Khi giáo viên 'diễn nhầm vai'

Thiếu giáo viên, thiếu đồ dùng, trang thiết bị dạy và học, cơ sở hạ tầng, máy móc… là thực tế đang diễn ra tại khu vực miền núi Nghệ An.

 

Năm học 2022 - 2023 đã diễn ra được 1 tháng. Phần lớn các trường học khu vực miền núi tỉnh Nghệ An đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong điều kiện thiếu thốn, chắp vá, thậm chí giáo viên, học sinh “diễn nhầm vai”.

Tuần thứ 3 học sinh Trường Tiểu học Châu Thôn, huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An được làm quen với môn tin học, cả lý thuyết và trên bàn phím máy tính - một thứ vốn xa xỉ đối với học sinh miền núi. Cô giáo Kim Thị Hương Mơ cũng như phần lớn giáo viên tin học ở đây vốn không có chuyên ngành tin học, được đi tập huấn rồi về giao nhiệm vụ.

Thiếu giáo viên, nhiều trường giáo viên dạy lệch ngành, chạy xô trường này đến trường khác."Năm nay mới bắt đầu dạy tin, cô học, trò học. Nếu so ở các vùng miền dưới kia thì trên này gặp khó khăn hơn rất nhiều, nhiều học trò điện thoại chưa có, thì nói gì đến máy tính, việc học như thế này rất xa lạ đối với các cháu", cô Kim Thị Hương Mơ chia sẻ.

Cả trường có khoảng 20 máy tính, nhưng số dùng được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ban giám hiệu nhà trường đau đầu khi học sinh thì phải khăn gói dời trường, giáo viên “chạy xô” trường này đến trường khác.

Phòng tin học có 8 máy ở điểm chính, điểm lẻ học sinh phải về điểm chính học, mỗi tuần 1 buổi. Một số em bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà, phương tiện không có, nhờ người này người khác, cũng khắc phục. Nhà trường động viên, làm công tác tư tưởng.

Thầy Nguyễn Thế Cầm, hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Thôn.Trường Tiểu học Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn được xem là 1 trong những trường khó khăn nhất phía tây Nghệ An. Trường có 5 điểm lẻ, điểm xa nhất cách điểm chính khoảng 25km, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 học sinh ở các điểm lẻ phải về điểm chính ăn ở bán trú. Thầy Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học mới đã bắt đầu được 1 tháng, đến thời điểm này nhà trường vẫn chưa có giáo viên dạy tiếng anh và tin học.

"Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bản không thể học được, kể cả đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, theo định hướng học sinh lớp 3-5 phải về điểm chính, ở bán trú. Học sinh lâu nay học tại bản bây giờ về bán trú có cái vất vả, cơ sở hạ tầng, thiếu thốn, sách vở học sinh chương trình mới cũng khó khăn hơn, giáo viên giảng dạy chương trình mới cũng chưa có kinh nghiệm, nhà trường phải tổ chức bồi dưỡng", thầy Nguyễn Quang Huy chia sẻ.

Máy tính là một thứ xa xỉ đối với thầy trò miền núi.Thiếu giáo viên, thiếu đồ dùng, trang thiết bị dạy và học, cơ sở hạ tầng, máy móc… là thực tế đang diễn ra tại khu vực miền núi Nghệ An. Ông Lữ Thanh Hoa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Quế Phong cho biết, thiếu giáo viên tiếng anh, tin học, địa phương phải bố trí cho giáo viên “chạy xô”.

"Nhìn chung có khó khăn là thiếu giáo viên tiếng anh và tin học. Phòng đã tham mưu huyện cấp kinh phí để giáo viên dạy dôi dư, thừa giờ. Ví dụ 16 giáo viên phải tăng tiết, dạy liên trường, tức là dạy 2 trường", ông Lữ Thanh Hoa cho hay.

Đáng nói là, chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện từ năm 2018, đúng ra phải có sự chuẩn bị theo lộ trình thực hiện, thế nhưng đến thời điểm này vẫn triển khai đối phó, cho thấy sự chắp vá trong thực hiện chương trình này.

Ông Nguyễn Xuân Hiền Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kỳ Sơn cho rằng: "Chúng tôi khi triển khai chương trình là có đề án, lộ trình, huyện có xây dựng kế hoạch, trường học, phòng học đáp ứng được khi học sinh đến trường, phải có phòng ngoại ngữ, tin học. Còn trang thiết bị theo đề án là do trung ương và ngân sách tỉnh, nhưng cũng khó, chứ tham mưu rồi, giáo dục miền núi có những khó khăn nhất định".

Thực tế cho thấy, một chương trình giáo dục mang tầm quốc gia, được xây dựng, thực hiện khá bài bản, thế nhưng việc triển khai thực hiện đang cho thấy độ vênh nhất định so với thực tiễn cơ sở. Và khi mà cả giáo viên, học sinh đang “đóng nhầm vai” thì rõ ràng không thể nói đến chất lượng và hiệu quả./.

Sỹ Đức/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận