. Khi độ an toàn của chung cư không đảm bảo thì pháp luật sẽ hạn chế quyền sử dụng.

Ông Nghĩa cho rằng, cần thiết kế Luật Nhà ở đảm bảo nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ người dân, nhưng đồng thời người dân phải có nghĩa vụ thực hiện việc đảm bảo an toàn của toà nhà chung cư. Về vấn đề sở hữu chung cư có thời hạn, ông Nghĩa cho rằng phải khảo sát, nghiên cứu xem thực chất đa số người dân có nhu cầu này hay không.

"Nếu có nhu cầu rộng lớn và đòi hỏi phải có quy định riêng về chuyện này thì chúng ta quy định. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sâu thêm, một số luận cứ cho rằng sở hữu có thời hạn liên quan đến sự an toàn, nên chúng ta phải có giải pháp. Nếu nhà riêng, anh phải bỏ tiền ra sửa chữa lớn thì chung cư cũng phải bỏ tiền ra sửa chữa lớn. Nếu không thì đóng tiền vào hoặc bán lại cho người khác" - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo dự kiến, Luật Nhà ở (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào tháng 10/2022, thông qua vào tháng 5/2023 và có hiệu lực từ 1/1/2024. Trong khoảng thời gian không nhiều, ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần nhanh chóng tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các quy định, đảm bảo phù hợp với thực tế./.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

 

Bình luận

    Chưa có bình luận